MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc “đại thắng” Mỹ tại tòa án WTO

23-03-2011 - 12:27 PM | Tài chính quốc tế

“Phán quyết chống lại Washinton có lợi cho không chỉ nước Mỹ mà cho nền thương mại toàn thế giới”, Wall Street Journal, một tờ báo Mỹ viết.

Giữa hàng loạt tin xấu trong giao thương Mỹ - Trung, phán quyết gần đây của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) khiến người ta thở phào nhẹ nhõm.

Tòa thượng thẩm tại Geneva yêu cầu Washington phải xem xét lại một số thao tác “buộc tuân thủ thương mại” (trade enforcement) đặc biệt bất công. Cùng lúc đó, tòa đã tạo ra một án lệ quan trọng đối với pháp luật thương mại quốc tế.

Vụ kiện xoay quanh phương pháp tính toán thuế trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ đối với các nước có nền kinh tế vừa thị trường, vừa tập trung.

Thuế chống bán phá giá ban đầu được thiết kế để ngăn công ty bán hàng ở nước ngoài với giá thấp hơn trên thị trường nội địa của họ.

Nhưng vì giá cả ở các nền kinh tế phi thị trường bị bóp méo nên WTO cho phép các đối tác thương mại quyết định mức giá hợp lý bằng cách tham khảo chi phí ở một nền kinh tế thị trường có cùng trình độ phát triển.

Điều này chẳng hay ho chút nào vì nó thường dẫn tới thuế suất cao một cách phi lý đối với các nước như Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng ít nhất nó cũng được miễn trừ khỏi các biện pháp trả đũa của WTO, tức thuế đối kháng.

Thuế này dùng để đối phó với trợ cấp của chính phủ và không thể áp dụng đối với một nền kinh tế phi thị trường vì kế hoạch hóa tập trung khiến các chi phí nội bộ gần như không có ý nghĩa.

Nhưng vào năm 2007, Mỹ quyết định chơi đòn nước đôi.

Bộ Thương mại coi Trung Quốc và Việt Nam là các “nền kinh tế phi thị trường” để áp dụng luật chống bán phá giá, cho phép những người theo chủ nghĩa bảo hộ ở Hoa Kỳ vận động cho thuế suất chống bán phá giá cao hơn.

Nhưng Bộ Thương mại cũng gọi các quốc gia trên là “nền kinh tế thị trường” khi các công ty Mỹ yêu cầu áp thuế đối kháng chống trợ cấp. Điều này có nghĩa dù có cắt giảm trợ cấp hay để doanh nghiệp mình tự bơi, Trung Quốc và Việt Nam vẫn lĩnh đủ.

Không bất ngờ khi Trung Quốc kiện Mỹ ra tòa ở Geneva và cũng chẳng bất ngờ khi Mỹ thua kiện.

Tới nay, về mặt kỹ thuật mà nói thì phán quyết của WTO chỉ áp dụng đối với tranh chấp về thuế suất đối với ống thép, bao tải và lốp xe.

Nhưng đây là lời cảnh tỉnh với Bộ Thương mại rằng các trọng tài thương mại sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng vụ kiện này trong tương lai.

Đây không phải rắc rối pháp lý duy nhất liên quan tới vấn đề này của Bộ Thương mại.

Năm 2009, Tòa án Thương mại Quốc tế của chính nước Mỹ đã phán quyết phương pháp tính thuế suất của họ vi phạm luật thương mại Mỹ. Bộ Thương mại hiện đang kháng cáo lại phán quyết này.

Phán quyết này của WTO cũng có liên quan tới một chủ đề có ý nghĩa rộng hơn nhiều: đó là định nghĩa thế nào là “cơ quan nhà nước” để tính toán trợ cấp.Điều này quan trọng vì chỉ một cơ quan nhà nước mới có thể trợ cấp phi pháp.

Bộ Thương mại muốn định nghĩa cơ quan nhà nước càng rộng càng tốt để dễ dàng áp thuế đối kháng hơn. WTO lại phán quyết với định nghĩa chặt chẽ hơn nhiều. Thực tế, quyết định này sẽ khiến trong nhiều trường hợp khó áp thuế đối kháng hơn.

Không may là WTO thiếu khả năng trực tiếp thi hành các phán quyết kiểu này. Các nước thành viên phải thay đổi luật của chính mình. Nặng nhất WTO chỉ có thể cho phép nước thắng kiện áp thuế trả đũa nếu nước thua kiện không tuân thủ.

Trong một số trường hợp Mỹ đã chọn chịu thuế trả đũa ví dụ như trong nhiều năm sau khi WTO phán quyết Tu chính án Byrd về thuế chống bán phá giá là phi pháp.

Bất chấp những rắc rối chính trị Bộ Thương mại sẽ phải đối mặt ở Quốc hội, tốt hơn hết cơ quan này nên tuân thủ phán quyết của WTO.

Tổng thống Obama gần đây đã hiểu ra thương mại quan trọng đến thế nào, ít nhất là đối với mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu của Mỹ trong vài năm tới.

Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ sẽ muốn các nước khác tuân thủ luật lệ thương mại quốc tế và mở cửa biên giới của họ cho hàng hóa Mỹ.

Sau vài năm chủ nghĩa bảo hộ leo thang dưới vỏ bọc “buộc tuân thủ thương mại” của Washinton, thế giới cần một số đánh đổi theo chiều hướng tích cực.

Điều này đặc biệt chính xác với Trung Quốc khi phán quyết của WTO là một thắng lợi trên nhiều phương diện.

Trung Quốc đã tận dụng vị thế thành viên WTO để hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Phán quyết tuần trước ở Geneva khẳng định quyết tâm tuân thủ luật lệ thương mại quốc tế thay vì lún sâu vào các biện pháp trả đũa của Trung Quốc.

Cách khuyến khích xu hướng này tốt nhất của Hoa Kỳ là thể hiện mình sẵn sàng chơi theo luật cho dù có thua. Điều này cũng giúp dễ yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ các phán quyết của WTO nếu họ có thua.

WTO khiến Washington phải suy nghĩa lại về thứ chủ nghĩa bảo hộ đã làm xói mòn vị thế hàng đầu trong thương mại quốc tế của họ. Với nước Mỹ, tuân thủ phán quyết của WTO phù hợp với lợi ích kinh tế - chính trị của chính nước này.

Minh Tuấn
Theo Economist

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên