Trung Quốc đang dùng cách nguy hiểm này để trì hoãn suy thoái kinh tế
Nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế, Trung Quốc đang bơm tiền vào nơi không xứng đáng.
- 25-02-2016"Ánh sáng" hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc đang tắt dần
- 22-02-2016Những phú nhị đại ở Vancouver và rắc rối của "1% nhà giàu" Trung Quốc
- 05-02-2016Bước chuyển mình của kinh tế Trung Quốc nhìn từ Tết nguyên đán
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là nhân tố khiến ai cũng phải lo ngại do các nhà đầu tư lo sợ về việc Trung Quốc hạ cánh cứng có thể kéo cả thế giới vào suy thoái.
Để hiểu được Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới, cần dự đoán chính xác các chủ trương của chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới. Nhằm mục đích đó, các chuyên gia phân tích của Deutsche Bank, Zhiwei Zhang và Li Zeng đã công bố một báo cáo mang tên “Rủi ro ở Trung Quốc” phân tích các chính sách địa phương của chính phủ Trung Quốc để đối phó với sự giảm tốc của nền kinh tế nước này.
Zhang và Zeng đã tập trung phân tích số liệu về vùng Đông Bắc Trung Quốc, một khu vực trên thực tế đã rơi vào suy thoái sâu. Theo ước tính của Deutsche Bank, GDP danh nghĩa của vùng này chỉ tăng trưởng 1% (nếu tính cả lạm phát thì tăng trưởng còn ở mức âm) trong năm 2015. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định đã giảm 11,6% so với tốc độ tăng trưởng bình quân 25,5% trong 10 năm trước. Thành phần kinh tế chủ yếu của khu vực này là doanh nghiệp nhà nước thuộc các ngành công nghiệp nặng truyền thống hoặc sản xuất hàng hóa và năng lượng, những khu vực đang gặp khó khăn lớn trong những năm gần đây.
Bất chấp hoạt động kinh tế suy giảm mạnh, tăng trưởng tiêu dùng và thu nhập lại không giảm tương ứng. Ngoài ra, Đông Bắc Trung Quốc là nơi duy nhất trong cả nước có tăng trưởng tín dụng, tức là các ngân hàng cho vay nhiều hơn trong năm 2015 so với năm trước đó.
Ở các nước không có cấu trúc kinh tế tập trung như Trung Quốc, hiện tượng này khó có thể xảy ra. Zhang và Zeng chỉ ra rằng sự trái ngược giữa hoạt động kinh tế suy giảm và sức mua tiêu dùng tăng không chỉ do sự hỗ trực tiếp của chính phủ mà còn do “hỗ trợ gián tiếp” của các ngân hàng.
Sự tương phản sâu sắc giữa hoạt động kinh tế yếu kém và tăng trưởng tín dụng mạnh cho thấy các ngân hàng ở vùng Đông Bắc đang hỗ trợ khu vực doanh nghiệp yếu kém bất kể khả năng phục hồi, nhằm ngăn ngừa nguy cơ phá sản và nạn thất nghiệp xảy ra. Trong trường hợp này, chính phủ đã ưu tiên duy trì ổn định xã hội hơn là quan tâm đến lợi nhuận của ngân hàng.
Tuy nhiên, hỗ trợ của chính phủ chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn thay vì triệt để khắc phục những thách thức mà vùng đông bắc đang phải đối mặt. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu nói về việc xử lỷ những rủi ro của các “công ty thây ma” vào cuối năm 2015. Đây được xem là nhân tố quan trọng trong quá trình cải cách nền kinh tế. Một cách để đo lường quyết tâm của chính phủ trong cải cách là nhìn xem tăng trưởng tín dụng ở vùng đông bắc có được kiềm chế trong năm 2016 hay không.
Đây là lý do mà nhiều chuyên gia thường cảm thấy mơ hồ về kinh tế Trung Quốc. Vì chính phủ nước này có nhiều khả năng và quyết tâm để kích cầu kinh tế hơn các nước phương Tây khác, khó mà có thể dự đoán được hướng đi tương lai của kinh tế Trung Quốc.
Nhưng cho đến khi Trung Quốc giải quyết các khiếm khuyết căn bản của nền kinh tế: sự phụ thuộc quá mức vào đầu tư, xuất khẩu và nợ, nước này sẽ phải tiếp tục dựa vào các gói kích thích của chính phủ để ngăn nền kinh tế sụp đổ. Trung Quốc càng trì hoãn cải cách bao nhiêu, sự mất cân đối của nền kinh tế sẽ càng lớn bấy nhiêu.