MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai châu Á được quyết định từ hôm nay

25-05-2013 - 13:45 PM | Tài chính quốc tế

Để có thể bình tĩnh hướng đến tương lai, giới ngoại giao thường có những cuộc gặp để cùng suy ngẫm về một số vấn đề đương thời.

Trong khối ASEAN, từ 20 năm qua hằng năm đều có những cuộc gặp như thế để các bộ trưởng ASEAN cùng định thần suy ngẫm về thế sự.

Đó chính là các hội nghị về “Tương lai châu Á” hằng năm ở Nhật, kể từ năm 1995. Cuộc suy ngẫm năm nay, theo các nhà tổ chức, diễn ra trong bối cảnh của “những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp biên giới và lãnh thổ” và “một năm sau những thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc”.

Từ những thực tế đó, các đề tài trao đổi được ban tổ chức đề ra là “Căng thẳng gia tăng ở Đông Á - thách thức đối với an ninh khu vực”, “Triển vọng từ Trung Quốc và chính quyền Tập Cận Bình”, “Thiết lập cộng đồng kinh tế ASEAN”...

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mở màn bằng những nhận xét thẳng thắn về tình hình thực tế: “Nhiều nước trong khu vực đang có những tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với các nước láng giềng... Có một yếu tố làm phức tạp thêm tình hình là các tình cảm dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên ở nhiều nước. Đó là do các nước nay trở nên hùng mạnh hơn và tự tin hơn, song cũng do lẽ các tranh chấp chủ quyền đó đã làm dâng lên niềm tự hào dân tộc. Những tình cảm đó kích động những phản ứng nơi phía bên kia, làm các vấn đề càng khó giải quyết hơn”.

Đến đây, ông vào thẳng (một trong những) vấn đề: “Trung Quốc đã hội nhập tốt một cách đáng kể vào hệ thống quốc tế do chính kích thước (khổng lồ) của mình và tác động của nó. Tỉ như Trung Quốc đã hậu thuẫn Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc tháo gỡ vấn đề ở bán đảo Triều Tiên. (Song) Trung Quốc lại có một số vấn đề gai góc với các láng giềng của mình, như về đảo Senkaku/Điếu Ngư và cả ở biển Đông nữa”.

Phương châm tháo gỡ, theo ông, là: “Các vấn đề đó cần phải được xử lý một cách hòa bình, đúng với luật pháp quốc tế” và “Trung Quốc xử lý các va chạm song phương như thế nào thì các nước khác sẽ xem sự trỗi dậy của Trung Quốc như thế ấy”.

Trong diễn văn cuối buổi thảo luận “Căng thẳng gia tăng ở Đông Á - thách thức đối với an ninh khu vực”, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu lên suy nghĩ của mình: “Những gì đã diễn ra tại châu Á đã cho thấy hợp tác và hội nhập chỉ có thể bền vững một khi lợi ích của mỗi nước hài hòa với lợi ích của các nước khác và với lợi ích của toàn thể khu vực. Tham gia cơ chế hợp tác khu vực là một cách xây dựng niềm tin và từ đó làm giảm nguy cơ xung đột...”.

“Niềm tin” tạo thành nền tảng cho “hợp tác” và điều này (“hợp tác”) sau đó sẽ giúp xây dựng và làm tăng điều kia (“niềm tin”).

Để cụ thể hóa ý tưởng “Hợp tác và niềm tin”, “VN đề nghị các nước trong khu vực xem xét thiết lập một cơ chế thường niên cho việc đối thoại mở và hiệu quả về các kế hoạch phát triển dịch vụ hàng hải, an ninh và an toàn hàng hải, chống cướp biển, tìm kiếm cách cứu hộ, chia sẻ thông tin, cảnh báo thiên tai trên biển”.

Theo ông, “mục đích chính của cơ chế này là nhằm tăng cường hiểu biết (lẫn nhau), thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các chính phủ, giới doanh nhân và học giả nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu...”.

So với quy mô những tranh chấp ngày càng làm tăng bạo lực trên toàn Thái Bình Dương, một cơ chế đối thoại mở thường niên như thế có thể là “khiêm tốn” và “chung chung”.

Song nếu chỉ cần khởi động được đối thoại và hợp tác chừng đó thì cũng sẽ là một bước tiến trong việc tháo gỡ những ngòi nổ tranh chấp vô tận chỉ chực nổ tung, và là một bước khẳng định “Chúng ta nay đang ở thế kỷ 21 rồi”, mượn cách nói của ông Lý Hiển Long...

Tương lai như thế nào là do những gì “gieo trồng” hôm nay.

Siêu du thuyền Costa Atlantica của Tập đoàn Carnival neo đậu tại Singapore. Tập đoàn kinh doanh du thuyền lớn nhất thế giới vừa mở văn phòng tại Singapore ngày 3-5 để mở rộng hoạt động ở châu Á - Ảnh: Reuters

Sẽ không xảy ra khủng hoảng như năm 1997

Châu Á sẽ đối diện với “những căng thẳng tài chính đáng kể” trong 18 tháng tới khi lãi suất bắt đầu gia tăng từ mức thấp kỷ lục gần 0% hiện nay.

Theo Reuters, lãi suất được duy trì ở mức rất thấp trong thời gian dài đã khiến giá bất động sản và nợ vay của hộ gia đình tăng cao ở Singapore và Hong Kong.

Cuối tháng 4-2013, Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo những rủi ro khác có thể xuất hiện, như giá tài sản gia tăng trong bối cảnh nguy cơ đổ vỡ kinh tế ở châu Á do ảnh hưởng từ khu vực đồng euro đã bắt đầu qua đi. Điều này làm dấy lên lo ngại các nền kinh tế châu Á có thể lâm vào khủng hoảng như năm 1997 dù vẫn đang đứng vững trong hoàn cảnh bi đát chung của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, bên lề hội nghị thường niên châu Á của Deutsche Bank vừa kết thúc ở Singapore, tiến sĩ Michael Spencer, kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Deutsche Bank, tỏ ra lạc quan về triển vọng của các nền kinh tế châu Á, dựa vào sự phục hồi của Mỹ và châu Âu với tăng trưởng ước tính đạt 2-2,5% vào đầu năm tới so với 0,5% như hiện nay, nhờ đó sẽ đẩy tăng trưởng xuất khẩu của châu Á từ mức 2,5% lên trên 10% vào cuối năm nay.

VIỆT TOÀN


Theo Danh Đức

huongnt

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên