MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tương lai nào cho Trung Quốc?

24-01-2014 - 23:12 PM | Tài chính quốc tế

Các vị khách mời tin tưởng rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng khi có các biện pháp hiệu quả để cân bằng nền kinh tế và giữ mức tăng trưởng chậm nhưng bền vững.

Những cải cách về tài chính, kinh tế và xã hội ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thế nào đến kinh tế thế giới trong năm 2014? Đây là nội dung chính được thảo luận tại phiên thảo luận diễn ra hôm nay (24/1) tại Diễn đàn kinh tế thế giới đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. 

Các diễn giả tham dự phiên thảo luận này bao gồm Victor L. L. Chu (CEO Tập đoàn đầu tư châu Á, Hong Kong),  Zhang Xiaoqiang (Phó chủ tịch Ủy ban phát triển quốc gia Trung Quốc), nhà kinh tế học Nouriel Roubini;  Li Daokui (Hiệu trưởng đại học Thanh Hoa, Trung Quốc) và Neil Shen Nan Peng - Người sáng lập và Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia, Hong Kong.

Kinh tế Trung Quốc đang giảm dần đà tăng trưởng là ý kiến chung của các vị khách mời trong hội nghị. Năm 2013, mức tăng trưởng GDP chỉ đạt hơn 7%. Ngài Nouriel Roubini cho rằng đây là xu thế tất yếu bởi Trung Quốc cần ghìm lại mức tăng trưởng quá đà của nền kinh tế trong 30 năm gần đây. Bên cạnh qui mô, chính phủ cần tìm kiếm giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Vấn đề quan trọng trước mắt là làm sao để cân bằng tỷ trọng đầu tư và tiêu dùng trong nước trong tổng GDP.

Hiện nay, Trung Quốc đang giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau EU và Mỹ. Vì vậy, các chính sách cải cách của nước này đều có sức ảnh hưởng lớn với các quốc gia khác, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Ngài Zhang Xiaoqiang – Phó chủ tịch Ủy ban phát triển quốc gia cho biết: Trung Quốc sẽ tập trung cải cách chính tri, chống tham nhũng; tiếp tục phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh mở cửa khu vực kinh tế nhà nước kết hợp với khu vực tư nhân để tăng hiệu quả hoạt động.

Ngài Li Daokui – Hiệu trưởng đại học Thanh Hoa đã có chia sẻ thú vị về lý thuyết kinh tế mới mang tên:”Sandwich Theory” (tạm dịch là Lý thuyết bánh sandwich). Lý thuyết này coi nền kinh tế như 1 chiếc bánh sandwich mà chúng ta phải giải quyết vấn đề từ tầng trên cùng xuống dưới. Tương tự, các cải cách của Trung Quốc cũng nên tập trung từ đổi mới tư duy lãnh đạo, cho đến các vấn đề của doanh nghiệp, rồi cuối cùng là các rủi ro trên thị trường.

Khi thảo luận về sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Trung Quốc trên trường quốc tế, ngài Neil Shen Nan Peng - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Sequoia - rất lạc quan cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang có những hoạt động đầu tư tốt trên trường quốc tế đặc biệt trong một số lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin… 

Năm ngoái công ty Lenovo của Trung Quốc đã mua lại tập đoàn IBM nổi tiếng của Mỹ. Các trang web của Trung Quốc như Baidu, Alibaba, cũng phát triển không thua kém các trang ông lớn của thế giới như Google, Amazone, Facebook…Một điểm đáng chú ý là trong số 70 công ty lớn của Trung Quốc lọt vào TOP 500 doanh nghiệp đứng đầu toàn cầu của Fortune, có tới 65 doanh nghiệp nhà nước.

Mặc dù Trung Quốc vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thi hành cải cách kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề nợ công, ô nhiễm môi trường, tranh chấp biển đảo với Nhật Bản… các vị khách mời tin tưởng rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng khi có các biện pháp hiệu quả để cân bằng nền kinh tế và giữ mức tăng trưởng chậm nhưng bền vững. 

Phương Thảo

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên