Trung Quốc "thắng lớn" với AIIB?
Chính phủ Trung Quốc có lẽ cũng không thể tin vào vận may của chính họ. Tuần trước, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết Israel sẽ gia nhập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng.
- 06-04-2015UAE trở thành thành viên thứ 35 của AIIB
- 31-03-2015Nhật Bản từ chối làm thành viên sáng lập AIIB
- 14-05-2014Trung Quốc muốn cạnh tranh với ADB
- Cho tới nay đã có hơn 50 quốc gia đồng ý tham gia AIIB, trong đó có nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ
- Trung Quốc được hưởng lợi từ sai lầm của các đối thủ: Mỹ chậm cải cách, quá trình đàm phán TPP gặp nhiều trở ngại
Quan hệ giữa Mỹ và Israel từ trước đến nay vốn vẫn tốt đẹp, nhưng hôm 3/3, Thủ tướng Israel đã có bài phát biểu gây nhiều tranh cãi khi chỉ trích ông Obama trước Quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chắc chắn không thể ngờ họ có thể thu hút được Israel – đồng minh thân cận lâu năm của Mỹ - đến với AIIB khi định chế này được manh nha cách đây ít nhất 2 năm.
Tính đến nay, đã có hơn 50 quốc gia (bao gồm cả những đồng minh quân sự lâu năm của Mỹ như Australia và Hàn Quốc) tham gia vào AIIB và có thể coi đây là một chiến thắng về mặt chiến lược đối với Bắc Kinh. Cho đến nay chỉ có Nhật Bản đứng về phía Washington, phản ánh những lo ngại của chính quyền Obama về sự minh bạch và cách quản trị ở ngân hàng mới.
Giới phân tích cho rằng thành công của Trung Quốc ở AIIB không chỉ là may mắn. Đây là thành quả có được nhờ các bước điều chỉnh chính sách hết sức khôn ngoan.
Tại hội nghị APEC, chính phủ Trung Quốc đã khôn khéo tránh được xung đột với Nhật Bản về vấn đề đảo tranh chấp, bất ngờ ký vào một hiệp ước về môi trường và quân sự với Mỹ, và hé lộ quỹ trị giá 40 tỷ USD ủng hộ dự án “con đường tơ lụa” nối châu Âu và châu Á. AIIB sẽ đóng góp thêm ít nhất 100 tỷ USD vào sáng kiến này với dự định đảm nhiệm vai trò trước đó thuộc về các ngân hàng Mỹ.
Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ một loạt sai lầm của các đối thủ chính trị. Quốc hội Mỹ chậm trễ cải cách cho phép Trung Quốc và các nước phát triển khác giữ vai trò quan trọng hơn tại các định chế như World Bank và IMF.
Quá trình đàm phán TPP tiến triển chậm cũng là yếu tố bất lợi cho Tổng thống Obama. Chỗ đứng của ông ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ giảm sút nếu Obama không thể đảm bảo được quyền “tàu nhanh” (fast – track, tức quyền ký kết nhanh và tránh được sự phản đối từ các nhà làm luật) đối với TPP.
Nếu TPP thất bại, chiến lược xoay trục châu Á của Tổng thống Obama sẽ gặp nhiều khó khăn.
Dẫu vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chưa thể vội mừng. Mặc dù Bắc Kinh đã khởi đầu năm 2015 một cách thuận buồm xuôi gió, mối quan hệ phức tạp với Sri Lanka là lời nhắc nhở quan hệ địa chính trị có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào. Trung Quốc đã giải ngân khoảng 5 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng với giả thiết đồng minh lâu năm của ông Tập Cận Bình là cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa có thể nắm chắc quyền lực.
Tuy nhiên, trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 1 vừa qua, ông Rajapaksa đã bị đánh bại và Trung Quốc không được chính phủ mới chào đón. Dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bị buộc tội thiếu minh bạch và đây sẽ là minh họa rõ ràng nhất cho những điều mà Tokyo và Washington lo sợ ở AIIB.
Giờ đây, thách thức của Bắc Kinh là đảm bảo rằng những lỗi lầm ở Sri Lanka sẽ không lặp lại.
Thu Hương