MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc muốn "sở hữu" cả thế giới?

30-01-2015 - 17:21 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc từ vị trí một công xưởng sản xuất sang vai trò người tiêu dùng tinh vi. Năm 2014, tiêu dùng đóng góp 51,2% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Con số này tăng khoảng 3% so với năm 2013 và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Chỉ vài tháng trước thời điểm Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, nguyên Thứ trưởng Thương mại Long Yongtu của quốc gia này đã đề xuất đặt tên "Landbridge" (tạm dịch: Cây cầu đất) cho một công ty tư nhân như cách để thể hiện sự kỳ vọng của mình đối với thương mại và dòng chảy đầu tư giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Trở thành nhà xuất khẩu vốn ròng

Landbridge, có trụ sở tại tỉnh Sơn Đông, ngày nay đã trở thành một tập đoàn năng lượng và cơ sở hạ tầng đúng như kỳ vọng của ông Long Yongtu. Tập đoàn này vào tháng 8/2014 vừa qua đã rót 200 triệu đô la Úc (khoảng 158 triệu USD) để mua lại tập đoàn Westside, qua đó cho thấy sự xâm nhập mạnh mẽ vào ngành dầu mỏ và khí đốt của Úc. Nó cũng đánh dấu việc một DN thuộc sở hữu tư nhân ở Trung Quốc đã mua lại một công ty năng lượng nước ngoài.

Landbridge chỉ là một trong số nhiều công ty Trung Quốc đang trong thời kỳ mua vào các DN nước ngoài nhằm tận dụng cơn khát đầu tư toàn cầu cũng như để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng đa dạng.

Thành công của Landbridge đến trong bối cảnh Trung Quốc cũng lần đầu tiên đặt chân vào câu lạc bộ của các nhà xuất khẩu vốn ròng của thế giới nhờ trong năm 2014, dòng vốn đầu tư trực tiếp ra bên ngoài (ODI) đã lớn hơn dòng vốn vào Trung Quốc.

Số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong năm 2014, các nhà đầu tư Trung Quốc đã rót vốn với tổng giá trị đạt 102,89 tỷ USD (tăng 14,1% so với năm 2013) để đầu tư và 6.128 DN bên ngoài nằm rải rác ở 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này tăng tới trên 37 lần so với mức vốn đầu tư ra khoảng 2,7 tỷ USD trong năm 2002 sau khi Trung Quốc gia nhập WTO.

Cũng trong năm qua, tăng trưởng FDI ở Trung Quốc chậm lại đáng kể, chỉ tăng 1,7% và đạt 119,6 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên hai chiều dòng vốn vào - ra gần đạt đến sự cân bằng, và cũng cho thấy những động lực mới cho tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế này đang chậm lại.

“Nếu đưa vào cả phần đầu tư của các công ty Trung Quốc thông qua bên thứ ba thì tổng lượng vốn ODI đạt khoảng 140 tỷ USD. Điều này có nghĩa Trung Quốc đã là một nhà đầu tư ròng ra bên ngoài" – người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết tại một cuộc họp báo vào tuần trước.

Còn theo ông Long Yongtu, nếu giai đoạn hơn 10 năm qua được ghi nhận bởi dòng chảy vào liên quan đến FDI – một động lực quan trọng thúc đẩy các DN trong nước phải tăng cường khả năng cạnh tranh, thì thập kỷ tới đây có thể sẽ chứng kiến một xu hướng phát triển vươn ra bên ngoài mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc.

Từ “Made in China” sang “Made for China”

Sự thay đổi của dòng chảy vốn là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ vị trí một công xưởng sản xuất sang vai trò người tiêu dùng tinh vi. Năm 2014, tiêu dùng đóng góp 51,2% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Con số này tăng khoảng 3% so với năm 2013 và trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Ba năm trước, DN bất động sản Trung Quốc Wanda đã vung tiền vào thị trường giải trí bằng cách mua lại hệ thống rạp chiếu phim AMC - chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai ở Mỹ. Các thông tin cho biết DN này cũng đang trong các cuộc đàm phán với các hãng phim Hollywood Lions Gate Entertainment Corp và Metro-Goldwyn- Mayer Inc để nắm giữ cổ phần của các công ty này.

Ông chủ Wang Jianlin của Wanda hẳn có lý do để đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình. Mức độ đô thị hóa ở Trung Quốc ngày càng cao và người dân ngày càng cần và sẵn sàng chi tiêu cho các hoạt động giải trí. Bởi thế, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều vụ mua lại hơn được thúc đẩy bởi nhu cầu đa dạng của tầng lớp người tiêu dùng, thay vì chỉ là nhu cầu của các DN nhà nước “đói” tài nguyên như trước đây.

Điều này cũng được thể hiện ở việc các DN Trung Quốc chuyển dần từ việc đầu tư ra nước ngoài, tập trung chủ yếu vào khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sang các hình thức đầu tư đa dạng hơn để đáp ứng với bối cảnh Trung Quốc đang chuyển dịch dần lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây chính là cơ sở lý giải vì sao đầu tư ra nước ngoài trong xây dựng, văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí có tốc độ tăng nhanh nhất trong năm 2013. Đầu tư vào các ngành dịch vụ đã tăng 27,1% trong năm 2014 và chiếm 64,6% trong tổng đầu tư.

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cũng khẳng định, không phải Trung Quốc đang tiến hành một “kế hoạch Marshall” trong thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.

“ODI bùng nổ chủ yếu là do tham vọng phát triển của các công ty Trung Quốc và họ đang nỗ lực tìm kiếm những cơ hội mới trong khi nhiều quốc gia cũng đang khát các dòng vốn vào đầu tư. Tất nhiên, nó cũng được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ Trung Quốc” - Shen Danyang cho biết.

Tại Hội nghị các CEO APEC vào tháng 11 năm ngoái tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định ODI của Trung Quốc sẽ đạt tới 1,25 nghìn tỷ USD trong vòng thập kỷ tới. Với 4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối và các chính sách hỗ trợ liên tục như "One Road and One Belt Initiatives” (Sáng kiến một vành đai một con đường) thì tiềm năng cho một dòng chảy ODI lớn hơn là rất lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù có những bước tiến đáng kể trong đầu tư ra nước ngoài, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước để trở thành một nước “xuất khẩu vốn tinh vi” như Mỹ và Nhật Bản. Trong năm 2013, tổng ODI của Mỹ đạt 330 tỷ USD và Nhật Bản là gần 140 tỷ USD. Trong khi Trung Quốc mới đạt 100 tỷ USD trong năm ngoái.

Theo Wang Huiyao - Trưởng Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, sự thiếu niềm tin với các bên liên quan tại các nước; sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối tác và sự thiếu hiểu biết về môi trường pháp lý, văn hóa ở các nước là những cản trở chính khi các DN Trung Quốc đầu tư và tiến hành các hoạt động kinh doanh ở bên ngoài. Để giải quyết những trở ngại này đòi hỏi các DN Trung Quốc phải có sự chuẩn bị cẩn thận, hợp tác chặt chẽ với chính phủ, các bên thứ ba liên quan và có được nguồn nhân lực vận hành thực sự tài năng, mang tầm đẳng cấp quốc tế.

Theo Đỗ Lê

PV

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên