MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc vừa làm điều tồi tệ nhất đối với kinh tế thế giới

10-03-2016 - 10:40 AM | Tài chính quốc tế

Có vẻ như Trung Quốc chưa thực sự muốn cải cách. Những giải pháp được đưa ra chỉ nhằm mục tiêu ngăn chặn, trì hoãn đà giảm tốc của nền kinh tế thay vì giải quyết tận gốc vấn đề.

Để vực dậy đà đi xuống của nền kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách bơm tiền cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Điều này có nguy cơ làm bong bóng tín dụng của Trung Quốc nổ tung và gây ra những hệ lụy khôn lường cho kinh tế toàn cầu.

Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, lãnh đạo Trung Quốc đã thảo luận các mục tiêu kinh tế cho năm 2016 của nước này. Song, thay vì đề ra lộ trình thực hiện các cải cách khó khăn nhưng cần thiết, trọng tâm của kỳ họp lại là ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế.

Giải pháp mà Trung Quốc sẽ thực hiện là bơm tín dụng cho các công ty nhà nước đang chìm trong nợ nần và nới lỏng chính sách tiền tệ, những chính sách đã được áp dụng trước đây.

Nói cách khác, bánh xe của cỗ máy nợ Trung Quốc sẽ tiếp tục quay khi nước này tìm cách ngăn chặn sự giảm tốc kinh tế hiện nay.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong năm 2016. Năm ngoái, GDP của nước này chỉ tăng trưởng 6,9%, mức thấp nhất trong 25 năm qua. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chính phủ sẽ phải nới lỏng tín dụng và tiền tệ như đã làm trong quá khứ. Nhưng điều này sẽ đi kèm với những vấn đề mà đã được chỉ ra trong nhiều năm qua - hiệu suất đầu tư thấp và thâm hụt ngân sách phình to.

Điều này cho thấy Trung Quốc chưa thực sự muốn cải cách. Những thứ Trung Quốc đang làm hiện nay chỉ là giải pháp ngắn hạn và điều thế giới muốn thấy là tái cấu trúc trong dài hạn. Những cải cách này sẽ giúp chuyển đổi nền kinh tế dựa vào đầu tư sang tiêu dùng của Trung Quốc. Để xúc tiến quá trình tái cân bằng trên, Trung Quốc phải tái cấu trúc các ngành công nghiệp đang thua lỗ và kém hiệu quả. Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở mức thảo luận.

“Chính phủ Trung Quốc đã cam kết cải cách doanh nghiệp nhà nước (SOE), dỡ bỏ các rào cản vay vốn cho doanh nghiệp tư nhân và cải cách tài khóa. Đây không phải là những giải pháp mới và đóng vai trò sống còn trong việc đưa Trung Quốc tăng trưởng bền vững trở lại. Vấn đề là Bắc Kinh có thực sự muốn thực hiện những kế hoạch này hay không,” Credit Suisse nhận định.

Bơm thêm tín dụng vào hệ thống sẽ không giúp thúc đẩy tăng trưởng như Trung Quốc nghĩ. Trên thực tế, cần khoản tín dụng lên đến 5 nghìn tỷ USD để đưa nước này trở lại tăng trưởng như trước. Ngay cả thế, biện pháp này cũng chưa chắc đã có hiệu quả.

Không chỉ giá trị tín dụng mà mục đích sử dụng tín dụng cũng cần được cân nhắc hợp lý. Trung Quốc cần ngừng việc dùng tín dụng mới để trả nợ và trợ cấp cho các SOE làm ăn thua lỗ. Nhưng điều này đang không cho thấy dấu hiệu thuyên giảm.

Trong khi đó, các dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế sẽ tiếp tục đẩy giá đồng nhân dân tệ xuống và châm ngòi cho làn sóng tháo chạy vốn. Dòng tiền chạy khỏi Trung Quốc chính là minh chứng cho sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư về nền kinh tế và là tác nhân gây ra hỗn loạn trên thị trường trong tháng một năm nay.

“Một giải pháp bền vững cho vấn đề dòng vốn tháo chạy là khôi phục niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng ngắn hạn và trung hạn của Trung Quốc. Đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng”, Tom Orlik, kinh tế gia của Bloomberg cho biết.

Thúc đẩy tăng trưởng thông qua mở rộng tín dụng và nới lỏng tiền tệ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Bơm tiền để xử lý nợ xấu có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài điều này chỉ làm cho bong bóng tín dụng của Trung Quốc phình to hơn mà thôi.

Long Nam

Business Insider

Trở lên trên