MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai Hy Lạp được quyết định bởi hai con người

23-06-2015 - 19:19 PM | Tài chính quốc tế

Yanis Varoufakis và Wolfgang Schäuble là những người đều lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ những quan điểm kinh tế ở hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Kết quả của cuộc chiến giữa họ sẽ định hình tương lai của Hy Lạp cũng như châu Âu.

Yanis Varoufakis rời khỏi bàn làm việc và dạo quanh căn phòng làm việc nhìn quảng trường Syntagma tọa lạc ở trung tâm của thủ đô Athens. Trong bộ quần áo màu đen, Varoufakis giống như một kẻ ‘đâm thuê chém mướn” trong một bộ phim của đạo diễn Quentin Tarantino hơn là vị Bộ trưởng Tài chính của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông cũng đang bắt đầu bước vào một cuộc chiến không kém phần quyết liệt.

Trong 72 giờ, ở Riga, Varoufakis đối mặt với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble và 17 bộ trưởng khác đến từ các nước thành viên của nhóm Eurogroup. Họ đã gây áp lực buộc Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu công, cổ phần hóa bến cảng lớn nhất và tăng thuế để đổi lấy khoản tiền cứu trợ 240 tỷ euro.

Tuy nhiên, chính phủ cánh tả dẫn đầu bởi Thủ tướng Alexis Tsipras đã hứa với người dân rằng Hy Lạp sẽ chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng. Vì thế Varoufakis sẽ phải tìm ra một thỏa thuận mới để có thể đem về 7,2 tỷ euro cho đất nước của ông.

Varoufakis cho rằng chính chương trình thắt lưng buộc bụng là thủ phạm khiến Hy Lạp rơi vào một “phiên bản châu Âu” của cuộc Đại Suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% và nền kinh tế bị thổi bay 1/4 kể từ năm 2010 đến nay. Ông từ chối bất cứ chính sách nào khiến những người dân thường phải gánh thêm nhiều nỗi đau trong khi các ông trùm và chủ ngân hàng vẫn nhởn nhơ.

Thay vào đó, ông muốn một thỏa thuận mới cho Hy Lạp. Để đạt được mục tiêu này, Varoufakis đã chuẩn bị một danh sách các thay đổi mà Hy Lạp cảm thấy dễ chịu, ví dụ như đặt mục tiêu thặng dư ngân sách 1-2% thay vì mức 4,5% mà các chủ nợ đưa ra.

3 ngày sau đó, Varoufakis bị đánh bại. Trong cuộc họp kín ở Thư viện quốc gia Latvia, Schäuble và toàn bộ Eurogroup đã từ chối lời đề nghị của ông. Một số bộ trưởng đã nổi đóa với sự cứng đầu của Varoufakis. Họ gọi ông bằng những cái tên khó nghe như “kẻ nghiệp dư”, “người lãng phí thời gian” hay thậm chí là “kẻ lừa đảo”.

Trong khi đó, Schäuble – vị Bộ trưởng Tài chính 72 tuổi của nước Đức - im lặng. Nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế Đức, ông là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên bàn tròn. Schäuble vẫn là người chỉ trích mạnh mẽ nhất về sự yếu kém của Athens trong việc dọn sách các thể chế chính trị gây lãng phí.

Năm 2012, ông kêu gọi loại bỏ Hy Lạp ra khỏi Eurozone trong một cuộc đối thoại với Timothy F. Geithner – người sau đó là Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Gần đây nhất, trong tuần ngay trước hội nghị ở Riga, Schäuble nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia phải hoàn thành nghĩa vụ của họ. “Ở châu Âu, chúng tôi có lý do rất chính đáng để luôn luôn gắn yêu cầu với các gói hỗ trợ tài chính. Và, chúng tôi sẽ không cung cấp hộ nếu như một quốc gia nào đó không tự cứu lấy chính mình”.

Schäuble và Varoufakis mới chỉ cùng nhau xuất hiện trên sân khấu và tranh cãi trong 5 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, họ đã trở thành những đại diện cho cuộc chiến về ý tưởng, cuộc chiến sẽ định hình phản ứng của eurozone đối với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 16 năm lịch sử. Một người theo chiều hướng dễ thay đổi, đã dành cả sự nghiệp để giảng dạy về kinh tế học và lý thuyết trò chơi. Trong khi đó, người còn lại là một luật sư hơi hướng bảo thủ đã có 40 năm kinh nghiệm tạo ra luật pháp ở Quốc hội Đức. Varoufakis được các nhà kinh tế học như Joseph Stiglitz tán dương vì những chỉ trích hướng về các lỗ hổng của đồng euro, còn Schäuble chính là người đã giúp hình thành nên eurozone.

Sự đối đầu của Schäuble và Varoufakis bắt nguồn từ câu hỏi đã tồn tại từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời ngày 1/1/1999 nhưng cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp: kế hoạch là gì nếu như một trong các thành viên của eurozone phá sản?

Tình hình ở Hy Lạp một lần nữa lại đang là điểm nóng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải tổ chức nhiều cuộc họp tranh cãi về lối thoát dành cho đất nước này. Varoufakis, Schäuble và các Bộ trưởng Tài chính khác sẽ bước vào những cuộc tranh cãi nảy lửa.

Schäuble cho rằng vấn đề không thực sự phức tạp. Vị Bộ trưởng vừa đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt ngân sách ở Đức cho rằng chi tiêu hợp lý là cái gốc thực sự của thịnh vượng. Nền kinh tế Tây Ban Nha – dù vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót – đang tỏ ra vượt trội so với Pháp và Đức sau khi nước này cắt giảm chi tiêu công và nới lỏng luật lao động để tăng tính cạnh tranh. Bồ Đào Nha và Ireland cũng thu được những kết quả tích cực.

Quan điểm của Schäuble thể hiện xuất thân của ông. Ông đã phóng đại lý tưởng của người Đức rằng cách thức quản lý dựa trên luật pháp là xương sống của eurozone. Trong số các nhân viên của ông, các luật sư áp đảo so với các nhà kinh tế học.

Còn ở Hy Lạp, đất nước mà các nhà kinh doanh thường tìm mọi cách để lách thuế giá trị gia đình, nhiều luật lệ đã bị phá vỡ. Sống trong môi trường mà luật lệ có thể thay đổi bất chợt, người Hy Lạp có những quan điểm hoàn toàn khác biệt. Đối với Varoufakis, “xé rách” các chương trình thắt lưng buộc bụng không phải là một hành động chống đối mà chỉ là một cách để tìm ra kế hoạch công bằng hơn giúp đất nước của ông hồi sinh.

Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa Schäuble và Varoufakis đã trở thành cuộc tranh cãi mang nhiều cảm xúc giữa hai quốc gia Đức và Hy Lạp. Quan hệ giữa hai nước vốn đã trở nên căng thẳng kể từ khi Đức xâm lược Hy Lạp trong Thế chiến thứ hai. Các tờ báo khổ nhỏ của Đức chạy dòng chữ “Hãy bán đảo đi, những người Hy Lạp vỡ nợ!”. Báo Hy Lạp phản pháp bằng bức tranh biếm họa có hình Schäuble mặc bộ đồng phục của quân Phát xít.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras và Varoufakis không chỉ chiến đấu với Schäuble mà còn với các chủ nợ của nước này. Họ cũng phải đấu khẩu với chính các đồng minh trong đảng của mình vì thời hạn Hy Lạp phải trả khoản nợ 1,7 tỷ USD cho IMF đã đến gần. Kể cả khi Varoufakis đạt được thỏa thuận vào phút chót, “liều thuốc giảm đau” cũng không kéo dài trong bao lâu. Bức tường nợ ngày càng vây kín Athens. Tính đến ngày 1/6, tổng nợ của Hy Lạp ở mức 328 tỷ euro, tương đương 174% GDP, gần gấp đôi so với mức trung bình của eurozone. Để tồn tại, chính phủ của ông Tsipras sẽ phải tìm đến một gói cứu trợ khác và một chu kỳ khủng hoảng mới lại bắt đầu.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên