MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc làm giả số liệu xuất khẩu?

14-01-2013 - 09:28 AM | Tài chính quốc tế

Số liệu thống kê về xuất khẩu bất ngờ tăng lên khiến các chuyên gia phân tích tại các ngân hàng hàng đầu thế giới là Goldman Sachs, UBS và ANZ nghi ngờ đây là các số liệu không đáng tin.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, mức tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước là con số gây nhiều ngạc nhiên nhất kể từ tháng 3/2011. Tuy nhiên, UBS cho rằng mức tăng này không phù hợp với các số liệu về hàng hóa được vận chuyển qua các cảng và số hàng hóa được nhập khẩu bởi các đối tác thương mại của Trung Quốc. Trong khi đó, Goldman Sachs và công ty chứng khoán Mizuho Securities Asia Ltd. lại dẫn chứng sự sai lệch so với số đơn đặt hàng từ nước ngoài trong chỉ số sản xuất để cho rằng số liệu về xuất khẩu được Trung Quốc công bố là không hợp lý. 

Các dữ liệu về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ngày càng trở nên quan trọng đối với kinh tế thế giới. Theo Liu Li-Gang, chuyên gia đến từ ngân hàng ANZ, số liệu chính xác về kinh tế Trung Quốc không chỉ quan trọng đối với chính phủ nước này mà ảnh hưởng rất lớn đến các nhà đầu tư nước ngoài. Giới kinh doanh ở Trung Quốc cũng như phần còn lại của thế giới cần các số liệu chính xác hơn. Số liệu không chính xác có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cách phân bổ nguồn lực và xây dựng chiến lược kinh doanh. 

Tuần trước, ông Liu và người đồng nghiệp Louis Lam vừa công bố nghiên cứu nêu bật những nghi ngờ về chất lượng số liệu thống kê kinh tế mà chính phủ Trung Quốc đưa ra. Họ nhận thấy các số liệu về tăng trưởng GDP trong quý, sản xuất công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và lạm phát không tuân theo luật Benford (Benford’s Law – phương pháp xác định các dữ liệu giả tạo dựa trên các con số thống kê). 

Hồi tháng 10, sau khi Tổng cục thống kê Trung Quốc báo cáo số liệu về GDP quý III, Standard Chartered cũng đã nhận định con số tăng trưởng 7,4% là “quá cao để có thể trở thành sự thực” khi so sánh với sự suy giảm trong sản lượng điện và chỉ số sản xuất. Capital Economics thì cho rằng con số chính xác chỉ là 6,5%. 

Theo Yu Song và Yin Zhan, 2 chuyên gia kinh tế đến từ Goldman Sachs, có thể các chính quyền địa phương đã cố gắng nâng số liệu lên bằng cách sử dụng các thủ thuật kế toán trong số liệu về các đặc khu kinh tế hoặc “xuất khẩu sớm hơn để tăng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2012”. 

Wang Tao, chuyên gia kinh tế đến từ UBS trích dẫn sự khác biệt lớn giữa số liệu về xuất khẩu của Trung Quốc sang Đài Loan và Hàn Quốc với số liệu nhập khẩu từ Trung Quốc được các nước này công bố. 

Một số công ty xuất nhập khẩu đã tìm cách giảm số thuế xuất khẩu phải nộp hoặc ghi nhận mức giá cao hơn cho hàng nhập khẩu mặc dù thực chất số hàng này không đi ra khỏi Trung Quốc. Các công ty vận tải như Shenzhen Global Express Logistics Ltd. giúp họ xuất nhập khẩu hàng hóa qua các khu ngoại quan - nơi tạm lưu giữ hàng hóa chờ xuất khẩu.

Theo Lin Yongtai, giám đốc 1 công ty xuất nhập khẩu, Shenzhen Global cung cấp cho khách hàng các dịch vụ hải quan và vận tải, trong đó có dịch vụ “one-day tour”. Đánh phí 1.000 nhân dân tệ (tương đương 161 USD), công ty này điều các xe tải đến kho ngoại quan. Tại đây, hàng hóa phải thông qua thủ tục hải quan và do đó các doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng cho số hàng “đã xuất khẩu”. Tuy nhiên, trên thực tế, số hàng này không hề được xuất ra nước ngoài.  

Thu Hương

huongnt

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên