MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc bắt “sâu” tài chính

25-10-2015 - 00:43 AM | Tài chính quốc tế

31 “ông lớn” tài chính, ngân hàng trở thành mục tiêu thanh tra chống tham nhũng của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI)

Theo danh sách công bố tối 23-10, CCDI sẽ kiểm tra tất cả doanh nghiệp lớn đặt dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền Bắc Kinh giữa lúc khủng hoảng thị trường chứng khoán vẫn dai dẳng.

Sau đợt thanh kiểm tra thứ hai vừa kết thúc trong tuần này, đợt 3 sẽ nhắm đến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Điều tiết ngân hàng, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm, Ủy ban Điều tiết chứng khoán. Ngoài ra, Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm nhân dân Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm China Life, Tập đoàn Tài chính CITIC Group Corporation, 2 sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến cũng nằm trong số 31 tổ chức bị thanh tra.


Cựu chủ tịch Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc Tống Lâm. Ảnh: BLOOMBERG

Cựu chủ tịch Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc Tống Lâm. Ảnh: BLOOMBERG

Theo lập luận của Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn, nếu không thực hiện nghiêm kỷ luật đảng trong các cơ quan nhà nước, hậu quả để lại sẽ vô cùng nặng nề. Sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9 qua, cảnh sát nước này điều tra một số cá nhân và tổ chức tài chính để trấn an dư luận. Họ mở rộng cuộc điều tra về giao dịch nội gián nhằm vào lãnh đạo của Citic Securities, công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc.

Đến nay, nhiều quan chức cấp cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, điều hành kinh tế bị bãi nhiệm, truy tố. Điển hình là Tống Lâm, cựu chủ tịch Tập đoàn Tài nguyên Trung Quốc chuyên kinh doanh năng lượng, đất đai và hàng tiêu dùng, bị truy tố hồi tháng 9 vì nhận hối lộ, dùng công quỹ cho các chi tiêu cá nhân như chơi golf và ngoại tình. Cựu phó chủ tịch tập đoàn này là Vương Súy Đình cũng bị khởi tố với cáo buộc tương tự.

Trong khi đó, kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông) cho biết trong quá trình điều tra tham nhũng đối với bà Thượng Quan Vĩnh Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Quốc Tín Sơn Tây, các nhà chức trách phát hiện một hội nhóm của quan chức quê tỉnh Sơn Tây ở Bắc Kinh.

Có tên là Hội rượu sông Phần, hội này do một doanh nhân họ Diêu lập ra, có hơn 40 thành viên gồm nhiều quan chức vướng cáo buộc tham nhũng như ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây Nhiếp Xuân Ngọc, cựu Bí thư Thành ủy TP Vận Thành Vương Mậu Thiết.

Khi khám nhà bà Thượng Quan, nhân viên điều tra tìm thấy 70 hòm đựng tiền. Thượng Quan Vĩnh Thanh từng là người đứng đầu 2 ngân hàng đầu tư và công thương của tỉnh Sơn Tây, câu kết với các quan chức người tỉnh này để giúp họ rửa tiền.

Trong nỗ lực dẹp bỏ các “băng nhóm đen”, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây ban hành quy định cấm tất cả 88 triệu đảng viên gia nhập các câu lạc bộ golf, ăn uống xa hoa, lạm dụng chức quyền để tiệc tùng cũng như quan hệ tình dục bất chính.

Hạt giống đỏ thế hệ 2

Tờ Nikkei Asian Review của Nhật ngày 23-10 nhận định các tướng thuộc “thế hệ hạt giống đỏ thứ hai” đang ngày càng chiếm ưu thế trong quân đội Trung Quốc sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình loại bỏ 2 cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.

“Thế hệ hạt giống đỏ thứ hai” ám chỉ những quan chức có cha mẹ là quan chức cấp cao có công lớn với Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi mới lập nước vào năm 1949.

Trong số này, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Lưu Nguyên đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ông Tập củng cố quyền lực.

Trước khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương cuối năm 2012, ông Tập gặp riêng Lưu Nguyên và các thành viên của “thế hệ hạt giống đỏ thứ hai” nhằm vận động họ ủng hộ chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”. Trong số 38 viên tướng đang tại chức của quân đội Trung Quốc, 21 người được lên lon sau khi ông Tập ngồi vào ghế Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Trong khi đó, nhận xét về kế hoạch cắt giảm quân số, một người dân Bắc Kinh than phiền con cái của quan chức cấp cao thăng tiến như đi bằng thang máy, trong khi sĩ quan xuất thân từ dân thường lại bị “loại ra như cỏ dại”.

Theo Huệ Bình

Người Lao Động

Trở lên trên