MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Chuyển giao quyền lực ảnh hưởng như thế nào đến các ngân hàng?

13-11-2012 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Để nền kinh tế có thể tăng trưởng bền vững hơn, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ phải làm cho các ngân hàng lớn trở nên thân thiện hơn với người đi vay.

Giám đốc của Guangdong Liantai Group Co. – một công ty xây dựng tư nhân có trụ sở đặt ở Thẩm Quyến – than phiền rằng những công ty tư nhân như doanh nghiệp của ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng. Các ngân hàng lớn thường dành ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước đồng thời cũng không phải chịu áp lực cạnh tranh trên thị trường. 

Tuy nhiên, có vẻ như mọi thứ sắp thay đổi. Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra và sẽ chọn ra nhóm lãnh đạo mới cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Họ sẽ phải giải quyết 1 nhiệm vụ quan trọng: cân bằng lại nền kinh tế, tránh tình trạng tăng trưởng dựa vào đầu tư vốn chỉ có lợi cho các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc chuyển hướng sang nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng – mô hình sẽ làm lợi cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân vốn tạo ra nhiều việc làm. 

Do đó, rõ ràng là hệ thống ngân hàng Trung Quốc cần có 1 cuộc cách mạng. Hiện nay, lãi suất trong hệ thống ngân hàng nước này vẫn được quản lý chặt chẽ bởi NHTW (PBOC) thông qua việc áp trần và sàn lãi suất. 

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến phê phán cho rằng chính cơ chế này đang bảo vệ các ngân hàng trước các áp lực cạnh tranh và ngược lại làm tổn hại đến những người đi vay tiền nhỏ lẻ. Theo báo cáo, 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có tổng lợi nhuận quý III là 190 tỷ nhân dân tệ (tương đương 30 tỷ USD), gần gấp 3 lần lợi nhuận của 4 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. 

Theo Wang Hongzhang, chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), xu hướng dịch chuyển mô hình kinh tế đang gây ra những thách thức khổng lồ cho hệ thống ngân hàng. Ông cũng bổ sung thêm rằng CCB sẽ cố gắng hết sức để có thể thích ứng với mô hình mới bằng cách đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thu phí như thẻ tín dụng, bảo hiểm và giao dịch hàng hóa. 

Theo số liệu từ công ty dữ liệu ChinaScope Financial, ở Trung Quốc, nguồn tiền đi vay từ ngân hàng chiếm 56% tổng số vốn mà khu vực doanh nghiệp có thể tìm kiếm ở bên ngoài. Đây là tỷ lệ khá cao so với mức 43% ở Mỹ hay 41% ở Brazil. Hơn nữa, tỷ lệ vốn huy động được từ thị trường cổ phiếu và  trái phiếu rất thấp (4% và 13%). 

Bắc Kinh cũng đã có một vài động thái điều chỉnh khu vực ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, PBOC đã 2 lần giảm lãi suất cơ bản, cho phép các ngân hàng tự do hơn trong việc qui định lãi suất cho vay và huy động. Theo các chuyên gia phân tích, động thái này có thể được coi là bước khởi đầu buộc các ngân hàng phải điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng cạnh tranh hơn.  

Đợt cắt giảm lãi suất hồi tháng 7 khiến lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm giảm xuống chỉ còn 6% đồng thời lãi suất huy động cũng giảm xuống 3%. Rất nhiều ngân hàng đã đặt lãi suất huy động ở mức cao hơn 1 chút so với lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, lãi suất cho vay lại giảm rất chậm. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tập trung nhiều hơn vào đa dạng hóa các sản phẩm quản lý tài sản hoặc tìm kiếm các khoản đầu tư ngắn hạn có độ rủi ro thấp thay thế cho tiền gửi nhưng đem lại lợi suất cao hơn. 

Tuy nhiên, xu hướng này cũng đem lại nhiều rủi ro. Các sản phẩm này rất có giá trị đối với các ngân hàng trong cuộc đua cạnh tranh thu hút tiền gửi nhưng cạnh tranh quá gay gắt lại khiến lợi suất mà các ngân hàng đưa ra bị đẩy lên cao. Do đó, họ có thể đưa các tài sản có rủi ro cao như bất động sản hoặc nợ doanh nghiệp vào các gói sản phẩm này. 

Đối với 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc (gồm NH Xây dựng, NH Nông nghiệp, Bank of China và NH Công thương), nền kinh tế chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng sẽ là 1 bài kiểm tra đo lường sức mạnh về vốn trong vài năm tới. Theo  Liao Qiang, chuyên gia phân tích tại Standard & Poor's, các ngân hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ vững lợi nhuận bởi nền kinh tế suy giảm đi kèm với nguy cơ không thu hồi được nợ. 

Hiện nay, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với rủi ro tín dụng tiềm ẩn do tốc độ tăng trưởng kinh tế đột ngột sụt giảm mạnh so với tốc độ mạnh mẽ trong suốt thập kỷ vừa qua. Khối lượng nợ có vấn đề tại 50 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã lên tới 3% tổng dư nợ. Trong quý III, 4 ngân hàng lớn đều phải nâng tỷ lệ dự phòng nợ xấu. 

Tuy nhiên, có vẻ như các ngân hàng có qui mô nhỏ hơn sẽ gặp phải cú sốc lớn nhất. Họ tập trung quá nhiều vào các khoản vay rủi ro hơn, đặc biệt là khoản vay dành cho các công ty bất động sản. 

Một số ngân hàng qui mô nhỏ phải xoay xở bằng cách chú trọng khu vực tư nhân. Theo Liang Yutang, phó chủ tịch của China Minsheng Banking Corp., mục tiêu của ngân hàng này không phải là các công ty lớn. Họ tìm kiếm các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay; doanh nghiệp tư nhân và các khách hàng cá nhân có lượng tài sản lớn.  

Mặc dù vậy, rất nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thế hệ lãnh đạo mới thiếu đi quyết tâm chính trị để có thể thực hiện những thay đổi lớn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng lớn. Các ngân hàng này có mối quan hệ khá chặt chẽ với các chính trị gia và thường xuyên hỗ trợ nguồn vốn cho các dự án cấp quốc gia. 

Hơn nữa, rủi ro ở đây là khá lớn. Kinh nghiệm của các nước khác cho thấy nếu quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tự do hóa lãi suất bị đổ vỡ, nền kinh tế sẽ lún sâu vào rắc rối. Một số nhà kinh tế còn cho rằng tự do hóa lãi suất thất bại chính là nguyên nhân gây nên khủng hoảng tài chính. Họ lập luận rằng cho phép các ngân hàng tự do quyết định lãi suất tiền gửi có thể khiến các ngân hàng chỉ chạy theo lợi nhuận và bỏ qua các tiêu chuẩn cho vay. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên