MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền, không phải chỉ ngân hàng mới có!

19-12-2012 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Doanh nghiệp vốn chỉ biết vay ngân hàng, nhưng nay còn có thị trường vốn, chứng khoán hóa, vay trực tiếp từ các quỹ đầu tư, thậm chí từ … các bà nội trợ.

Xu hướng tiếp theo

Đây là thời cơ lớn của ngành tài chính, tất nhiên là trừ với ngân hàng. Ví dụ như MarketInvoice, một công ty mới khởi nghiệp tại Anh, điều hành chợ giao dịch điện tử giúp các công ty nhỏ bán các hóa đơn chưa thanh toán cho nhà đầu tư với giá chiết khấu. Nhờ thế mà người bán thu được tiền nhanh hơn, còn người mua thu lợi tức từ số hóa đơn đã mua.

Kể từ khi ra đời năm 2011, MarketInvoice đã giúp các công ty nhỏ thu về 64 triệu USD (tức 1.300 tỷ VNĐ). Cựu nhân viên Lehman và nhà sáng lập hãng, ông Anil Stocker, nói vấn đề lớn nhất bây giờ là tăng trưởng … nhanh quá, nên khó kiểm soát chất lượng các hóa đơn.

Các công ty chuyên cho vay “ngang hàng” (“peer-to-peer”) như MarketInvoice mọc lên như nấm trong nhiều năm trở lại đây, và họ phát đạt trong thế suy của ngân hàng. Một chỉ báo cho điều này là vụ đầu tư gần đây của Jacob Rothschild vào Zopa, công ty lớn nhất tại Anh trong ngành này. Ngày 7/12, Bộ Tài chính Anh chính thức công nhận ngành kinh doanh non trẻ này khi thông báo nó sẽ … bị giám sát, tất nhiên là nhờ thế mà người dùng sẽ tin tưởng hơn và tăng trưởng cũng nhanh hơn.

Ở khu City of London với những tòa nhà hào nhoáng hơn nhiều khu vực đặt trụ sở của MarketInvoice (và họ cũng làm việc với số tiền lớn hơn nhiều), nhiều ánh mắt đang chăm chú theo hướng này. Tầng 30 tòa nhà Gherkin phong cách nhất khu là nơi đặt trụ sở của Ares Capital Europe chuyên đầu tư vào nợ của các công ty cỡ trung tại Châu Âu.

Công ty mẹ tại Mỹ mở văn phòng tại London vào năm 2006 với suy nghĩ một hệ thống tài chính thống trị bởi các ngân hàng vay nợ quá nhiều và định giá sai rủi ro ắt sẽ chẳng có kết tục tốt đẹp gì. Mỗi năm, 25 chuyên gia của công ty xem xét đầu tư vào khoảng 350 khoản nợ.

Các quỹ mua nợ riêng lẻ khác cũng đang rất bận rộn. Công ty quản lý tài sản Intermediate Capital Group hiện đang huy động quỹ lớn nhất Châu Âu chuyên về mezzanine debt (trong cơ cấu vốn một công ty, mezzanine debt cao hơn vốn cổ phần, nhưng thấp hơn nợ có bảo đảm).

Thị trường béo bở

Gần tòa nhà Gherkin là văn phòng London của gã khổng lồ BlackRock với gần 3,7 nghìn tỷ USD tài sản quản lý. Công ty này vừa khai trương bộ phận nợ cơ sở hạ tầng Châu Âu chuyên cho vay các dự án cơ sở hạ tầng. Người đứng đầu mảng tài sản đầu tư thay thế (“alternative asset”), ông Matt Botein, gọi đây là bước khởi đầu cho một thị trường sẽ hút hàng trăm tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán các ngân hàng và chuyển vào danh mục của các nhà đầu tư tổ chức.

Đâu đâu ngân hàng cũng phải chịu áp lực từ cơ quan quản lý, bên cho vay và cổ đông phải tái cơ cấu để nhỏ hơn và an toàn hơn. Các công ty tài chính phi ngân hàng đang “cười trên nỗi đau khổ” của họ. Không ở đâu cơ hội lại lớn như ở Châu Âu.

Từ lâu các ngân hàng Châu Âu vẫn dựa vào tài trợ bán buôn (“wholesale funding”) nhiều hơn các ngân hàng Mỹ; giờ họ muốn chuyển sang dựa vào tiền gửi. Trước họ sẵn sàng mua tài sản dài hạn ở những ngành như bất động sản và cơ sở hạ tầng; giờ họ tích tài sản ngắn hạn, dễ tài trợ hơn mà lại ít rắc rối với cơ quan quản lý.

Ngân hàng Châu Âu “suy”, nhiều khu vực trên thế giới cũng “mệt”, vì các ngân hàng Pháp và Tây Ban Nha năm ngoái chiếm tới 40% tín dụng thương mại cho Châu Mỹ Latin và Châu Á. Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết kể từ tháng 6/2011, cho vay nước ngoài của các ngân hàng Pháp đã giảm 20% (tức trên 650 tỷ USD). Một khác biệt nữa với Mỹ là ngân hàng là nguồn tiền chính tại Châu Âu.

Ở Mỹ, ngân hàng chỉ đóng góp 25-30% tín dụng; phần còn lại tới từ nhiều nguồn, như thị trường vốn và nhà đầu tư vào tài sản chứng khoán hóa. Châu Âu thì ngược lại. Ngân hàng là bệ đỡ chính cho tài chính doanh nghiệp (xem hình 1). Có 8 nghìn tỷ euro nợ doanh nghiệp trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng Châu Âu, thì chỉ có 1,3 nghìn tỷ trên thị trường trái phiếu.

Nếu ngân hàng rút lui, ắt sẽ cần các nguồn vốn mới. Đó là lý do vì sao vô số các công ty với mọi đường lối khác nhau, từ MarketInvoice tới BlackRock, đang lạc quan với thị trường này. Cái đáng lo là dù họ có cố gắng hết sức thì vẫn không bù đắp nổi thiếu hụt nguồn vốn.

Công ty nào vẫn phụ thuộc nặng nề vào vốn vay ngân hàng ắt chẳng vội quay sang thị trường vốn. Tài sản và tổ chức phát hành nào có xếp hạng tín dụng hạng đầu tư thường khá dễ phát hành trái phiếu. Thị trường đói “hàng” tới mức nhà đầu tư vui vẻ bơm tiền cho cả các tổ chức phát hành có xếp hạng tín dụng thấp hơn.

Các công ty bất động sản Châu Âu vốn trước kia phụ thuộc vào ngân hàng nay dự kiến sẽ phát hành lượng trái phiếu kỷ lục. Thị trường trái phiếu lợi suất cao tại Châu Âu dù nhỏ nhưng năm nay ắt sẽ là một năm kỷ lục (xem hình 2).

Nhiều người đi vay đã tìm đường vượt Đại Tây Dương để tiếp cận với thị trường chào bán riêng lẻ phát triển tại Mỹ (nợ được phát hành trực tiếp tới một nhóm nhỏ người cho vay). Thị trường trái phiếu bán lẻ là cách huy động vốn từ cá nhân này đến cá nhân kia ngày càng phổ biến. “Hướng đi tại Châu Âu đã rõ: thay thế ngân hàng bằng thị trường vốn,” nhà phân tích Simon Samuels từ Barclays, nói.

Chính ngân hàng, hay ít nhất là các ngân hàng tổng hợp (tức kết hợp cả ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư) cũng vui vẻ hỗ trợ cho quá trình này. Nếu được quản lý tốt, đây là cách để họ tiết kiệm vốn mà vẫn giữ được quan hệ với khách hàng. Tư vấn và thu xếp huy động vốn ngoài thị trường cũng sinh lời chẳng kém gì cung cấp tín dụng. Và ngân hàng không cần phải ghi món nợ này trên bảng cân đối kế toán mới thu được tiền từ các dịch vụ phụ trợ như hối phiếu và tín dụng thương mại. Đó là động lực để họ tiếp tục làm việc với người đi vay.

Ví dụ như BNP Paribas vẫn tự mình thực hiện nghiệp vụ cho vay ngắn hạn. Nhưng ngân hàng này cũng đang làm việc với các khách hàng tầm trung về các giải pháp dài hơi hơn như thị trường trái phiếu và chào bán riêng lẻ. “Chúng tôi không thể biết khách hàng tiếp cận tín dụng kiểu gì,” ông Martin Egan, người đứng đầu bộ phận phát hành nợ của BNP, nói. “Hai mảng trái phiếu và cho vay của ngân hàng này đang xích lại gần nhau.”

Các hạng mục tài sản và tổ chức phát hành khác khó thay thế ngân hàng của mình hơn. Một số công ty không đủ lớn để tiếp cận với thị trường vốn: dưới một mức nhất định để có thể vay, chi phí giao dịch quá cao và kém thanh khoản.

Thị trường chứng khoán hóa tuy là lời giải, nhưng ít nhất ở Châu Âu, uy tín của nó rất tệ do vai trò trong khủng hoảng tài chính và hiện vẫn chết lâm sàng. Còn trái phiếu bảo đảm bằng các khoản nợ (một cách đóng gói nợ của các công ty cỡ trung) đã biến mất khỏi Châu Âu kể từ tháng 8/2007.

Đón đọc kỳ tiếp theo: “Thịnh” trong thế “suy” của ngân hàng

Minh Tuấn

tuannm

The Economist

Trở lên trên