Vì sao kinh tế Trung Quốc giảm tốc?
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – vốn đã ở quanh mức 10%/năm trong suốt 3 thập kỷ vừa qua – không thể tránh được kịch bản giảm tốc.
- 12-03-2015Trung Quốc-Cải cách hướng nào? (K1): Lưỡng đầu thọ địch
- 11-02-2015Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ: Đuổi theo "rồng" Trung Quốc
- 17-06-2013Fitch: Trung Quốc đứng trước bong bóng tín dụng lớn nhất trong lịch sử hiện đại
Nội dung nổi bật:
- Theo luật số lớn, một nền kinh tế càng lớn sẽ gặp càng nhiều khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng.
- Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”. Cả 3 yếu tố lực lượng lao động, vốn và sản lượng đều suy giảm.
- Kinh tế Trung Quốc giảm tốc vì cả yếu tố chu kỳ
Trung Quốc vừa hạ mức mục tiêu tăng trưởng năm 2015 xuống còn 7%. Mặc dù 7% là mức thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế vừa được công bố trong tuần trước cho thấy thậm chí Trung Quốc phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu này.
Tốc độ tăng trưởng 7% vẫn là con số khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới ao ước. Tuy nhiên, đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong thời gian qua là điều khiến giới phân tích lo lắng. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn so với dự đoán (năm 2012, IMF vẫn dự báo thời kỳ Trung Quốc tăng trưởng 8%/năm sẽ kéo dài đến năm 2017).
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng là một trong những lý do chính tạo nên cơn bán tháo trên thị trường hàng hóa toàn cầu trong 2 năm gần đây. Giới phân tích còn lo ngại tình hình có thể xấu đi.
Vậy, có thể giải thích về hiện tượng này như thế nào?
Về lý thuyết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc – vốn đã ở quanh mức 10%/năm trong suốt 3 thập kỷ vừa qua – không thể tránh được kịch bản giảm tốc. Theo luật số lớn được áp dụng cho các nền kinh tế, một nền kinh tế càng lớn sẽ gặp càng nhiều khó khăn trong việc duy trì đà tăng trưởng. Tăng trưởng 7% của năm nay sẽ khiến GDP tăng trưởng nhiều hơn so với mức tăng trưởng 14% của năm 2007.
Về mặt cấu trúc, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều “cơn gió ngược”. Trong dài hạn, tăng trưởng là kết quả của những thay đổi về lực lượng lao động, vốn và sản lượng. Khi cả ba yếu tố này đều tăng trưởng (giống như ở Trung Quốc trong nhiều năm qua), tốc độ tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, quy mô lực lượng lao động Trung Quốc đã đạt đỉnh từ năm 2012. Đầu tư cũng đã lên đến mức 49% GDP – tỷ lệ mà rất ít nước đạt được. Cuối cùng, khoảng cách về công nghệ giữa Trung Quốc và các nước giàu có đã được thu hẹp, chứng tỏ sản lượng cũng không thể tăng trưởng như trước.
Cũng có thể giải thích đà suy giảm mạnh hơn dự báo của Trung Quốc bằng một số sự kiện gần đây. Trong đó, sự kiện quan trọng nhất là tín dụng bùng nổ quá mức. Tổng dư nợ (gồm cả nợ của chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp) đã lên tới 250% GDP, tăng 100 điểm cơ bản so với năm 2008. Núi nợ khổng lồ đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính nhưng cũng tạo nên gánh nặng không hề nhỏ. Điểm đáng lo ngại nhất là hầu hết tín dụng đều chảy vào các công ty bất động sản trong khi lượng nhà tồn kho đang ở mức cao kỷ lục. Khu vực bất động sản (trước đây đóng góp 15% tăng trưởng kinh tế) gần như đóng băng.
Xét theo góc độ này, thời kỳ suy giảm của kinh tế Trung Quốc mang tính chu kỳ nhiều hơn là tính cấu trúc. Theo sau giai đoạn kinh tế phát triển quá nóng sẽ là một đợt điều chỉnh. Tuy nhiên, các chu kỳ sẽ có độ dài ngắn khác nhau. Giải quyết vấn đề tín dụng cần đến nhiều năm. Xét trong bối cảnh hệ thống tài chính Trung Quốc gần như hoàn toàn khép kín như hiện nay, khủng hoảng trầm trọng có ít nguy cơ xảy ra ở Trung Quốc, nhưng phải mất rất nhiều năm để dọn dẹp nợ xấu.
Không giống như các nhà lãnh đạo trước đó sẽ ngay lập tức mạnh tay kích thích tăng trưởng khi nền kinh tế giảm tốc, ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc kể từ năm 2013 – đã đưa ra khái niệm “mức bình thường mới”, chú trọng vào cải cách và không đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá.
NHTW Trung Quốc gần đây khá thận trọng khi thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa thay đổi khiến chính quyền địa phương khó chi tiêu hơn. Tuy nhiên, lạm phát ở dưới mức thấp nhất 5 năm và chỉ số giá sản xuất giảm sâu là những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang hoạt động dưới mức tiềm năng. Vì thế có thể hi vọng rằng khi chu kỳ điều chỉnh qua đi và nếu Trung Quốc có những chính sách hợp lý, triển vọng của nền kinh tế sẽ được cải thiện.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tăng trưởng hai con số sẽ chỉ còn là câu chuyện của quá khứ.
Thu Hương