Trung Quốc và nỗi ám ảnh khủng hoảng lương thực
Giá ngũ cốc thế giới leo thang, đặc biệt là đậu tương đang kéo ngành chăn nuôi Trung Quốc đối mặt với một hiện thực đầy nguy cơ.
Với một quốc gia đông dân như Trung Quốc, không có gì khó hiểu khi nguy cơ khủng hoảng lương thực luôn được các nhà chức trách đặt sẵn trong đầu bên cạnh các phương án “chữa cháy”. Ngay cả khi quốc gia ấy đang chuyển mình để trở thành một cường quốc, nỗi ám ảnh đó vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai.
Mới đây khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế và vẽ ra một kế hoạch hạ cánh mềm khá bài bản, những lo ngại về khả năng tăng giá lương thực lại trỗi dậy mạnh mẽ. Vậy nguyên nhân nào khiến người Trung Quốc mãi không thể nguôi ngoai với nỗi lo “thiếu ăn” trong khi không phải không có tiền?
Thứ nhất, giá đậu tương – một mặt hàng không nằm trong giỏ hàng hóa tính chỉ số CPI của Trung Quốc, nhưng là yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lĩnh vực chăn nuôi nước này – nói cách khác là yếu tố ảnh hưởng sống còn tới lĩnh vực phát triển thực phẩm cho hơn 1,3 tỷ người, đang leo thang không thể kiểm soát trên thị trường thế giới. Mức tăng giá của đậu tương nhanh và dữ dội đến nỗi vượt mọi kỷ lục giá trong lịch sử, thậm chí là bão giá hồi khủng hoảng 2008-2009, hiện đã chạm mốc 16,70 USD/bushel.Giá đậu tương trên thị trường Chicago từ năm 2006 đến nay
Nguồn: CME Group
Bỏ qua lý do trực tiếp khiến giá
đậu tương leo thang, điều đáng nói ở đây là sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn đậu
tương nhập khẩu (hiện mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 61 triệu tấn đậu tương –
tương đương 42% nhu cầu), dẫn đến tổn thương nghiêm trọng cho chi phí đầu vào
ngành chăn nuôi mỗi khi giá đậu tương thế giới biến động.
Tương quan thay đổi giá đậu tương thế giới và chỉ số lạm phát tại Trung Quốc từ năm 2001 đến nay
Nguồn: HSBC
Chỉ số CPI của Trung Quốc đang có
xu hướng giảm khi tháng 6 vừa qua chỉ cán mốc 2,2%, tuy nhiên chi phí đầu vào ngành
chăn nuôi tăng vọt như hiện nay chắc chắn CPI không thể giữ được mốc đó quá
lâu.
Thứ hai, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chỉ ra rằng, tỷ lệ giữa giá thịt lợn và giá ngô liên tiếp giảm trong vài tháng qua và hiện đã xuống mức 6. Dữ liệu lịch sử chứng minh được rằng khi tỷ lệ này rơi xuống dưới mức 6, nông dân sẽ có xu hướng giảm sản lượng đàn lợn và do vậy giá thịt lợn sẽ tăng trở lại.
Do vậy, quý III năm nay chắc chắn
thị trường sẽ chứng kiến cảnh CPI Trung Quốc tăng trở lại, thậm chí một số
chuyên gia kinh tế đã nghĩ đến con số CPI 6,5%.
Hồng Liên