MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang vẽ lại thị trường di động thế giới, và Apple đang chiến thắng

01-05-2015 - 18:40 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc là thị trường điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới và vẫn đang tiếp tục lớn mạnh với sức tiêu thị khổng lồ.

Nội dung nổi bật:

- Trung Quốc ngày càng có vai trò quan trọng đối với thị trường điện thoại thông minh toàn cầu

- Apple đặc biệt được ưa chuộng tại Trung Quốc do hội đủ các yếu tố thể hiện đẳng cấp cũng như giá trị của tiền bạc


Nếu bạn là một nhà sản xuất thiết bị điện tử cá nhân nhưng không hề quan tâm đến thị trường Trung Quốc, có thể kết luận bạn không hề có chiến lược tăng trưởng. Tầm ảnh hưởng của quốc gia đông dân nhất thế giới đang ngày càng tăng lên cả về mặt địa chính trị lẫn kinh tế. Riêng đối với ngành điện tử viễn thông, Trung Quốc là thị trường điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới và vẫn đang tiếp tục lớn mạnh với sức tiêu thị khổng lồ.

Tập đoàn đến từ Trung Quốc Lenovo hiện đang sở hữu hai thương hiệu phổ biến nhất ở Mỹ là ThinkPad và Motorola. Giống như các công ty khác đã thành công và vượt ra khỏi các thị trường lân cận như Đài Loan và Hàn Quốc, các tập đoàn công nghệ của Trung quốc đang dần dần chuyển từ công việc đơn giản là sản xuất thiết bị sang kiểm soát hoàn toàn và bán chúng với thương hiệu của chính họ. Đây cũng là con đường mà Asus, HTC, Samsung và LG đều đã trải qua: tiếp thu kinh nghiệm từ các thương hiệu phương Tây và nắm bắt được cơ hội kiếm tiền từ những công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc có một điểm khác biệt: Trung Quốc không chỉ là nhà sản xuất mà còn là thị trường tiêu thụ hàng đầu. Thành công ở một đất nước nhỏ bé như Hàn Quốc sẽ đem lại rất nhiều lợi nhuận, nhưng để vươn lên tầm cỡ quốc tế các sản phẩm của Samsung phải vươn ra toàn cầu. Trong khi đó các smartphone của Xiaomi, Huawei và Lenovo hầu như chỉ được biết đến ở Trung Quốc.

Ben Wood, chuyên gia phân tích nổi tiếng trong ngành này, cho rằng thành công ở Trung Quốc giống như một tấm vé đảm bảo doanh nghiệp sẽ có một vị trí trong top 10 công ty thống trị thị trường toàn cầu. “Nắm được thị trường Trung Quốc mang lại rất nhiều lợi ích. Quy mô của thị trường này giúp đảm bảo một vị trí chắc chắn trong chuỗi cung ứng, thu mua sản phẩm và cũng giúp tiết kiệm chi phí”.

Wood lưu ý rằng thành công ở Trung Quốc không đồng nghĩa với thành công trên toàn cầu, nhưng đây là điều rất quan trọng. HTC và LG là những thương hiệu tầm vỡ toàn cầu, nhưng doanh thu vẫn đang thua kém Xiaomi.

Cách đây 4 năm, Nokia từng tin rằng củng cố vị thế ở thị trường Mỹ là điều có ý nghĩa sống còn với một nhà sản xuất điện thoại. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn chứng kiến nhiều công ty hùng mạnh nhưng không hề hiện diện ở Mỹ. Xiaomi không có kế hoạch thử sức ở Mỹ nhưng vẫn đang chứng kiến doanh thu cũng như lượng người dùng tăng trưởng mạnh mẽ.

Toàn bộ ngành điện thoại di động đều nhận thức được tầm quan trọng của Trung Quốc. Kể từ đầu năm tới nay HTC đã cho ra mắt tới hai mẫu smartphone, trong đó có mẫu One M9+ được thiết kế dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Hồi tháng 2, tức gần dịp Tết âm lịch ở Trung Quốc, Lenovo mang Motorola quay trở lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, chưa có hãng nào hưởng lợi từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc nhiều hơn Apple. Kể cả khi iPhone đã bị bão hòa ở các thị trường phát triển, Apple vẫn có thể tăng doanh thu nhờ thị trường Trung Quốc. iPhone lần đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 2009 và vẫn đồng hành phát triển cùng với thu nhập khả dụng và nhu cầu về smartphone của thị trường này. Quý trước, số iPhone được bán ra ở Trung Quốc còn nhiều hơn cả ở Mỹ. Điều này bác bỏ hoàn toàn quan niệm trước đó cho rằng Trung Quốc không phải là thị trường phù hợp với các sản phẩm có lợi nhuận thặng dư cao như iPhone.

Ben Evans, chuyên gia đến từ Andreessen Horowitz, giải thích rằng chênh lệch về thu nhập là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Mặc dù ở Trung Quốc vẫn còn nhiều người có thu nhập thấp và phần lớn chỉ thích những chiếc điện thoại giá rẻ, “100 triệu người Trung Quốc có thể mua hàng hóa xa xỉ và họ muốn những thứ tốt nhất”. Theo môt khảo sát mới được thực hiện trên các triệu phú trung Quốc, các sản phẩm của Apple thường được sử dụng làm quà tặng. Sản phẩm này phổ biến hơn những nhãn hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Cartier và Bvlgari.

Evans cho rằng điều này cũng giải thích tại sao iPhone 5C không thành công ở Trung Quốc dù hoạt động khá ổn ở Mỹ. Điều hấp dẫn nhất của các sản phẩm của Apple là vị thế mặt hàng xa xỉ và thứ hai mới là các đặc điểm của sản phẩm này. Đặc biệt hơn, vì nhiều lý do người Trung Quốc thích những chiếc điện thoại có kích thước lớn và khi Apple cung cấp sản phẩm như vậy, họ ngay lập tức bỏ rơi Samsung.

iPhone 6 Plus là sản phẩm rất thích hợp đối với nhu cầu điện thoại màn hình lớn của Trung Quốc. Thị trường Nhật Bản mong muốn điện thoại có khả năng chống nước. Tuy nhiên, vì Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhu cầu của khách hàng trên thị trường này cũng trở nên quan trọng hơn. Apple chưa sản xuất iPhone chống nước cho người Nhật Bản, nhưng phản ứng rất nhanh với nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Vì Apple đã được đánh giá là mặt hàng xa xỉ, hãng có thể bán các thiết bị có lợi nhuận thặng dư lớn hơn các hãng khác. Khi Apple đại diện cho giá trị lớn hơn, Trung Quốc phản ứng rất tích cực và sẵn sàng bỏ tiền mua. Tính địa phương là điểm yếu nhất của Apple so với các hãng nội địa, nhưng rào cản này chưa đủ lớn để ngăn cản bước tiến của hãng.

Xu hướng mới nhất trên thị trường smartphone là sự phân cực giữa hai hãng hàng đầu là Apple và Samsung. Bên cạnh đó là cuộc chiến giữa các nhà sản xuất nhỏ hơn đang bị ảnh hưởng bởi hai ông lớn kể trên. Trong 3 quý gần nhất, tăng trưởng lợi nhuận của HTC đã giảm từ 0,4% xuống còn 0,3% và 0,05%. Những nhà sản xuất tầm trung như HTC đang bị đe dọa từ cả hai phía: các ông lớn và cả những công ty nhỏ lẻ ở Trung Quốc có lợi thế là giá thành sản xuất thấp.

Apple vẫn chưa phải là “vua” của thế giới di động, nhưng tầm ảnh hưởng của Apple đã đủ lớn. Trong khi đó không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất. Tăng trưởng của thị trường smartphone đến từ các thị trường mới nổi. Đây là chiến trường mới trong đó Trung Quốc và Ấn Độ đóng vai trò quan trọng. Đà tăng trưởng của hai nền kinh tế này tạo nên ngành công nghiệp di động hoàn toàn mới và khác biệt, nơi những kẻ đi đầu như HTC, LG, Sony và Microsoft cố gắng tìm chỗ đứng. Trong khi đó, Apple đã “yên vị” trên ghế đầu và đang điều chỉnh sao cho thích hợp với phong cách mới.

Thu Hương

Thu Hương

The Verge

Trở lên trên