Tôi đã trở thành nhân viên “ngân hàng trong bóng tối” như thế nào?
Mối đe dọa đối với hệ thống tài chính Trung Quốc là có thật, nhưng là ở ngay ngoài ánh sáng chứ không phải trong bóng tối!
Người viết bài này là Joe Zhang – tác giả của cuốn sách “Inside China’s Shadow Banking: The Next Subprime Crisis?” (tạm dịch: Bên trong “ngân hàng trong bóng tối” của Trung Quốc: Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tiếp theo?)
Mùa thu năm 2010, với vai trò là phó giám đốc bộ phận ngân hàng đầu tư tại UBS, tôi có buổi nói chuyện về triển vọng của TTCK Trung Quốc với một nhóm các nhà đầu tư giàu có ở Bắc Kinh.
Wang Zhigang - một người đàn ông khoảng 50 tuổi đến từ Hàng Châu – kéo tôi vào nói chuyện và xin lời khuyên. Cho đến khi đó, Wang vẫn kiếm tiền chủ yếu từ hoạt động cho vay chứ không phải từ chứng khoán. Tuy nhiên, ông than phiên rằng lợi nhuận thu được đã sụt giảm mạnh từ mức hơn 30%/năm xuống chỉ còn gần 23%. Wang lo lắng về khối tài sản của mình. Ông đã đi lên từ tay trắng để có được gần 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 445 triệu USD) như hiện nay.
Wang rất cần lời khuyên của tôi. Tuy nhiên, tôi nói với ông: “Với khả năng của ông, kể cả Warren Buffett cũng nên giao một chút tiền cho ông quản lý!”
Tò mò, một vài ngày sau, tôi lập tức bay đến Hàng Châu để tìm hiểu tại sao Wang có thể làm tốt như vậy. Ông đưa tôi tới chợ đồ da Haining để gặp một vài khách hàng. Họ là những thương nhân buôn bán giày da, túi xách và các phụ kiện làm từ da. Mạng lưới của họ rất rộng và được kết nối chặt chẽ. Các sản phẩm được bán ra trên toàn cầu thông qua các kênh truyền thống cũng như kênh trực tuyến.
Cách đây 20 năm, những người này không thể tiếp cận được với các khoản vay từ ngân hàng truyền thống. Kể cả sau khi hoạt động kinh doanh của họ đã phát triển, các thương nhân này cũng không thể có được tài sản đảm bảo như các ngân hàng yêu cầu. Họ cần tiền (thậm chí là cần ngay lập tức) và do đó tìm đến các “nhân viên ngân hàng trong bóng tối” như Wang.
Lời cảnh báo từ PBOC
Trong thời gian gần đây, “ngân hàng trong bóng tối” đã trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi ở Trung Quốc. Những người cho vay nặng lãi, các tổ chức tiểu tín dụng (microcredit), cơ sở cầm đồ, các sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng … đang tạo nên bộ phận không được quản lý với qui mô ước tính lên tới 5.000 tỷ USD và trở thành thách thức lớn đối với các ngân hàng truyền thống.
Ngân hàng trong bóng tối nhanh chóng trở thành nỗi lo ngại của NHTW Trung Quốc với nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ hồi năm 2008. Cú sốc Shibor vừa qua được nhiều người nhìn nhận là một lời cảnh báo mà NHTW dành cho các ngân hàng trong hệ thống, yêu cầu họ hãy xóa sạch các hoạt động có liên quan đến ngân hàng trong bóng tối.
Những người hoạt động trong mảng này có thể dễ dàng “biến thành quỷ”. Giống như Wang, nhiều người nghiện thuốc lá nặng và tỏ ra thánh thiện. Phương pháp tiếp cận của họ là không chính thống, các khoản vay không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán. Có thể ví ngân hàng trong bóng tối giống như một thảm họa trực chờ bùng phát.
8 tháng sau khi đến Hàng Châu, tôi đích thân trở thành một nhân viên ngân hàng trong bóng tối. Kể từ năm 2011, tôi điều hành một tổ chức tiểu tín dụng ở Quảng Châu, cung cấp các khoản vay cho hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ: các chủ cửa hàng hoa, nhà hàng, ngư dân, người trồng rau và những người bán hàng rong.
Mặc dù lãi suất lên tới 24%/năm, nhu cầu dường như là vô tận. Các khách hàng có qui mô quá nhỏ và hoạt động kinh doanh của họ không ổn định và do đó không nhận được các khoản vay truyền thống. Thêm vào đó, bởi vì số tiền cũng không lớn (trung bình là 20.000 USD cho một khoản vay) và người cho vay có mối liên hệ tốt với khách hàng, có vẻ như hoạt động cho vay rất an toàn.
Gần đây, tôi trở lại Hàng Châu để thăm Wang. Một số người cho vay đã vỡ nợ trong vài tháng gần đây, nhưng Wang cho rằng ông khác với các đối thủ vì có được sự may mắn. Wang chỉ cho các khách hàng mà ông biết rõ vay tiền, và nhiều năm kinh nghiệm giúp ông có con mắt tinh tường.
“Đây là số tiền mà tôi đã rất vất vả mới có được và tôi phải cẩn trọng. Hồi nhỏ gia đình tôi rất nghèo và tôi rất sợ nghèo đói sẽ quay trở lại”, Wang nói. Tài sản của ông đã tăng gấp đôi kể từ lần cuối tôi gặp ông.
Hiểm họa ngoài ánh sáng
Năm ngoái, hai đồng nghiệp của Wang đã phá sản. Một vài người ở Hàng Châu cũng đã bị tống vào tù sau khi bị buộc tội gian lận. Vài tuần gần đây, báo chí cũng đưa tin hàng loạt doanh nghiệp nhỏ phá sản sau khi vay mượn quá nhiều từ các ngân hàng trong bóng tối với mức lãi suất cắt cổ.
Dẫu vậy, không nên kết tội ngân hàng trong bóng tối chỉ vì những câu chuyện trên. Đây là hệ thống hoạt động đa dạng và phục vụ một nhóm khách hàng đặc trưng. Hơn nữa, các tổ chức này có tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn nhiều so với các ngân hàng. Lỗ của các ngân hàng trong bóng tối thường được hấp thụ bởi chính xác doanh nghiệp và không ảnh hưởng đến người nộp thuế.
Kể cả các sản phẩm quản lý tài sản được phát hành bởi các ngân hàng cũng không phải là điều đáng lo ngại, bởi chúng chỉ là tiền gửi mà thôi.
Các ngân hàng trong bóng tối cần được giám sát chặt chẽ là điều đúng đắn và đương nhiên. Tuy nhiên, rất nhiều luật lệ hiện khá mơ hồ và không hợp lý.
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc đang khắc họa nhầm thủ phạm. Ngân hàng trong bóng tối nở rộ ở Trung Quốc chỉ vì một lý do đơn giản: kiềm chế tài chính (financial repression – thuật ngữ dùng để chỉ luật và chính sách của chính phủ hoặc những biện pháp phi thị trường nhằm ngăn chặn các tổ chức trung gian tài chính của một kinh nền kinh tế vận hành tối đa năng lực). Bằng cách giữ lãi suất thấp một cách giả tạo, các cơ quan quản lý khiến người tiết kiệm bắt buộc phải tìm đến các sản phẩm tài chính sinh lợi nhiều hơn.
Trong điều kiện như hiện nay, các ngân hàng sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn cho vay và đó cũng chính là cơ chế gây nên khủng hoảng tài chính 2008. Các lãnh đạo Trung Quốc đã đúng khi lo lắng về khả năng Trung Quốc sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Mối đe dọa đối với hệ thống tài chính Trung Quốc là có thật, nhưng là ở ngay ngoài ánh sáng chứ không phải trong bóng tối!
Thu Hương