MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc: Sau chứng khoán là bất động sản?

17-07-2015 - 14:44 PM | Tài chính quốc tế

Giá cả và khối lượng giao dịch trên thị trường bất động sản Trung Quốc mới hồi phục trong thời gian gần đây, nhưng đang có nguy cơ bị dập tắt vì bị ảnh hưởng từ TTCK.

Ngày 10/6 vừa qua, khi chỉ số Shanghai Composite hướng đến mức đỉnh cao nhất 7 năm, Wan Xinjian đã vay mượn hết sức có thể để mua thêm cổ phiếu.

Chỉ hai ngày sau, thị trường bắt đầu lao dốc. Doanh nhân 49 tuổi ngay lập tức phải lên kế hoạch khẩn cấp và cuối cùng đã bán căn hộ trị giá 7.800 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,3 triệu USD) ở Thượng Hải vốn đang cho thuê. Công ty chứng khoán Haitong đã gửi cho anh thông báo call margin (đề nghị khách hàng nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định).

“Tôi rất muốn giữ lại căn hộ này, nhưng không còn lựa chọn nào khác”, Wan nói, từ chối đưa ra con số thua lỗ cụ thể.

Trường hợp của Wan phản ánh chính xác những rủi ro tiềm ẩn đang đe dọa thị trường bất động sản chỉ vừa mới phục hồi chút ít trong nửa đầu năm 2015 của Trung Quốc. Một phần nguyên nhân giúp thị trường bất động sản hồi phục chính là do dòng tiền mới có được từ đà tăng hơn gấp đôi của TTCK Trung Quốc. Giờ đây đà hồi phục ấy có thể nhanh chóng bị dập tắt.

“Đà lao dốc của TTCK có thể sẽ khiến tốc độ bán hàng trên thị trường bất động sản chậm lại, do đó có một số rủi ro ở đây”, Dariusz Kowalczyk – chiến lược gia đến từ Credit Agricole – nhận định. “Kể cả khi hoạt động bán hàng vẫn diễn biến tốt, các công ty sẽ phải mất thêm nhiều thời gian hơn để giảm lượng hàng tồn kho”.

Tác động đối với thị trường bất động sản vẫn chưa thể hiện rõ ràng. Mức giá nhà mới xây trung bình ở 100 thành phố được theo dõi bởi tập đoàn SouFun đã tăng 0,56% trong tháng 6, tiếp nối đà tăng của tháng 5 mặc dù vẫn giảm 2,7% so với 1 năm trước. Trong tháng 5, giá nhà mới ở 20 trên tổng số 70 thành phố tăng lên. Hồi tháng 1 giá chỉ tăng ở 2 thành phố.

Theo Du Jinsong, chuyên gia đến từ ngân hàng Credit Suisse, giá tăng chủ yếu là do giới đầu cơ – yếu tố tác động rất lớn đến thị trường nhà ở Trung Quốc dù họ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nhóm người mua. Du nhận định diễn biến của thị trường bất động sản Trung Quốc từ nay đến cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường cổ phiếu loại A.

Trong tuần thứ hai của tháng 7, số nhà mới bán ra ở 40 thành phố được theo dõi bởi tập đoàn Centaline đã giảm 18%. Người mua ở những thành phố có giá nhà tăng với tốc độ cao kỷ lục và dẫn đầu cả nước đã bắt đầu thu hẹp ngân sách và lên kế hoạch dự phòng trong bối cảnh TTCK lao dốc.

“Sức mua của những người mua nhà tiềm năng có thể sụt giảm vì họ đã thua lỗ trong các giao dịch chứng khoán”, Liu Yuan – giám đốc nghiên cứu tại Centaline ở Thượng Hải – nói. “Ảnh hưởng sẽ được hạn chế trong ngắn hạn, vì các yếu tố cơ bản về cung cầu sẽ không thay đổi”.

Giá cả và khối lượng giao dịch trên thị trường bất động sản Trung Quốc mới hồi phục trong thời gian gần đây, sau khi Chính phủ nước này áp dụng các biện pháp kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 1990. Trung Quốc đã có 4 lần cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Tháng 6, doanh số nhà mới bán ra tăng 39% so với 1 năm trước, lên 821 tỷ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, tài sản của nhà đầu tư đã sụt giảm vào đúng thời điểm tồi tệ. Đà hồi phục của thị trường nhà đất Trung Quốc vẫn còn rất mong manh, với dòng vốn đầu tư của 6 tháng đầu năm tăng trưởng yếu nhất trong 1 năm. Theo số liệu từ Barclays, 6 tháng đầu năm, 34 công ty bất động sản mà ngân hàng này theo dõi mới chỉ hoàn thành 41% chỉ tiêu doanh số năm 2015.

Wan, người đã phải bán gấp căn hộ để bù lỗ trên TTCK, chia sẻ có lẽ anh sẽ không thể sớm quay trở lại đầu tư nhà đất. “Tôi vẫn có nơi ở vì vậy sẽ rất khó để mua thêm 1 căn hộ nữa. Ngày nay bất động sản không phải là nơi mà bạn có thể kiếm tiền nhanh”, Wan nói.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên