MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc - Con rồng tham lam

01-04-2008 - 11:33 AM | Tài chính quốc tế

Môi trường ô nhiễm là cái giá quá đắt mà Trung Quốc phải trả để tăng trưởng kinh tế.

Nhu cầu khoáng sản của Trung Quốc đã làm bùng nổ nhu cầu hàng hóa toàn cầu. Những nước phát triển đang lo sẽ bị cạn kiệt tài nguyên, tuy nhiên theo nhiều người đánh giá, Trung Quốc sẽ là nước phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Tại nước cộng hóa Congo, những công ty nhà nước của Trung Quốc cam kết xây dựng đường sá, cơ sở hạ tầng, hầm mỏ tại nước này với tổng chi phí 12 tỷ USD để đổi lấy quyền khai thác một quặng đồng với giá trị tương đương.

Và Congo không phải là trường hợp duy nhất hưởng lợi từ việc tìm kiếm khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên. Từ Canada cho đến Indonexia và Kazakhstan, những công ty Trung Quốc đã dùng hết sức để thâu tóm những mỏ dầu, khí gas, than đá, kim loại hoặc mua lại quyền khai thác chúng. Một số nền kinh tế châu Phi và Mỹ La Tinh hiện đang tăng trưởng nhiều nhất trong một thập kỷ nhờ vào những khoản đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên của họ.

Tuy nhiên việc các công ty Trung Quốc vươn ra khai thác toàn cầu đang khiến người ta lo lắng. Các chính trị gia của Mỹ, Zambia và Nga đều đã thể hiện những thái độ không đồng tình nhất định.

Các tổ chức về môi trường lo ngại những công ty Trung Quốc sẽ bỏ qua những luật môi trường và tiêu chuẩn an toàn lao động, ô nhiễm môi trường. Các công ty khai mỏ của phương Tây thì lo ngại về việc khai thác của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Một điều lớn hơn mà họ lo lắng đó là trong khi họ cũng cần khoáng sản và tài nguyên như Trung Quốc, sự thâu tóm của Trung Quốc lại khiến họ không thể tiếp cận được những nguồn tài nguyên đó.

Một số chuyên gia kinh tế hiện đang lo ngại về ảnh hưởng đối với những nước nơi Trung Quốc tiến hành khai thác tài nguyên. Ảnh hưởng có thể kể đến là sự mất cân bằng trong quản lý kinh tế, và mất ổn định xã hội.
 
Sự lo lắng trên không phải không có cơ sở khi Angola năm 2006 đã tuyên bố từ chối không nhận thêm hỗ trợ tiền từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế với những ràng buộc về sự minh bạch và quản lý kinh tế hiệu quả. Sudan đã từ chối hợp tác với những công ty phương Tây bởi người Trung Quốc luôn sẵn sàng mua sản phẩm đầu ra của họ.

Tuy nhiên ảnh hưởng lớn nhất trong công cuộc tìm kiếm tài nguyên và khoáng sản của Trung Quốc sẽ không phải tại các nước mà các công ty nước này càn quét mà là chính tại Trung Quốc. Trong những năm qua, lượng nguyên liệu thô nước này tiêu thụ tăng nhanh, như vậy đồng nghĩa với việc nhập khẩu ngày càng nhiều dầu, khí gas, than đá và nhiều khoáng sản khác. Tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là sự đi xuống của môi trường Trung Quốc, bầu không khí và nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Môi trường ô nhiễm là cái giá quá đắt phải trả cho việc phát triển kinh tế.

Trung Quốc hỗ trợ cho doanh nghiệp để chiến thắng tại các thị trường?

Có phải những công ty khai mỏ của Trung Quốc cơ lợi thế hơn so với những công ty khai mỏ Tây Âu? Rõ ràng là phía Trung Quốc có nhiều tiền hơn. Ví dụ vào năm 2006, Sinopec, một trong ba công ty khai mỏ lớn nhất của Trung Quốc đã khiến thị trường hết sức sửng sốt với việc dành 2 tỷ USD để mua quyền khai thác tại ba mỏ dầu của Angola. Vào năm 2005, công ty CNOOC cũng đã khiến thị trường sửng sốt với hàng tỷ USD dành cho thương vụ mua lại Unocal – một công ty dầu của Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều các công ty nước này, kể cả trong nước lẫn ngoài nước. Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung ương Trung Quốc đã lập nên một danh sách những công ty cần hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với khu vực châu Phi tập trung tại những nước như Sudan và Angola, nơi tập trung của những công ty khai thác tài nguyên Trung Quốc.

Điều này đã khiến người ta lo ngại về việc những công ty Trung Quốc, với sự hỗ trợ từ phía những cổ đông thuộc chính phủ, hiện đang làm giảm sức cạnh tranh của những công ty phương Tây và chặn nguồn cung khoáng sản và tài nguyên cho tương lai.
 
Tuy nhiên theo chuyên gia nghiên cứu Erica Downs tại viện nghiên cứu Brookings, những công ty dầu mỏ của Trung Quốc đều đầu tư tại nước ngoài với sự hợp tác của các công ty phương Tây hoặc một số công ty dầu mỏ nhà nước khác.

Hơn thế nữa, họ thường là những cổ đông bị động chứ không phải những cổ đông ngày ngày kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư. Và phần lớn họ bán phần dầu khai thác được trên thị trường tự do thay vì chở dầu về chính quốc.

Wood Mackenzie, một công ty tư vấn, đã tính toán giá cả của các công ty khai thác dầu của Trung Quốc, số tiền họ phải trả cho thương vụ mua lại và mua quyền khai thác, kết quả cho thấy phần lớn họ có tỷ suất hoàn vốn là 15-20%, như vậy chính sách chiến thắng bằng mọi giá của những công ty nhà nước châu Á trong việc mua lại công ty không phải là chính xác.

Những công ty của Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa tiếp cận được với những mỏ dầu mà ngay cả nhưng công ty phương Tây cũng chưa tiếp cận được. Song những công ty Trung Quốc lại đang khai thác tại những mỏ mà nếu họ không khai thác sẽ bị bỏ hoang. Như vậy họ đang tăng lượng cung dầu cho toàn cầu và giảm giá dầu. Tuy nhiên như vậy Trung Quốc đang hỗ trợ cho sản xuất dầu trên thế giới, giảm giá dầu cho toàn thế giới.

Trong cạnh tranh, công ty năng lượng của Trung Quốc cũng không thật sự bất khả chiến bại. Công ty Chevron của Mỹ mới đây đã thành công trong việc mua lại UNOCAL từ CNOOC. Và Chinalco - tập đoàn khai thác và sản xuất nhôm, alumina lớn nhất của Trung Quốc cũng đang cố gắng để ngăn một vụ mua lại của BHP Billiton – tập đoàn khai khoáng lớn của Australia đối với Rio Tinto PLC – tập đoàn khai khoáng lớn của Anh.

Ngọc Diệp
Tổng hợp

ngocdiep

Trở lên trên