MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam học được gì từ mô hình xử lý nợ xấu của Trung Quốc?

25-06-2012 - 16:18 PM | Tài chính quốc tế

Với nhiều điểm tương đồng về nguyên nhân gây ra cũng như thực trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, Trung Quốc là một ví dụ điển hình mà Việt Nam có thể học tập trong việc xử lý nợ xấu.

Nợ xấu của Trung Quốc bắt nguồn từ đâu? 

Nợ xấu (NPL) vốn là sản phẩm tất yếu của việc nguồn vốn được phân bổ một cách bất hợp lý. Không giống như các nước châu Á khác, vấn đề nợ xấu ở Trung Quốc là hậu quả của việc nền kinh tế bị dẫn dắt bởi những mối quan hệ chồng chéo giữa các doanh nghiệp nhà nước (SOE), các ngân hàng thương mại nhà nước (SOB) và hệ thống tài khóa. Với tổng nợ xấu được ước tính ở mức 30% tổng dư nợ của các SOB tính đến năm 2009, đây là một trong những nút thắt của quá trình đổi mới nền kinh tế, đặc biệt là  trong khu vực ngân hàng. 

Trước khi các cải cách được thực hiện, các SOE của Trung Quốc gần như không có sự độc lập. Chiếm đến 80% sản lượng công nghiệp, các doanh nghiệp này được cấp hạn ngạch, bảo lãnh đầu ra và nhận được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Họ vẫn được chính phủ trợ giá các nguyên liệu đầu vào thông qua hệ thống hai giá. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1980, các doanh nghiệp này lâm vào tình trạng khốn đốn khi chi phí đầu vào tăng cao, tỷ lệ nợ tăng vọt (từ 23% năm 1980 lên tới 440% vào năm 1998), hiệu quả hoạt động rất thấp cùng với việc mất dần vị thế vào các công ty tư nhân trong nước cũng như các công ty liên doanh với nước ngoài. Theo số liệu của IMF, tính đến cuối năm 1997 khoảng 37% doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc bị thua lỗ với tổng số lỗ lên đến 130 – 140 tỷ nhân dân tệ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách nhà nước. 

Trong khi các SOB lại là nguồn cấp vốn chính cho các SOE. Phải tài trợ cho các SOE với các khoản vay chính sách, sức khỏe các ngân hàng này sụt giảm nghiêm trọng.
Một nguyên nhân khác dẫn đến vấn đề nợ xấu của Trung Quốc chính là bong bóng bất động sản đi kèm với sự bùng nổ của nền kinh tế. Các SOB và các định chế tài chính khác sẵn sàng tài trợ cho nhiều dự án bất động sản khổng lồ tràn lan trên khắp đất nước. Bong bóng bất động sản vỡ tung cũng là lúc các ngân hàng bị giáng 1 đòn mạnh. 

Nợ xấu của Trung Quốc lớn như thế nào?

Tất cả những điều trên dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng vọt ở Trung Quốc. Cho đến nay, các số liệu về số nợ xấu ở Trung Quốc thời kỳ này vẫn chưa được công bố rõ ràng và có nhiều số liệu chênh lệch nhau. Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài, nếu tính theo chuẩn quốc tế, rất có thể tỷ lệ sẽ lên đến 40%. 
Cơ chế hoạt động của các AMC

Đối mặt với tình trạng này, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1999, 4 công ty quản lý tài sản (AMC) gồm Huarong, Cinda, Orient và Great Wall đã được thành lập để giải quyết các khoản nợ xấu của 4 BOE là Ngân hàng công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB), Bank of China (BOC) và Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc (ABC). 
4 tổ chức này đã sử dụng một loạt công cụ để giải quyết nợ xấu của các BOE. 

Công cụ đầu tiên và quan trọng nhất là hoán đổi nợ của các SOE thành cổ phần và số cổ phần này được các AMC nắm giữ. Các SOE tham gia chương trình này được chọn lựa kỹ càng với một số tiêu chí như có sản phẩm chất lượng và thị phần ổn định, công nghệ tiên tiến, đội ngũ quản lý hùng mạnh… Đã có 601 SOE được lựa chọn tham gia chương trình này với tổng qui mô lên tới 405 tỷ nhân dân tệ. 

Thêm vào đó, Trung Quốc còn thực hiện bán nợ và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia mua nợ của quốc này. Các vụ mua bán nhận được sự trợ giúp từ Tổ chức Tài chính quốc tế IFC trực thuộc IMF. Một tập đoàn quốc tế được dẫn đầu bởi Morgan Stanley đã mua lại 4 trong số 5 nhóm tài sản được Trung Quốc rao bán với tổng số vốn lên tới 10,8 tỷ nhân dân tệ. Danh mục này bao gồm các khoản nợ dành cho 254 con nợ đến từ 18 tỉnh thành của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên 1 AMC của Trung Quốc bán danh mục nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Ngoài ra, bán đấu giá tài sản cũng là một biện pháp hiệu quả, đặc biệt là đối với các tài sản cá nhân như bất động sản, xe cộ và máy móc. Trong cuộc đấu giá kéo dài 10 ngày được tổ chức vào tháng 5 năm 2002, Cinda đã đưa ra 304 tài sản với giá trị ghi sổ là 2,4 tỷ nhân dân tệ. 160 tài sản trong số đó đã được bán với tổng giá trị 400 triệu nhân dân tệ.

Cuối cùng, một giải pháp khá hữu hiệu được áp dụng là thực hiện chứng khoán hóa các khoản nợ xấu.  Nói cách khác, đây là hình thức phát hành trái phiếu trên thị trường vốn để thu về tiền mặt và các nhà đầu tư trái phiếu đó sẽ thu về lợi tức từ các quỹ tài sản đã được chứng khoán hóa. Năm 2004, chính phủ Trung Quốc đề nghị ADB trợ giúp kỹ thuật để thí điểm phát triển việc chứng khoán hóa các khoản nợ của Cinda. Các trái phiếu này sẽ được phát hành rộng rãi cả trong và ngoài nước.    
Như vậy, với một loạt các công cụ được sử dụng 1 cách hiệu quả và quyết liệt, 4 công ty mua bán nợ xấu của Trung Quốc đã góp phần đáng kể giúp hệ thống ngân hàng thoát khỏi cơn bĩ cực và tăng cường thêm sức mạnh. 

Với khá nhiều yếu tố tương đồng như vai trò, tình hình hoạt động và mối quan hệ của các SOE với hệ thống ngân hàng, bong bóng trên thị trường bất động sản cũng như hệ thống tài chính chưa đủ minh bạch và đang trong quá trình chuyển đổi và cải cách nền kinh tế. Do đó, Việt Nam có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành các AMC của Trung Quốc để có thể giải quyết tình trạng nợ xấu hiện nay. 

Thu Hương
dịch từ luận văn của Xiaojun Allan Wu
tại trường
Massechusetts Institue of Techonology

huongnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên