MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc vật vã vì "phú nhị đại"

21-10-2015 - 09:18 AM | Tài chính quốc tế

Các công ty tư nhân đóng góp trên 50% GDP của Trung Quốc. Phần lớn trong số đó là các công ty gia đình và trong 5-10 năm tới, khoảng 75% các công ty này sẽ gặp vấn đề về người kế nhiệm.

Vương Kiến Lâm, chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda Group, cũng là một trong những người giàu nhất Trung Quốc chỉ có "cậu ấm" duy nhất là Vương Tư Thông. "Cậu ấm" này năm nay mới 27 tuổi. Dalian Wanda Group là tập đoàn tư nhân, việc chọn "người kế vị" là chuyện rất dễ dàng. Vấn đề nằm ở chỗ, anh chàng Vương Tư Thông là một tay chơi khét tiếng, thường xuyên đưa ảnh chú chó cưng lên mạng xã hội Sina Weibo. Hình ảnh gây tranh cãi nhất là khi con chó được đeo những 2 chiếc iwatch vàng.

Có vẻ như Vương Tư Thông chưa sẵn sàng điều hành tập đoàn mà thế hệ trước để lại. Năm 2012, ông Vương từng nói với cậu con trai lười biếng: "Nếu Tư Thông có thể được tất cả mọi người ở Wanda chấp nhận trong 5-8 năm tới, nó sẽ là người thừa kế gia sản. Nếu không có khả năng làm việc đó thì không có quyền điều hành công ty".

Những thanh niên như Vương Tư Thông là thách thức lớn đối với chính phủ Trung Quốc. Trong một bài phát biểu vào giữa tháng 5, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: "cả nước cần phải làm cách nào đó để thế hệ thứ 2 của các tập đoàn lớn (phú nhị đại) hiểu được nguồn gốc của đồng tiền".

Tuy nhiên, để những cậu ấm cô chiêu đã quen sống trong nhung lụa bỏ đi thói quen vốn có không phải là chuyện dễ. Hàng triệu công ty gia đình tạo nên xương sống của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các công ty này cũng chưa có kế hoạch dự phòng rõ ràng.

Nhóm "phú nhị đại" không chỉ đặt ra vấn đề về kinh tế mà còn đe dọa xã hội Trung Quốc. Họ vẫn khoe của trên các trang mạng xã hội trong hoàn cảnh - nền kinh tế đang kém đi. Điều này cũng đối nghịch với những giá trị mà đảng cộng sản Trung Quốc hướng đến: sự khiêm tốn.

Ban Công tác Mặt trận Trung Quốc ra thông điệp nêu rõ: phú nhị đại chỉ biết biết hưởng mà chẳng biết làm. Nếu vấn đề này lan rộng ra sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội đối với kinh tế tư nhân, và khi đó, nó sẽ không chỉ là vấn đề kinh tế.

Các công ty tư nhân đóng góp trên 50% GDP của Trung Quốc. Theo khảo sát của chính phủ Trung Quốc vào năm 2010, có đến 85,4% các công ty tư nhân là công ty gia đình, trong đó, một cá nhân hay gia đình kiểm soát ít nhất 50% cổ phần. Trong 5 - 10 năm tới, khoảng 75% các công ty này sẽ gặp vấn đề về người kế nhiệm.

Người ta chưa đặt câu hỏi về khả năng thừa kế của các phú nhị đại mà hiện tại, điều được quan tâm nhất là liệu họ có muốn điều hành công ty hay không. Khảo sát của Fortune Generation, tạp chí của giới phú nhị đại, cho thấy 65% phú nhị đại không quan tâm đến việc tiếp tục công việc của gia đình. Năm 2011, nghiên cứu tại tỉnh Chiết Giang- cái nôi của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, cho thấy: chỉ 35% con em của các chủ công ty quan tâm tới cơ nghiệp củagia đình.

Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình. Thế hệ các doanh nhân đầu tiên lớn lên trong thời kỳ khó khăn, khi đất nước chuyển dần sang kinh tế thị trường. Ngược lại, các phú nhị đại từ bé đã được hưởng sự giàu có, quyền lực và đều đi du học nên có nhận thức khác về nền kinh tế nước nhà. "Không muốn động chạm" là cách nói của người trẻ để giải thích quyết định của mình.

Ở nhiều nơi trên thế giới, nếu không thể giao cơ nghiệp cho con cháu, người ta có thể tìm đến những nhà quản lý chuyên nghiệp. Nhưng điều này khó có thể xảy ra ở Trung Quốc, bởi nỗi sợ "khác máu tanh lòng" đã trở thành một nét văn hóa trong kinh doanh. Theo Harvard Business Review, gần 3/4 các công ty ở Đài Loan, và 69% các công ty ở Hồng Kông truyền lại cơ nghiệp cho con cháu. Trung Quốc đang thực sự thiếu hụt đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản. Việc truyền ngôi không thể giải quyết được vấn đề.

Mở rộng hàng ngũ nhà lãnh đạo kinh doanh chuyên nghiệp là bước đi khôn ngoan của chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, Bắc Kinh phải chú trọng làm thế nào để thuyết phục cậu ấm cô chiêu chuyển từ tiêu tiền sang kiếm tiền. Khoảng 70 người thừa kế của các công ty lớn đã tham dự các bài giảng về lòng hiếu thảo và vai trò của các giá trị truyền thống trong kinh doanh. Những người này có độ tuổi trung bình là 27 tuổi. Một phần ba trong số họ vừa du học về.

Sẽ cần thêm vài năm nữa để biết những bài giảng này có kết quả hay không, có cải thiện khả năng của các phú nhị đại và làm họ mong muốn quản lý công ty hay không. Còn bây giờ, các phú nhị đại không gây rắc rối đã là hạnh phúc lắm rồi.

Thu Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên