Trên thị trường hàng hóa có tồn tại siêu chu kỳ?
Khó có thể tin rằng có một mô hình cơ bản nói về việc những chỉ số kinh tế thay đổi như thế nào qua thời gian hàng thập kỷ. Tuy nhiên, cú sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu hiện nay giống như một sự báo trước mở đầu cho lý thuyết siêu chu kỳ này.
Siêu chu kỳ kinh tế là lý thuyết dựa trên những suy nghĩ, giả định của hai nhà kinh tế học của thế kỷ 20 Nikolai Kondratiev và Joseph Schumpeter và vẫn luôn là điều khiến các thị trường bị ám ảnh, đặc biệt là thị trường hàng hóa. Khó có thể tin rằng có một mô hình cơ bản nói về việc những chỉ số kinh tế thay đổi như thế nào qua thời gian hàng thập kỷ. Tuy nhiên, cú sụt giảm của giá hàng hóa toàn cầu hiện nay giống như một sự báo trước mở đầu cho lý thuyết siêu chu kỳ này.
Vừa qua, gần như toàn bộ các thị trường hàng hóa đã phải nhận lấy những đòn giáng nặng nề khiến giá cả các loại hàng hóa trượt giảm mạnh và nhanh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Chỉ số hàng hóa tổng hợp của Bloomberg (BCI) đã giảm 61% so với mức đỉnh 2008 và 46% so với mức đỉnh của giá hàng hóa trước năm 2011.
Chỉ số BCI là đường màu xanh lá cây
Một phần nguyên nhân đến từ viễn cảnh Mỹ sẽ nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau nhiều năm duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay và cơn hoảng loạn trên TTCK Trung Quốc khiến giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi đáng ngờ về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới. Động thái phá giá nhân dân tệ của NHTW Trung Quốc cũng là một nguyên nhân quan trọng. Những điều này hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên cũng phải chỉ ra rằng từ biểu đồ tổng quát chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cú sụt giảm mạnh gần đây cũng chỉ là một phần trong siêu chu kỳ giảm giá của hàng hóa.
Năm 2012, hai nhà kinh tế Bilge Erten của Phòng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc và Jose Antonio Ocampo của đại học Columbia đã công bố một công trình nghiên cứu mô tả về cái gọi là siêu chu kỳ hàng hóa. Công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng là dải Brand, một công cụ mà chắc chắn không có vào thời của Nikolai Kondratiev và Joseph Schumpeter (thế kỷ 20).
Kết quả, Erten và Ocampo đã tìm ra 4 chu kỳ hàng hóa kể từ 1894 đến năm 2010. Chu kỳ đầu tiên đạt đỉnh vào năm 1917 và kết thúc vào năm 1932 – thời điểm đáy của Đại khủng hoảng kinh tế thế giới. Chu kỳ thứ 2 bắt đầu sau 1932 kéo dài tới năm 1971 – thời điểm kinh tế thế giới gặp cú sốc về giá dầu do chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra, chu kỳ thứ 2 này đạt đỉnh vào năm 1951. Chu kỳ thứ 3 xảy ra trong khoảng 1973 – 1999. Và theo 2 nhà kinh tế này thì chu kỳ hiện tại đã đạt đỉnh vào năm 2010.
Trong suốt những chu kỳ này, giá của tất cả các loại hàng hóa ngoại trừ dầu mỏ đều có mức biến động tương đồng với nhau. Mức giá trung bình rơi vào một đợt suy giảm dài hạn, mà có lẽ do liên quan tới những cải tiến, phát triển trong lĩnh vực khoa học – công nghệ của con người. Những diễn biến trong các chu kỳ giá hàng hóa mà 2 nhà kinh tế này chỉ ra cho thấy đỉnh của các chu kỳ đi liền với những đợt tăng trưởng mạnh của kinh tế toàn cầu, nhưng sau đó khi bước vào suy thoái thì giá cả hàng hóa lại sụt giảm mạnh mẽ và thấp hơn cả so với mức giá ở đầu mỗi chu kỳ.
Vậy điều gì đang thúc đẩy xu hướng giảm hiện tại của giá hàng hóa? Tác nhân hàng đầu cho sự sụt giảm này chính là Trung Quốc. Nhu cầu về các loại hàng hóa như nhôm, đồng và thép của Trung Quốc đã tăng mạnh đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, khi mà tốc độ đô thị hóa được đẩy mạnh nhanh chóng đi kèm với việc hàng loạt công trình, cơ sở hạ tầng mọc lên, đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cơ bản lên cao. Nhưng bây giờ khi tăng trưởng chậm lại đi kèm với nỗi lo về bong bóng bất động sản thì đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa cũng giảm mạnh.
Trong khi có thể dễ dàng tìm ra những yếu tố giải thích phần nào cho sự sụt giảm của các loại hàng hóa cơ bản liên quan tới sản xuất, việc giải thích các nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm của các hàng hóa nông nghiệp lại khó hơn. Vào năm 2011, Phòng kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc đã dự báo rằng giá của các mặt hàng: thịt và ngũ cốc sẽ tăng khoảng 20% đến 30% trong thập kỷ này. Tuy nhiên với mức giảm giá của các loại hàng hóa cơ bản hiện nay, đặc biệt là giá dầu thì chỉ có một cách giải thích hợp lý cho sự sụt giảm của các loại hàng hóa nông nghiệp đó là: nếu xu hướng giảm của giá dầu tiếp tục kéo dài thì đồng nghĩa với việc giá dầu rẻ hơn – chi phí nhiên liệu cho sản xuất rẻ hơn, đẩy giá các loại hàng hóa nông nghiệp tiếp tục giảm.
Chu kỳ của giá hàng hóa hiện tại khá bất thường và bị ảnh hưởng bởi sự tham gia của các nhà giao dịch hàng hóa đã tăng cao đáng kể. Đặc biệt, hiện nay các nhà giao dịch hàng hóa đã có thể áp đặt niềm tin thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến giá hàng hóa thông qua các hợp đồng phái sinh nhằm bảo vệ hoặc đầu cơ cho giá trị hàng hóa họ nhắm tới. Những tác động này cũng gây một phần khó khăn trong cách xác định đỉnh của siêu chu kỳ.
Tuy nhiên, nếu thực sự có tồn tại cái gọi là siêu chu kỳ của giá hàng hóa thì tất cả các biến động, ảnh hưởng kể trên cuối cùng cũng sẽ rơi vào cùng một mô hình, khuôn mẫu giống nhau.