MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Mỹ ở nhà lo đối nội

05-10-2013 - 12:06 PM | Tài chính quốc tế

Cuộc khủng hoảng chính trị trong nước buộc Tổng thống Barack Obama phải hủy chuyến đi dự Hội nghị APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

Sáng 4-10, Tổng thống Obama đã chính thức hủy toàn bộ chuyến đi sang châu Á khi tuyên bố không thể dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Indonesia cũng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Brunei.

Theo chương trình ban đầu, Tổng thống Obama dự định lên đường đi châu Á trong hôm nay (5-10). Trước đó, Nhà Trắng đã thông báo hủy chuyến thăm của ông đến Malaysia và Philippines nhưng trì hoãn quyết định về hai hội nghị thượng đỉnh vốn được xem là quan trọng đối với lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự Mỹ. Ngoại trưởng Kerry, người đang công du ở châu Á, sẽ thế chân ông Obama dự các hội nghị.

Đây là lần thứ hai trong vòng 18 năm qua, một tổng thống Mỹ không thể tới dự APEC. Năm 1995, Tổng thống Bill Clinton từng phải rút lui với cùng lý do: chính quyền đóng cửa vì không duyệt được ngân sách.

Dấu hỏi với TPP

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney thông báo rất rõ: “Do chính phủ đóng cửa, chuyến đi của Tổng thống Obama tới Indonesia và Brunei đã bị hủy”. Theo ông Carney, tổng thống muốn “tiếp tục gây sức ép để phe Cộng hòa phải bỏ phiếu ngay lập tức nhằm mở chính quyền trở lại”.

“Việc hủy chuyến đi là hậu quả của việc các hạ nghị sĩ Cộng hòa buộc chính phủ đóng cửa” - ông Carney chỉ trích thêm. Theo ông, việc đóng cửa “hoàn toàn có thể tránh được” này đang gây cản trở cho nỗ lực của chính quyền trong việc tạo việc làm mới thông qua thúc đẩy xuất khẩu. Ông Carney cũng thông báo Tổng thống Obama muốn tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác và sẽ trở lại khu vực sau này.


Việc tổng thống Mỹ không dự APEC phủ bóng đen lên khả năng tạo đột phá cho quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó đã có nhiều thông tin dự đoán ông Obama và các nhà lãnh đạo sẽ cùng đưa ra một thỏa thuận sơ bộ về TPP bên lề APEC - giữ đúng cam kết mà ông Obama đưa ra trước đó. Vòng đàm phán tại Bali lần này là vòng đàm phán hiếm hoi có cả cuộc gặp các bộ trưởng và nhà lãnh đạo cấp cao với hi vọng đưa ra nhiều quyết định chính trị cho các vấn đề gai góc của đàm phán.

Sự vắng mặt của tổng thống Mỹ cũng khiến các nước nhìn nhận như một sự suy yếu của Mỹ hay đơn giản Mỹ là một đối tác không ổn định. Chưa kể việc các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á lại đặt dấu hỏi về cam kết thật sự của Washington đối với khu vực sau rất nhiều tuyên bố về “chuyển trục” và tái cân bằng.

AFP trích lời ông Simon Tay, chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore, nói quyết định của ông Obama có thể “đánh dấu sự gỡ bỏ chính sách chuyển trục”. Theo ông Tay, tình hình ở Mỹ sẽ khiến các chính trị gia Mỹ khó “đảm bảo các cam kết ở châu Á xa xôi”.

Khó cho COC

Ông Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược - quốc tế (CSIS), nhận định rằng việc ông Obama không xuất hiện sẽ khiến khó cho việc thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) và “sẽ để lại ảnh hưởng địa chính trị lớn”. “Điều có thể khiến Bắc Kinh mạnh bạo hơn... trong việc gây sức ép với các nước láng giềng” - ông Bower viết vì Trung Quốc sẽ xem Mỹ là không đủ sức ủng hộ ASEAN. Còn ông Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á bình luận với Reuters: “Trung Quốc giờ đây có diễn đàn cho riêng mình”.


Việc không dự APEC cũng khiến ông Obama bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ và vận động Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vấn đề khủng hoảng ở Syria - từng là tâm điểm của chính trị Mỹ chỉ cách đây vài tuần.

Quyết định khó khăn của ông Obama dẫu sao cũng được xem là hợp lẽ. Hình ảnh tổng thống Mỹ vui cười bắt tay với các nhà lãnh đạo quốc tế sẽ là thảm họa ở trong nước khi chính quyền đang bị đóng cửa, hàng trăm ngàn viên chức phải nghỉ làm. Thời điểm hiện tại còn cận kề cuộc chiến lớn hơn giữa hai phe: quyết định nâng trần nợ công dự kiến vào ngày 17-10 tới. Ông Obama đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: rời Mỹ thì bị phe Cộng hòa chỉ trích là bỏ mặc đất nước trong khi có nhiều vấn đề cấp bách, không dự APEC và EAS thì ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của nước Mỹ ở khu vực.

Năm 1995, Phó tổng thống Al Gore được điều đi thay ông Clinton. Lần này, ông Obama không thể làm như thế vì Phó tổng thống Joe Biden, với nhiều năm kinh nghiệm ở quốc hội, đang là kênh quan trọng trong cuộc đối đầu hiện nay với phe Cộng hòa.

Theo Thanh Tuấn

huongnt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên