MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: 7 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đối mặt nguy cơ không có việc làm

17-06-2013 - 12:30 PM | Tài chính quốc tế

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lâm vào rắc rối.

Số lượng kỷ lục 7 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc trong một vài tuần tới. Tuy nhiên, triển vọng việc làm của họ rất u ám. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lâm vào rắc rối.

Mặc dù ngập trong đống đơn xin việc chất cao như núi, các doanh nghiệp cho biết họ có rất ít vị trí còn trống. Các trang tiểu blog tràn ngập lời kêu ca phàn nàn của các sinh viên mới tốt nghiệp. Lo lắng rằng vấn đề này có thể ảnh hưởng đến ổn định xã hội, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các trường học, tổ chức chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước tăng cường tuyển dụng bộ phận sinh viên mới tốt nghiệp. Chính phủ nước này hi vọng chí ít thì chính sách này cũng tạm thời xoa dịu tình trạng thất nghiệp. 

Lu Mai – thư ký của Tổ chức nghiên cứu phát triển Trung Quốc – trong một bài phát biểu gần đây đã phải thừa nhận gần một nửa sinh viên mới tốt nghiệp của năm nay không thể tìm được việc làm. “Rất nhiều công ty không hề tăng trưởng. Và, một số sinh viên trúng tuyển nhưng lại bị sa thải trong cùng một tháng bởi các công ty nhận ra rằng họ không có đủ tiền để trả lương”, Yan Shuang – chuyên gia đến từ trung tâm nghiên cứu về nguồn nhân lực – cho biết. 

Trong vòng một thập kỷ vừa qua, số lượng sinh viên được tuyển sinh đã tăng lên gấp 4 lần. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn dựa vào hoạt động sản xuất và đây vốn là ngành sử dụng nhiều lao động chân tay. Theo một khảo sát được công bố hồi mùa đông năm ngoái, nhóm người trong độ tuổi 21 – 25 có đến 16% người có bằng đại học thất nghiệp. Điều đáng ngạc nhiên là chỉ 4% người tốt nghiệp cấp 3 bị thất nghiệp. Mức lương dành cho các công nhân di cư từ vùng nông thôn ra nhà máy đã tăng 70% trong vòng 4 năm qua. Trong khi đó, lương của các lao động trẻ thuộc tầng lớp trí thức gần như không đổi hoặc thậm chí còn bị giảm xuống. 

Từ lâu nay, các chuyên gia kinh tế đã cho rằng kinh tế Trung Quốc cần phải tăng trưởng 7 – 8% mỗi năm để có thể tránh được tình trạng thất nghiệp trên diện rộng. Tuy nhiên, điều này ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi đà tăng trưởng khá chậm chạp có thể tạo ra đủ việc làm cho các công nhân lao động chân tay, điều đó là không thể đối với lực lượng lao động trí óc đang ồ ạt rời khỏi trường đại học. 

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,75% trong năm nay – thấp hơn rất nhiều so với tốc độ 10 – 14% của thời kỳ trước năm 2008. Vấn đề chính đối với Trung Quốc là số lượng sinh viên tốt nghiệp quá lớn. Nếu như Mỹ chỉ tạo ra 3 triệu sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, con số ở Trung Quốc lên đến 7 triệu người. 

Lựa chọn nghề nghiệp cũng là một vấn đề khác. Trong khi chính phủ Trung Quốc hối thúc tìm việc trong các công ty tư nhân qui mô nhỏ, thế hệ trẻ Trung Quốc lớn lên trong chính sách một con không muốn làm việc ở các công ty như vậy. Họ muốn có một công việc ổn định trong các doanh nghiệp nhà nước. Và, cơ hội làm việc trong khu vực này không có nhiều. 

Một số người khác thì lại chọn con đường học lên cao học. “Hi vọng rằng nền kinh tế sẽ khởi sắc khi tôi tốt nghiệp trong 2 năm tới. Có bằng thạc sĩ luôn luôn tốt hơn so với việc làm việc trong các công ty nhỏ không có tương lai chắc chắn”, một sinh viên nói. 

Sinh viên Trung Quốc cũng bị hút về các ngành sau này có thể làm việc trong ngân hàng. Quản trị kinh doanh và các ngành liên quan đến kinh tế ngày càng phát triển, một phần là do các trường đại học tư nhân không mất nhiều kinh phí để dạy các bộ môn này. Chế tạo máy và các ngành kỹ thuật khác ngày càng nhận được ít sự chú ý. 

Giống như ở một vài nước phương Tây trong những năm gần đây, ngành dịch vụ tài chính đặc biệt được ưa chuộng. Theo thống kê của Bộ Nhân lực Trung Quốc, mức lương trung bình cho nhân viên làm việc trong ngành ngân hàng đạt 14.500 USD/năm – cao gấp đôi so với mảng y tế và giáo dục. 

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn nhận định những sinh viên tốt nghiệp từ các trường tốt nhất vẫn có cơ hội lớn, đặc biệt là nếu họ không đặt kỳ vọng quá cao. Lin Yinbi, một sinh viên tốt nghiệp ngành thương mại kinh tế từ ngôi trường danh tiếng Renmin, cho biết anh đã nhận được lời mời từ một chuỗi siêu thị và một công ty kinh doanh hệ thống sưởi ấm. Tuy nhiên, anh vẫn đang chờ đợi công việc có thu nhập cao hơn ở ngân hàng.  

Thu Hương

huongnt

CNBC

Trở lên trên