MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Tổng thống Mỹ Barack Obama nên trả lại giải Nobel Hòa bình?

09-09-2013 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Sự sa lầy trong cuộc chiến Afghanistan và Iraq là rắc rối dễ nhận biết của ông Obama.

Phóng viên Bjerstrom người Thụy Điển ngày 4.9 đã hỏi Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Ngài có thể miêu tả tình thế tiến thoái lưỡng nan khi đang là người giữ giải Nobel Hòa bình và việc sẵn sàng tấn công Syria không ạ?”.


Tổng thống Obama trả lời: “Khi tôi trông thấy 400 em nhỏ bị nhiễm khí độc, hơn 1.400 người dân vô tội chết đau đớn trong một môi trường mà các ông, bà đã biết có hàng chục ngàn người đang chết dần, chết mòn và chúng ta cần phải nắm lấy thời cơ để có một số hành động có ý nghĩa sâu sắc”.

Vâng, người đứng đầu chính quyền Mỹ đã trả lời, nhưng không trực tiếp giải quyết câu hỏi của phóng viên về giải Nobel Hòa bình.

Sự sa lầy trong cuộc chiến Afghanistan và Iraq là rắc rối dễ nhận biết của ông Obama. Từ năm 2001 cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của tổng thống Bush (con) năm 2009, đã có 625 lính Mỹ tử trận vì chiến tranh. Theo quan điểm của ông Obama, con số đó nhiều hơn gấp đôi - khoảng 2.133 lính Mỹ và hàng chục ngàn thường dân Afghanistan đã chết.

Nhưng không có gì làm suy chuyển ý niệm của ông Obama trong vai trò của một “nhà lãnh đạo hòa bình” đã hơn 5 năm kể từ khi ông phát động cuộc chiến máy bay không người lái ở Trung Đông. Theo New America Foundation, kể từ năm 2004, Mỹ đã tiến hành 362 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan.

Trong đó, chỉ có 48 đợt không kích như thế trong thời chính quyền Bush, điều đó đồng nghĩa với 314 trận đánh vào Pakistan bằng phi cơ điều khiển từ xa thuộc về ông Obama, chứng tỏ tổng thống đương thời của Mỹ “hiếu chiến” hơn người tiền nhiệm.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến được tổ chức vào tháng 1.2012, ông Obama từng phát biểu: “Tôi muốn chắc chắn rằng người dân thật sự hiểu máy bay không người lái không làm cho nhiều dân thường thương vong. Đa phần, chúng rất chính xác, những cuộc tấn công chính xác chống lại al Qaeda và vây cánh của chúng.”

Tuy nhiên, tuyên bố của ông Obama đã phớt lờ tác động tâm lý trong đời sống của những người dân luôn lo sợ bị giết.

Nỗi sợ hãi này càng trở nên trầm trọng vì thực tế chính quyền Obama từng cho tờ New York Times biết: “Cuộc chiến máy bay không người lái có tác động đến tổng số năm giới ở độ tuổi nghĩa vụ quân sự trong khu vực chiến sự như những chiến binh”. Điều đó hàm ý, máy bay không người lái đang làm dấy lên sự hận thù Mỹ ở Trung Đông.

Điều gì khiến cho những người dân vô tội Trung Đông ngày càng chết thảm, thực tế cuộc chiến máy bay không người lái có làm nước Mỹ an toàn hơn (?!). Ông Dennis C.Blair- nguyên Giám đốc Tình báo quốc gia của chính quyền Obama vào năm 2011- từng nêu ý kiến trên New York Times:

 “Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có thể ngăn cản các chiến binh al Qaeda trong khi chúng di chuyển và lẩn trốn, nhưng chúng có thể chịu đựng được các cuộc tấn công và tiếp tục hoạt động.”

Ibrahim Mothana- một công dân Yemen 24 tuổi- từng cho báo chí Mỹ biết: “Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đang khiến người dân Yemen ngày càng căm ghét Mỹ hơn và gia nhập các tổ chức chiến binh cực đoan, họ không bị thúc đẩy bởi ý thức hệ mà là vì cảm giác hận thù và tuyệt vọng.”

Tướng Mỹ Stanley McChrystal (nay đã nghỉ hưu) vào đầu năm nay từng trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuteurs: “Sự tức giận do Mỹ tiến hành các cuộc tấn công không người lái tạo ra lớn hơn nhiều so với đánh giá trung bình của người Mỹ.”

Đã từng xảy ra một vụ oanh kích bằng máy bay không người lái ở Yemen năm 2012 giết chết người dân, Salim al-Barakani - một nam công dân nước này - đã mất 2 người anh em đã tỏ ý căm phẫn và đau xót khi trả lời phỏng vấn tờ Washington Post rằng những cuộc tấn công như vậy đang buộc những người dân vô tội phải lên tiếng: “Chúng tôi tin rằng bây giờ al Qaeda đang ở phía chính nghĩa”- người đàn ông Yemen nói.

Hãng truyền thông tư nhân uy tín McClathy của Mỹ từng nhận xét: “CIA giết người chỉ vì tình nghi có liên quan hoặc những người đó có thể thuộc các nhóm vũ trang.”

Phát biểu trên kênh Fox News ngày 5.9, nhà phân tích chính trị Mỹ Kirsten Powers cho rằng Tổng thống Obama nên trả lại giải Nobel Hòa bình: “Ông ấy nên trả lại giải đó từ lâu rồi, thật tình là thế. Mà các bạn biết về cuộc chiến máy bay không người lái rồi đấy, đã gây nên cuộc chiến đang leo thang ở Afghanistan, khiến nhiều người dân chết oan, nhiều dân thường đã bị chết vì chiến tranh máy bay không người lái của ông ấy, trong đó có cả trẻ em. Có chừng 200 trẻ em bị sát hại bởi chiến tranh máy bay không người lái”.

Đó là những lý do vì sao Tổng thống Mỹ Barack Obama nên trả lại giải Nobel Hòa bình; nếu không, Hội đồng bình xét giải nên lấy lại nó.

 Theo Phạm Anh Trúc

huongnt

Lao Động

Trở lên trên