MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú Trung Quốc thi nhau tặng tiền cho các đại học Mỹ

09-09-2014 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Gia đình một nhà đầu tư gốc Hồng Kông đã quyên góp 350 triệu USD cho Harvard, đánh dấu khoản hiến tặng lớn nhất từ trước tới nay mà ngôi trường danh giá này nhận được.

Theo tờ Wall Street Journal đưa tin, gia đình của Gerald Chan – một nhà đầu tư đã từng học ở Harvard – đóng góp 350 triệu USD cho trường Y tế công cộng trực thuộc ĐH Harvard. Đây là một phần trong làn sóng hiến tặng các khoản tiền khổng lồ cho các ngôi trường đại học ở Mỹ. 

Trung Quốc – quốc gia “xuất khẩu” nhiều sinh viên nước ngoài sang Mỹ nhất – trở thành nguồn hiến tặng dồi dào cho các trường thuộc Ivy League (nhóm 5 trường ĐH tư thục “5 sao” ưu tú và lâu đời nhất nước Mỹ). 

Tháng 7 vừa qua, CEO của tập đoàn SOHO (Trung Quốc) Zhang Xin cùng với chồng của bà đã ký thỏa thuận quà tặng trị giá 15 triệu USD với Harvard. Đây là một phần trong kế hoạch tài trợ 100 triệu USD để sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt ở Trung Quốc có thể theo học ở các trường ĐH danh giá trên toàn thế giới. 

Năm 2010, Lei Zhang, người sáng lập của Hillhouse Capital Management, cho biết ông sẽ tặng 8.888.888 USD cho ĐH Yale. 

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê trong suốt 10 năm qua được Moody’s tổng hợp từ 208 trường đại học tư ở Mỹ, các trường có tổng tiền mặt và đầu tư lớn hơn 1 tỷ USD nhận được 67% tổng số tiền hiến tặng của năm 2013, tăng so với con số 62% của 10 năm trước đó. Trong khi đó, các trường có ít hơn 100 triệu USD chiếm chưa đến 3% tổng số tiền hiến tặng.

“Thập kỷ vừa qua, các nhà hảo tâm ngày càng tập trung hơn vào những ngôi trường vốn đã giàu có”, Susan Fitzgerald, chuyên gia tại Moody’s nhận xét. 

Khảo sát thực hiện trên hơn 800 trường công và trường tư từ năm 2010 đến 2013 cũng cho thấy xu hướng tương tự. Các trường nhỏ hơn phải phụ thuộc nhiều hơn vào tiền học phí và khả năng cạnh tranh cũng kém đi. Đối mặt với khó khăn, các trường này sẽ cắt giảm chương trình học hoặc nâng học phí. Ngược lại, các trường giàu hơn có đầu tư nhiều hơn cho sinh viên, đi qua những năm tháng tồi tệ mà không cần tăng học phí. 

Thống trị bảng danh sách những trường nhận được các khoản ủng hộ lên đến 9 con số trong 3 năm vừa qua là những cái tên quen thuộc: ĐH Cornell nhận được 350 triệu USD, Johns Hopkins nhận được 350 triệu USD, Yale nhận 250 triệu USD, Pennsylvania nhận 225 triệu USD, Harvard nhận 150 triệu USD. Dartmouth và Georgetown mỗi trường nhận được 100 triệu USD. 

Có một vài nguyên nhân đứng sau xu hướng này, trong đó có việc sử dụng các phương pháp phân tích dữ liệu trên phạm vi lớn. Điều này giúp các trường có một bức tranh rõ ràng hơn không chỉ về người nào có khả năng hiến tặng mà còn tìm ra người có mong muốn thực hiện điều này. Do đó, những trường vốn đã giàu có sẽ thực hiện chiến dịch gây quỹ hiệu quả hơn, tận dụng tối đa lợi thế từ những cựu sinh viên giàu có. 

Caroline Hoxby, giáo sư tại ĐH Stanford,so sánh các trường ĐH giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm: họ tìm ra những sinh viên xuất sắc nhất, mạnh tay đầu tư với chi phí lớn hơn cả học phí và hi vọng sẽ tạo ra những lớp sinh viên thành công. Những người này sẽ quay trở lại ủng hộ cho trường. 

Ngoài ra, các trường giàu có cũng có thể thuê những nhà nghiên cứu và gây quỹ xuất sắc nhất. 

Ông Chan sinh ra ở Hồng Kông và là giám đốc của công ty bất động sản Hang Lung Group Ltd. Cùng với anh trai Ronnie Chan, hai người hiện xếp thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất Hồng Kông với tài sản ước tính 3 tỷ USD (theo Forbes). 

Tỷ phú 63 tuổi cho biết ông hi vọng khoản tiền hiến tặng sẽ giúp các giáo sư thực hiện những nghiên cứu tân tiến nhất chống lại những thảm họa đe dọa thế giới như dịch Ebola hay bệnh béo phì. 

Thu Hương

huongnt

WSJ

Trở lên trên