MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc thực chất đang ghìm giá đồng nhân dân tệ

20-11-2010 - 09:37 AM | Tài chính quốc tế

Các chuyên gia chỉ ra động thái yêu cầu tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc chẳng qua để hạ giá nhân dân tệ và chặn ảnh hưởng từ chương trình 600 tỷ USD của FED.

Ngày thứ Sáu (19/11), giống như một số ngày thứ Sáu quan trọng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bất ngờ công bố sẽ yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc được đưa ra đúng 1 tháng sau quyết định nâng lãi suất cơ bản và 5 tháng sau khi tuyên bố sẽ điều chỉnh linh hoạt tỷ giá đồng nhân dân tệ.

Lần thứ 2 trong tháng 11/2010, Trung Quốc đưa ra quyết định trên. Quyết định thể hiện rõ ràng mục tiêu đối nghịch lại chính sách nới lỏng tiền tệ tại Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 29/11/2010. Mức dự trữ áp dụng với các ngân hàng lớn tăng lên 18%, với ngân hàng vừa và nhỏ là 16%.

Nhóm 4 ngân hàng gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng xây dựng và Ngân hàng giao thông, phải đảm bảo tỷ lệ dự trữ bắt buộc 18,5%.

Từ ngày 29/11/2010, các ngân hàng thương mại phải chuyển thêm 0,5% tài sản sang tài khoản lợi suất rất thấp tại Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Trung ương sử dụng dự trữ đồng nhân dân tệ này để mua vào lượng đôla, euro và một số loại tiền tệ khác với tổng giá trị tương đương khoảng 1 tỷ USD/ngày – động thái ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá.

Chính phủ Bắc Kinh, cho đến nay vốn luôn phản đối áp lực từ phía Mỹ về việc nâng giá đồng nhân dân tệ, phản pháo rằng chính sách tiền tệ dễ dãi của FED khiến đồng USD hạ giá mạnh.

Sau nhiều thông tin rằng chủ tịch FED sẽ chỉ trích Trung Quốc về chính sách đối với đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ dự trữ. Quyết định trên thực tế đưa ra trước cả khi chủ tịch FED phát biểu tại Frankfurt và chỉ trích chính sách đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc không đề cập đến FED trong tuyên bố của họ, theo tuyên bố, động thái đặt mục tiêu củng cố quản lý thanh khoản và kiểm soát hiệu quả dòng tiền và tín dụng.

Các chuyên gia kinh tế ngay lập tức chỉ ra Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lựa chọn chính sách phù hợp để hạ giá trị đồng nhân dân tệ so với đồng USD ở thời điểm FED đang cố gắng tăng nguồn cung USD bằng việc mua trái phiếu Bộ Tài chính loại dài hạn.

Ông Qu Hongbin, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại ngân hàng HSBC, trong nghiên cứu mới nhất nhận định yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc sẵn sàng ngăn chặn ảnh hưởng từ chính sách nới lỏng tiền tệ của FED.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế tại phương Tây và thậm chí một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc đã dự đoán Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ nâng lãi suất chứ không phải tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Lãi suất cao hơn sẽ giúp kiềm chế lạm phát tại nền kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng đang tăng trưởng quá nóng.

Trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 10/2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,4%, tăng trưởng nguồn cung tiền trong 2 năm gần nhất đạt 54%.

Lãi suất cao cũng mang đến nhiều lợi ích cho người gửi tiền Trung Quốc vốn chủ yếu là người cao tuổi. Lãi suất cao hơn cũng sẽ tạo ra áp lực chi phí đối với nhiều đối tượng vay tiền, đặc biệt công ty nhà nước Trung Quốc chiếm 90% tổng số lượng công ty bởi ảnh hưởng chính trị cực lớn của nhóm này.

Tuy nhiên việc nâng lãi suất cơ bản cũng sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài mua mạnh đồng nhân dân tệ và đầu tư nhiều hơn vào Trung Quốc, đồng nhân dân tệ sẽ bị đẩy giá lên cao.

Chính phủ Trung Quốc cố gắng giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, chính việc đồng nhân dân tệ ở mức giá thấp so với đồng USD đã đóng vai trò chủ chốt đưa Trung Quốc nổi lên thành siêu cường xuất khẩu của thế giới.

Thặng dư thương mại Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người Trung Quốc và cướp đi việc làm của nhiều nước đối tác thương mại.

Trung Quốc còn đang nỗ lực phát triển sản xuất mặt hàng công nghệ cao như thiết bị viễn thông, ô tô và nhiều sản phẩm giá trị cao khác để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ chứ không phải nhóm nước mới nổi. Công ty Trung Quốc vì thế càng cần lợi thế cạnh tranh từ đồng nhân dân tệ yếu, giá hàng hóa xuất khẩu thấp để cố gắng giành chỗ đứng trên thị trường Mỹ.

Để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cố gắng hạn chế đầu tư của nhà đầu tư và các công ty vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc trong tuần đã tuyên bố sẽ thắt chặt đầu tư vào các nhà xưởng mới và một số dự án lớn.

Ông Helen Qiao và ông Yu Song, 2 chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs, dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc trước thời điểm cuối năm 2010 để hạn chế tín dụng và kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, FED đặt ra tỷ lệ dự trữ 10% cho gần như tất cả ngoại trừ ngân hàng nhỏ nhất tại Mỹ và ngân hàng Mỹ không bị buộc phải nắm dự trữ đối với một số loại tiền gửi.

Tại Trung Quốc, nguồn nhân dân tệ từ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng mang lại nguồn cung tiền chính của Ngân hàng Trung ương để xây dựng nên dự trữ ngoại hối 2,65 nghìn tỷ USD.

Việc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc không chỉ giúp Ngân hàng Trung ương có thêm nhân dân tệ để mua USD mà còn khiến các ngân hàng thương mại không thể cho vay nhiều như trước, đầu cơ vào bất động sản và hàng hóa tất yếu giảm.

Cuối ngày thứ Tư, Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết đang tính đến kiểm soát giá của nhiều loại thực phẩm và ngoài ra tăng thêm nguồn cung thực phẩm, nhiên liệu. Chính quyền các địa phương cũng được yêu cầu hỗ trợ thực phẩm cho người thuộc diện khó khăn.

Ngọc Diệp
Theo Nytimes

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên