MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc IMF là nạn nhân của các âm mưu chính trị?

16-05-2011 - 08:34 AM | Tài chính quốc tế

Tương lai chính trị của ứng cử viên cực kỳ sáng giá cho vị trí Thủ tướng Pháp dường như đã bị hủy hoại sau cáo buộc tấn công tình dục mới đây.

Cho đến trước vụ việc ngày hôm kia, dường như mọi thứ đã sẵn sàng để ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng giám đốc IMF, tuyên bố ông trở thành ứng viên cho vị trí đứng đầu Đảng Xã hội chủ nghĩa Pháp và vận động tranh cử để chạy đua vào “chiếc ghế” Thủ tướng Pháp vào năm 2012.

Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy ông là ứng viên thuộc Đảng Xã hội chủ nghĩa Pháp được yêu thích nhất và có thể chiến thắng Tổng thống đương nhiệm của Pháp Nicolas Sarkozy.

Việc ông Strauss-Kahn bị bắt vào ngày 14/05/2011 tại New York do cáo buộc tình dục đã phá tan tất cả kế hoạch được chuẩn bị trước đó và gần như sẽ hủy hoại tương lai chính trị của ông.

Ông Strauss-Kahn bị bắt khi ông đã lên máy bay Air France tại sân bay quốc tế Kennedy, chỉ vài phút trước khi máy bay cất cánh. Cảnh sát New York tuyên bố ông đã có hành vi cố tình tấn công tình dục tại một khách sạn ở Manhattan. Các báo cáo cho thấy ông đã rời phòng khách sạn nơi ông ở trước đó một cách vội vã. Luật sư của ông tuyên bô ông vô tội.

Thông tin này lập tức khiến chính trường Pháp choáng váng. Bà Martine Aubry, lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa Pháp coi nó như một tiếng sét. Người khác lại nói đến một “cơn đại hồng thủy”.

Ngay cả nếu cuối cùng ông thoát khỏi mọi cáo buộc, việc phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tòa án và làn sóng chỉ trích kịch liệt đối với đời sống riêng tư của ông cuối cùng cũng sẽ cản trở việc ông trở lại Pháp để cạnh tranh vào vị trí ứng viên của Đảng.

Trước đó, vào năm 2008, ông cũng đương đầu với một cuộc điều tra nội bộ IMF bởi nghi ngờ về mối quan hệ không đúng đắn giữa ông này và một nhân viên trợ lý. Cuối cùng, quỹ kết luận ông đã không lạm dụng chức vụ tuy nhiên đã đưa ra một số quyết định sai lầm.

Vợ của ông, bà Anne Sinclair, một phóng viên truyền hình nổi tiếng tại Pháp, luôn ủng hộ ông. Việc quỹ để ông tiếp tục giữ chức vụ cho đến nay có vẻ không hợp lý.

Ngay cả trước cú sốc này, ứng viên Tổng thống Pháp đã chịu chỉ trích khá nhiều. Vài tuần qua, truyền thông Pháp không ngừng đưa tin về lối sống xa hoa của ông.

Theo France Soir, sau khi ông Dominique Strauss-Kahn cùng vợ đến Mỹ để đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc IMF từ năm 2007, cuộc sống của đôi vợ chồng quan chức quốc tế trở nên cực kỳ xa hoa.

Vợ chồng ông Dominique Strauss-Kahn đã bỏ tiền ra mua một ngôi nhà trị giá 2,5 triệu bảng Anh ở Washington, Georgetown. Họ cũng sở hữu một căn hộ ở thủ đô Paris mua năm 1990, giá khi mua khoảng 2,2 triệu bảng, họ cũng làm chủ một căn hộ thuộc khu Place des Vosges sang trọng với giá mua năm 2007 là 3,4 triệu bảng Anh.

Ông Dominique Strauss-Kahn cũng sở hữu một biệt thự siêu sang chưa được định giá ở Maroc.

Ngoài ra, bức ảnh ông bước vào một chiếc Porsche trị giá 87 nghìn bảng bên ngoài một tòa biệt thự cao cấp ở Paris đã khiến dư luận Pháp không khỏi trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên tất cả các thông tin trên chẳng thấm vào đâu nếu so với cáo buộc tình dục mới đây.

Người Pháp thường không quá quan tâm đến đời sống riêng tư của các chính trị gia. Thế nhưng cáo buộc tình dục lại là chuyện khác. Nếu cuối cùng các lời cáo buộc trở thành sự thật, mọi chuyện đối với ông Strauss-Kahn sẽ hết sức bất lợi.

Hiện nay, kể cả bà Aubry hay ông François Hollande, cựu lãnh đạo đảng, không thể trở thành ứng viên của Đảng. Nếu không có ông Strauss-Kahn, khả năng Đảng Xã hội chủ nghĩa chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012, dù không tiêu tan nhưng cuộc đua giữa 2 đảng đã trở nên mất cân bằng hơn rất nhiều so với hiện nay.

Dù ảnh hưởng từ vụ bê bối mới đây lên chính trường Pháp như thế nào, nó khiến IMF khốn khổ. Một quan chức thuộc IMF gọi nó là thảm họa. Dù đằng nào ông cũng sẽ rời chức vụ này trong vài tháng nữa, trừ khi ông được chứng minh vô tội, sẽ buộc phải ra đi sớm hơn.

Quỹ sẽ thiếu đi một tiếng nói quan trọng trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách kinh tế châu Âu hết sức căng thẳng với vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu. Lẽ ra vào ngày hôm qua, ông đã có cuộc gặp với Thủ tướng Đức và tham dự buổi họp quan trọng với Bộ trưởng Tài chính các nước châu Âu ngày 16/05/2011.

Trong buổi họp này, dự kiến ông sẽ tuyên bố thẳng thừng rằng IMF sẽ không tiếp tục tham gia vào giải quyết các vấn đề tại Hy Lạp. Châu Âu sẽ phải cung cấp thêm tiền cho Hy Lạp hoặc nợ của Hy Lạp phải được tái cơ cấu. “Tiếng nói” của IMF trong việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu giảm đi nhiều khi không có một người đứng đầu.

Nếu cuối cùng ông Strauss-Kahn phải rời chức vụ, ông John Lipsky, phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, sẽ đảm nhiệm chức vụ. Tuy nhiên ông Lipsky không thể bằng Strauss-Kahn xét về nhiều mặt. Và mới đây, chính ông Lipsky đã công bố ông sẽ rời khỏi IMF vào tháng 8/2011. Lỗ hổng quản lý cấp cao nhất tại IMF không hề nhỏ nếu ông Strauss-Kahn ra đi.

Ngọc Diệp
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/Economist


ngocdiep

Trở lên trên