MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc - Nguồn công việc bất ngờ cho người Mỹ

09-06-2015 - 09:58 AM | Tài chính quốc tế

Vào kỷ nguyên Internet, Trung Quốc có thể tạo ra và duy trì nguồn công việc cho người Mỹ. Một ví dụ điển hình là ngành chăm sóc sức khỏe. Trong năm 2013, trung bình 10.000 người Trung Quốc mới có một bác sĩ đa khoa.

Mùa tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ đi kèm với những lời đề xuất quen thuộc về việc tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Tuy nhiên, các ứng cử viên thực sự hiểu về nền kinh tế toàn cầu ngày nay nên đặc biệt quan tâm đến một nguồn tuyển dụng mới mang đến nhiều ngạc nhiên: Trung Quốc.

Giai cấp trung lưu của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển, dự kiến sẽ đạt tới con số khoảng 630 triệu người vào năm 2022. Những người tiêu dùng này muốn một chế độ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, nền giáo dục đẳng cấp thế giới và một môi trường sống trong lành hơn. Bản thân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng cung cấp các dịch vụ này, nhưng Internet lại tạo ra một hiện tượng thú vị: Trung Quốc tạo ra và duy trì công việc cho người Mỹ.

Từ chữa bệnh...

Năm 1994, một sinh viên đại học người Trung Quốc tên Zhu Ling mắc căn bệnh kì bí. Những sinh viên khác đăng chi tiết y bạ của cô lên mạng cho phép các bác sĩ phương Tây chẩn đoán cô bị ngộ độc thallium và cứu mạng cô. Đó là ví dụ nổi tiếng đầu tiên về y tế từ xa hiệu quả.

Các chuyên gia y tế Mỹ có thể cung cấp cho Mỹ hàng loạt các dịch vụ. Trong năm 2013, trung bình 10.000 người Trung Quốc mới có một bác sĩ đa khoa, và rất nhiều người Trung Quốc không hài lòng với chất lượng y tế đó. Feng Xue, giám đốc điều hành của Hiệp hội y tế từ xa Tianjin, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm phát triển y tế từ xa cho hay: “Trong khi Trung Quốc có rất ít bác sĩ có được lòng tin thì Mỹ lại có thương hiệu y tế mạnh.”

Các bệnh nhân Trung Quốc đã tìm kiếm “phương án B” từ chuyên gia y tế nước ngoài. Năm 1999, các bác sĩ Trung Quốc nói với Cai Qiang, một công dân Bắc Kinh rằng anh ta có nguy cơ mắc bệnh ung thư gan. Anh tìm đến Úc với hi vọng tìm “phương án B” cho mình và phát hiện ra anh chỉ bị thừa cân – một trải nghiệm đã thôi thúc anh mở một công ty tư vấn với tên gọi St. Lucia hơn một thập kỉ sau đó.

Ngày nay, St. Lucia giúp các bệnh nhân Trung Quốc và bác sĩ của họ gửi bản quét CT và MRIs đến các cơ sở y tế Mỹ như bệnh viện Johns Hopkins và Cleveland Clinic. Sau đó các bác sĩ Mỹ sẽ đưa ra chẩn đoán trên một cổng thông tin mạng được bảo mật. St. Lucia cũng cung cấp dịch vụ cho các du khách y tế được chữa trị ở Mỹ.

Đến giáo dục

Rất nhiều người Trung Quốc cũng muốn có được sự giáo dục ở Mỹ, điển hình như hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc ở các trường đại học Mỹ. Tuy vậy, đào tạo trực tuyến cũng là một lựa chọn hấp dẫn.

Coursera, một trang web giáo dục trực tuyến ở Mỹ, có hơn một triệu người dùng đăng kí ở Trung Quốc. Nội dung giảng dạy là miễn phí, tuy nhiên học viên có thể trả tiền để có được chứng chỉ xác nhận họ đã hoàn thành khóa học và đủ năng lực. Coursera kỳ vọng số người Trung Quốc bỏ tiền để lấy chứng chỉ sẽ không ngừng tăng trong những năm tới. Công ty iResearch dự kiến quy mô thị trường giáo dục trực tuyến ở Trung Quốc sẽ đạt con số 20 tỉ USD trong năm nay.

Người Mỹ cũng có thể cung cấp đào tạo nghề trực tuyến thông qua video. Evan Guo, giám đốc điều hành của Zhaopin, một website Trung Quốc dành cho những người lao động và người tìm việc, nói rằng những người trước là công nhân ngành tự động có thể kiếm tiền bằng cách dạy kĩ thuật trực tuyến. Ông Guo giải thích: “ Người dân ở Detroit không ý thức được rằng công nghệ tự động ở Trung Quốc đang bùng nổ, và những kĩ thuật cổ lỗ của họ có thể vẫn hữu dụng ở Trung Quốc, bởi nơi đây cấu trúc của ngành công nghiệp hoàn toàn khác.”

Ông Guo bổ sung rằng, để có thù lao, người dân Mỹ cũng có thể chia sẻ các kiến thức thực tế về các bộ môn như marketing, kinh doanh, kỹ thuật & kế toán thông tin, những ngành đều đang có nhu cầu cao ở Trung Quốc.

Với xu hướng dân số già, Trung Quốc cũng có thể tạo doanh thu cho ngành công nghiệp chăm sóc người già của Mỹ. Các bác sĩ, y tá và người chăm sóc có thể đào tạo trực tuyến các đối tác Trung Quốc của họ. Benjamin Shobert, giám đốc điều hành của Tập đoàn Chiến lược Rubicon, một tập đoàn tư vấn chuyên về chăm sóc sức khỏe Trung Quốc cho hay: “Giả sử Trung Quốc cần 6 triệu người chăm sóc vào năm 2020 và vấn đề dân số già sẽ nghiêm trọng nhất vào năm 2050, các công ty cung cấp dịch vụ và đào tạo có thể dễ dàng bổ sung những thiếu sót này của Trung Quốc".

Bảo vệ môi trường và hiệu quả năng lượng là các lĩnh vực khác mà Trung Quốc cần đến các chuyên gia có kinh nghiệm. Seeder, một công ty dịch vụ trực tuyến ở Thượng Hải, giúp liên kết các chủ xây dựng Trung Quốc với các nhà cung cấp kỹ thuật và dịch vụ cũng như tài chính cho các dự án ở nước ngoài. “Ở Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về dịch vụ năng lượng từ Mỹ như hệ thống quản lý xây dựng, mô hình năng lượng và đo lường thông minh,” Alex Shoer, người Mỹ đồng sáng lập nên Seeder cho hay.

Seeder gần đây đã kết nối một trung tâm logistics của Trung Quốc với một công ty Mỹ chuyên thiết kế và lắp đặt tấm lợp thái dương. Ông Shoer nói: “Trong khi các tấm lợp được lắp đặt ở Bắc Kinh, mọi công việc kĩ thuật đều được thực hiện ở Mỹ".

Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ bắt kịp ở các lĩnh vực dịch vụ này, nhưng hiện tại, internet có thể tạo nên cơ hội cho nguồn lao động Mỹ, đồng thời giúp Trung Quốc giải quyết các nhu cầu đáng kinh ngạc của họ. Và hầu hết các công việc đó có thể làm mà không cần người Mỹ phải đặt chân lên máy bay.

Phương Anh

Wall Street Journal

Trở lên trên