MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao EU nhẹ tay trong trừng phạt Nga?

19-03-2014 - 10:04 AM | Tài chính quốc tế

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cùng đưa ra thông báo trừng phạt đối với các quan chức Nga vào hôm qua (17/3). Người ta có thể ngay lập tức nhận ra nhiều điểm khác biệt ở lệnh cấm vận này.

“Mỹ đến từ sao Hỏa và chúng ta đến từ sao Kim, hãy quên chuyện đó đi”. Đó là những lời nói của Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski khi ông được hỏi tại sao châu Âu lại thận trọng hơn Mỹ trong phản ứng với việc Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc trưng cầu dân ý “được Mỹ cho là bất hợp pháp” của bán đảo này.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã cùng đưa ra thông báo trừng phạt đối với các quan chức Nga vào hôm qua (17/3). Người ta có thể ngay lập tức nhận ra nhiều điểm khác biệt ở lệnh cấm vận này.


Danh sách gồm 7 quan chức Nga và 4 quan chức Ukraine của Mỹ bị đóng băng tài sản và cấm visa có vẻ không nặng nề bằng danh sách 21 người mà EU đưa ra. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong danh sách của Mỹ có tới 3 người nằm trong “vòng tròn quyền lực” thân cận của ông Putin: Phó Thủ tướng Dimitry Rogozin và hai cố vấn của Tổng thống -Vladislav Surkov và Sergey Glazyev. Đây là những nhân vật mà EU bỏ qua. 

Tổng thống Barack Obama cũng ký vào quyết định mới mở rộng phạm vi trừng phạt theo ba nhóm: các quan chức chính phủ Nga, những nhân vật trong ngành quân sự và những người được cho là thân thiết với điện Kremlin. Ngoài việc đóng băng tài sản, Mỹ cũng cấm người Mỹ có quan hệ kinh doanh với những người nằm trong danh sách.

Theo các nhà ngoại giao ở Brussels, một trong những lý do đằng sau sự dè dặt của châu Âu là chia rẽ trong nội bộ, giữa một bên là “phe bồ câu” (gồm Italy, Tây Ban Nha và Síp) và một bên là “phe diều hâu” (gồm Anh, Ba Lan và các nước thuộc vùng biển Baltic). Lý do thứ hai là EU cần phải có một danh sách tỏ ra hợp lý và hợp pháp kể cả sau khi đã được xem xét một cách kỹ lưỡng. Thứ ba, không chỉ riêng châu Âu mà cả Mỹ đều muốn để ngỏ khả năng mở ra một cuộc đối thoại với các quan chức của ông Putin cũng như có “room” để đẩy căng thẳng lên bằng cách thêm vào những cái tên khác nếu cần thiết. 

Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố đây không phải là bản danh sách bất biến trong tương lai. Trong khi đó, ngoại trưởng Lithuania Linas Linkevicius thì cho rằng đây là “một danh sách mở” và có thể đến cuối tuần này sẽ được kéo dài thêm. Trong 2 ngày 20 – 21/3, các lãnh đạo châu Âu sẽ cùng tham dự hội nghị ở Brussels. 

Danh sách trừng phạt của EU được chốt lại sau khi các nhà ngoại giao có phiên họp vào tối muộn hôm chủ nhật, vài giờ sau khi kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea được công bố. Các ngoại trưởng của EU khẳng định đây là cuộc trưng cầu bất hợp pháp và bổ sung thêm rằng EU không công nhận kết quả này. 

Ba Lan đã đưa ra gợi ý bổ sung thêm vào danh sách này 3 quan chức cấp cao đã có trong danh sách của Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực này thất bại vì vấp phải sự phản đối từ các nước khác, trong đó có Phần Lan. 

Một số nhân vật cấp cao của EU lo ngại rằng EU – vốn bất ngờ lâm vào trạng thái đối đầu với Nga – đang bước vào chu kỳ cấm vận và trả đũa không ngừng. Tuy nhiên, nhiều người thuộc “phe diều hâu” cũng cho rằng EU đã có phản ứng nghiêm khắc hơn so với dự đoán. “Cách đây 3 ngày, tôi thậm chí không chắc là chúng ta sẽ đưa ra lệnh trừng phạt”, một quan chức của EU nói. 

Thu Hương

huongnt

Economist

Trở lên trên