MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc điên cuồng xây "công xưởng giáo dục"

19-10-2015 - 09:16 AM | Tài chính quốc tế

Ba chục năm trước, Trung Quốc bắt đầu công cuộc công nghiệp hóa, biến cánh đồng nông thôn thành khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngày nay, tại các vùng nông thôn lại xuất hiện một phòng trào mới: xây dựng khu dạy nghề.

Các thành phố trên khắp Trung Quốc đều xây dựng các khu riêng cho trường học, đào tạo hàng trăm ngàn học sinh, sinh viên mà mọi người vẫn gọi là "công xưởng giáo dục".

Những "công xưởng giáo dục" này mọc lên nhờ trợ cấp của chính phủ, hướng đến mục tiêu tăng số lượng người lao động có trình độ, về lâu dài sẽ góp phần đưa đến nền kinh tế sáng tạo dựa trên công nghệ cao trong tương lai.

Tuy nhiên, trong khi những trường đang tồn tại còn đang phải vật lộn thì nhiều trường dạy nghề mới vẫn được mở ra.

Scott Rozelle, đồng giám đốc của Chương trình hành động Giáo dục nông thôn tại Đại học Stanford có nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp ở Trung Quốc, cho biết: “Có thể xây bao nhiêu trường cũng được. Nhưng nếu không tuyển được giáo viên giỏi, có được chương trình hay, hệ thống đánh giá, khen thưởng tốt thì cũng chỉ là lãng phí tiền của”.

Trung Quốc muốn nâng cao trình độ lao động là chuyện không khó hiểu. Tính đến năm 2010, chỉ 24% lực lượng lao động của Trung Quốc từng học trung học phổ thông, trong khi mức trung bình trong nhóm OECD là 74%. Đào tạo những người có tay nghề rất khó. Wayne Zhang - người đang điều hành một nhà máy sản xuất tại đông bắc Trung Quốc cho biết: Năm ngoái, muốn thuê được 100 người thì chỉ có thể nhận được 60.

Đào tạo người lao động đang được coi là giải pháp để Trung Quốc tránh "bẫy thu nhập trung bình", và cũng góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các tầng lớp, mang lại ổn định xã hội.

Khi giáo dục "lệch pha" với nhu cầu của nền kinh tế

Lan Châu, thủ phủ của tỉnh Cam Túc dự kiến sẽ có trên 30 trường học và 150.000 sinh viên trường vào năm 2017. Cám Châu, phía nam tỉnh Giang Tây cũng sẽ có ít nhất 10 trường dạy nghề và hơn 100.000 sinh viên vào năm 2018. Nhiều tỉnh khác cũng có khu vực tập trung các trường dạy nghề.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc dạy nghề đang lệch pha so với nhu cầu của nền kinh tế. Yu Zhongwen, từng là lãnh đạo của hai trường dạy nghề và phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Dạy nghề và kỹ thuật Trung Quốc cho rằng chính phủ không trợ cấp đầy đủ cho giáo dục kiểu truyền thống và cũng không tác động gì đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục thì cho hay: "tài liệu liên quan vẫn đang được nghiên cứu và soạn thảo".

Khu công nghiệp giáo dục

Ở khu vực nông thôn Quý Dương, thủ phủ của tỉnh miền tây nam Quý Châu, cây cối nhường chỗ cho trường dạy nghề. Khu vực này sẽ có đến 17 trường với các ngành kỹ thuật nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, và ô tô. Khu vực này có thể có đến 35 trường học và 300.000 sinh viên.

Tại Trường Công nghiệp Cơ khí Quý Châu, số lượng học sinh dự kiến sẽ tăng từ mức 7.000 hiện nay lên đến 10.000 trong năm tới. Khi các trường tập hợp lại với nhau, phụ huynh sẽ bớt lo lắng về chất lượng giáo dục cũng như giảm bớt chồng chéo. Nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ. Sinh viên của trường được học bổng toàn phần do chính quyền tỉnh tài trợ. Đến 80% học sinh của trường được hưởng trợ cấp sinh hoạt lên đến 2.000 nhân dân tệ từ chính phủ. Học sinh đánh giá cao việc nhà trường chú trọng đến kỹ năng thực tế hơn là lý thuyết giảng dạy. Học sinh của trường còn cho biết, đến trường giống như đi làm ở nhà máy.

Việc các trường dạy nghề của Trung Quốc đưa học sinh vào nhà máy thực tập vẫn bị chỉ trích là vi phạm luật lao động.

Tuy nhiên, phía trường cho rằng giáo dục nghề nghiệp không quan trọng trường to hay nhỏ mà quan trọng là cách thức hoạt động và trường có hiệu quả hay không. Trung Quốc vẫn cần các trường dạy nghề, thậm chí nhu cầu còn đang tăng lên. Nếu không thay đổi, Trung Quốc sẽ bị lạc hậu.

Thu Trang

Business Insider

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên