MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tối hậu thư vô hiệu ở Ukraine

15-04-2014 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Tối hậu thư do chính quyền Ukraine đưa ra buộc những người ly khai ở miền đông phải buông súng và rời các tòa nhà chiếm đóng đã hoàn toàn bị phớt lờ.

Khi thời hạn chót trôi qua lúc 9g sáng qua (giờ địa phương), phóng viên của Reuters tại thành phố Slaviansk, nơi các tay súng chiếm giữ hai tòa nhà chính phủ, cho biết không có dấu hiệu cho thấy những người muốn ly khai tuân thủ yêu cầu của Kiev. Thay vào đó, ở thị trấn Horlivka gần biên giới với Nga, khoảng 100 người thân Nga khác lại tấn công và chiếm thêm đồn cảnh sát ở đây.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Oleksander Turchynov tuyên bố sẽ tiến hành chiến dịch quân sự tổng lực nhắm vào những người biểu tình đòi ly khai sau thời hạn chót.

Bản thân Kiev cũng có dấu hiệu chia rẽ nội bộ khi Tổng thống Turchynov đã phải ra lệnh cách chức người điều hành chiến dịch trấn áp này của lực lượng an ninh. Ông Turchynov đã mời lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cùng tham gia chiến dịch “chống khủng bố” của Kiev.

“Chẳng còn biết sợ nữa”

Tại Slaviansk, với khoảng 120.000 dân, lực lượng ly khai đã chiếm tòa nhà ba tầng của lực lượng cảnh sát và văn phòng của cơ quan an ninh. Theo Reuters, căng thẳng có thể thấy trên mặt người dân đang sinh sống.

Bộ trưởng nội vụ Ukraine Arsen Avakov thừa nhận quân đặc nhiệm của ông đã phải tập hợp lại sau khi gặp phải sự đáp trả dữ dội của các tay súng đòi ly khai và chịu tổn thất về người tại đây.  Ông Alexei Myzenko, một nhân viên ngân hàng, vẫn đi làm nhưng ông cho biết đã dặn con trai, đang đi học tại Kharkov, không nên đến trường trong hôm qua. “Chúng tôi không muốn có chuyện gì xảy ra - ông Myzenko nói - Đương nhiên, một số người có sợ. Nhưng họ vẫn đang xếp hàng để nhận lương hưu”.

Trong khi đó, bà dược sĩ Iryna Zemlyanskaya, 62 tuổi, tự tin nói: “Tôi vẫn đi làm. Họ đe dọa dùng vũ lực rất nhiều lần rồi mà không làm gì cả. Chẳng ai còn sợ gì hết”.

Bất ổn tồi tệ

Đây là lần đầu tiên chính quyền mới ở Kiev sử dụng vũ lực, bất chấp những cảnh báo của Nga. Cho tới nay các nỗ lực của Kiev nhằm thiết lập lại quyền kiểm soát tại khu vực mỏ và công nghiệp quan trọng này đã không đạt được mấy hiệu quả.

Tối 13-4, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc  cũng đã họp khẩn theo đề nghị của Nga sau khi Kiev tuyên bố tiến hành chiến dịch quân sự. Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin ra cáo buộc “đã xảy ra đổ máu và việc leo thang thêm phải bị ngăn chặn ngay lập tức”. Phía Nga cũng chỉ trích chiến dịch quân sự là hành động “tội phạm”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power trong khi đó cáo buộc Nga đang phát động chiến tranh thông tin và khuấy động tình hình tại Ukraine. “Đây là loại bất ổn tồi tệ nhất. Hoàn toàn do con người kích động. Nó được Nga viết và dàn dựng” - bà Power tuyên bố tại phiên họp của Hội đồng Bảo an. Phía Anh thì dựa trên hình ảnh vệ tinh để chất vấn ông Churkin về 40.000 binh sĩ mà Nga vẫn duy trì tại khu vực biên giới, bất chấp các tuyên bố rút quân của Nga.

Nga đến giờ vẫn bác bỏ việc có liên quan đến làn sóng bạo lực và đòi ly khai mới ở Ukraine. Kremlin vẫn đe dọa việc Ukraine trấn áp có thể ảnh hưởng tới việc đàm phán bốn bên khai mạc tuần này tại Geneva.

Theo Thanh Tuấn

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên