MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao Trung Quốc trấn áp các công ty ngoại quốc?

22-07-2013 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Một phần trong chiến dịch thanh lọc chính các cán bộ cao cấp nhận hối lộ?

Bài viết này được đăng trên Financial Times, một tờ báo của Anh.

Doanh nhân ngoại quốc thường đến Trung Quốc tràn trề hy vọng. Trong mắt họ là một thị trường với hàng triệu khách hàng với sức mua ngày càng mạnh mẽ.

Nhưng họ cũng thường ê chề ra đi không kèn không trống vì những khúc quanh khó ngờ của luật cùng những khoản “phí giao dịch” mờ ám.

Từ phơi phới đến tuyệt vọng, ấy là khi bạn khám phá ra làm ăn ở Trung Quốc rất khác. Với một số người, điều ấy phải từ từ mới ngấm, cũng có những người khác, đó là cả một sự “đại ngộ”.

Scandal hối lộ đang bủa vây hãng dược Anh GlaxoSmithKline (GSK) khiến giới doanh nhân toàn cầu chấn động và buộc tất cả các công ty phương Tây ở Trung Quốc phải kiểm tra lại hệ thống kiểm soát nội bộ của mình. Hôm thứ 6, thanh tra Trung Quốc đã tới làm việc với hãng dược Bỉ UCB.

Khi tập trung kiểm soát nội bộ, các tập đoàn đa quốc gia ở Trung Quốc có thể sẽ phát hiện thấy những sự thật quái lạ.

"Hơn thua ở chỗ lo liệu sao cho đúng luật."

“Cách làm ăn ở đây khác hẳn ở nhà. Các sếp trên “tổng” không muốn biết, hoặc khi tôi bắt đầu cố giải thích, mắt họ chừng hết cả lên,” một doanh nhân “Tây” ở Bắc Kinh nói. “Luật ở đây là phải có đi có lại, không cách này thì cũng cách khác. Hơn thua ở chỗ lo liệu sao cho đúng luật.”

(Xem thêm: Chủ tịch China Resources bị tố cáo nhận hối lộ)

Một doanh nhân khác nhớ lại lần đi chung thang máy với một cán bộ cao cấp chuyên giám sát ngành mình.

Khi anh này khen trụ sở cơ quan quản lý đẹp mà công nghệ cao quá, viên cán bộ đáp: “Tốn hết 200 triệu Nhân dân tệ [gần 700 tỷ VNĐ], mà chúng tôi không phải vay một xu nào đâu nhé. Làm ăn có lãi mà ra cả đấy!”

Doanh nhân kia thấy thế mới hỏi lại, sao cơ quan quản lý lại “có lãi” được? Đáp lại chỉ là một điệu cười giả là: “Anh chắc mới sang hả?”

Nhiều cơ quan nhà nước ở Trung Quốc trực tiếp kiếm tiền. Hãng tin nhà nước Xinhua vừa kinh doanh, vừa có chức năng giám sát đáng kể. Cục khảo thí quốc gia vừa giám sát hệt thống thi cử khổng lồ, vừa nhận phí từ các công ty được ủy quyền tổ chức thi.

Bộ Đường sắt từ lâu đã là doanh nghiệp lớn nhất nước đồng thời cũng là đơn vị cấp phép, xét giá, chấm thầu.

(Xem thêm: Kết án tử hình cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc)

Vừa đá bóng, vừa thổi còi, không rõ những “phí hành chính” mà doanh nghiệp trả để có giấy phép được dùng để nuôi bộ máy quan liêu hay để bổ sung thêm cho dàn Audi sang trọng đỗ ngoài cổng cơ quan. Cơ quan nhà nước không phải công khai thu chi.

Cũng mờ ám không kém là khi một số cơ quan đòi các công ty nước ngoài phải “đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc”. Những yêu cầu kiểu ấy rút cục thường là doanh nghiệp chi tiền cho cán bộ đi tham quan, tập huấn, học hỏi kinh nghiệm tại những địa điểm hấp dẫn ở nước ngoài.

Vì hợp pháp nên những chuyến đi kiểu ấy là cách rất tốt để kết giao với “các quan” và nhanh nhận được giấy phép. Đó đã là “chuẩn mực lễ nghi” giữa cán bộ nhà nước và lãnh đạo công ty nước ngoài.

Quan chức một số bộ dự phần vào nhiều chuyến tới nỗi họ còn phàn nàn “sắp phát ốm vì tập huấn”.

Cách “đưa” hợp pháp kể trên có thể giúp sáng tỏ phần nào văn hóa kinh doanh kỳ quặc tại Trung Quốc, nhưng không thể giải thích nổi vì sao giới cầm quyền ở nước này lại giàu đến thế.

"... nhiều người Trung Quốc vẫn thấy bất ngờ khi biết các công ty nước ngoài chỉ phải cho các sếp đi chơi là có được giấy phép."

Để thấy tiền và quyền đã cộng sinh ra sao, nên biết 70 đại biểu quốc hội giàu nhất Trung Quốc có tổng tài sản 90 tỷ USD, so với tổng cộng chỉ 7,5 tỷ USD của 535 nghị sỹ Mỹ, Tổng thống, các Bộ trưởng và toàn bộ thẩm phán tòa án tối cao.

“Đại biểu Quốc hội Trung Quốc giàu đến mức tốt nhất họ nên chuyển sang họp trong két sắt ngân hàng,” một doanh nhân từng nhiều năm kinh nghiệm tại Trung Quốc, ông James McGregor nói.

Tuy thế, nhiều người Trung Quốc vẫn thấy bất ngờ khi biết các công ty nước ngoài chỉ phải cho các sếp đi chơi là có được giấy phép.

GSK bị buộc tội chuyển 3 tỷ NDT cho 700 trình dược viên ở khắp nước để đem hối lộ nhằm tăng doanh số, thường dưới dạng cho cán bộ bệnh viện đi du lịch nước ngoài. Hãng dược Anh nói họ quan ngại sâu sắc trước cáo buộc này, và gọi hành vi đó là “đáng xấu hổ”.

(Xem thêm: Savipharm bắt tay GSK nâng giá thuốc)

4 quan chức GSK ở Trung Quốc đã bị tống giam trong khi Giám đốc Tài chính người Anh đã bị cấm rời khỏi Trung Quốc.

Động thái này là một phần trong đợt điều tra một loạt doanh nghiệp của Bắc Kinh. Hai hãng thực phẩm Châu Âu là Nestle và Danone nói sẽ giảm giá sữa công thức cho trẻ sơ sinh tại Trung Quốc sau khi Bắc Kinh điều tra ngành sữa.

Hôm thứ 6, Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đưa tin hãng kim hoàn Chow Tai Fook nằm trong số các hiệu vàng bị điều tra làm giá.

Loạt điều tra kể trên khiến người ta lo ngại các công ty đa quốc gia đã được chọn làm nạn nhân trong đợt đấu tranh chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức.

Dù có vẻ sắp tới Trung Quốc sẽ chẳng phải thị trường dễ chịu gì cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng nếu nhìn rộng ra thì chính các cơ quan nhà nước nhận hối lộ cũng đang trong tầm ngắm.

Năm nay Trung Quốc đã bỏ 133 giấy phép con và cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Quỳnh Oanh

tuannm

FT

Trở lên trên