MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Volkswagen có "hạ bệ" niềm tin “Made in Germany”?

01-10-2015 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Sản phẩm “Made in Germany” từ bao thế kỷ nay đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế bằng niềm tin về công nghệ hoàn hảo, độ chính xác tuyệt đối và độ tin cậy tối ưu của người tiêu dùng.

Nhưng từ khi “hành vi mang tính lừa đảo có hệ thống” của Volkswagen (VW) bị phát hiện, tình thế có vẻ thay đổi, niềm tin của nhiều người đang bị lung lay.

Tại thời điểm này, VW đang phải hứng chịu những đợt sóng đầu tiên. Theo số liệu thống kê và phân tích của Media Tenor, tại 3 thị trường lớn nhất của VW là Đức, Mỹ và Trung Quốc, hãng xe này đã bị truyền thông và giới phân tích chỉ trích và lên án kịch liệt. Đặc biệt là ở Mỹ, tất cả các thông tin và hình ảnh về VW trên truyền thông hoàn toàn tiêu cực.

Trong khi đó, dù ở mức độ nhẹ hơn, nhưng truyền thông Trung Quốc cũng thể hiện sự lo ngại về VW với hơn 50% thông tin tiêu cực. Và tại quê nhà, VW cũng nhận nhiều đợt công kích của báo chí.

 

Trước đó, từ hồi tháng 4, VW từng gặp phải những chỉ trích khi để xảy ra cuộc chiến quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Tập đoàn. Chủ tịch Ferdinand Piech đã chính thức tuyên bố trước công chúng rằng ông hoàn toàn mất niềm tin vào Tổng giám đốc lâu năm của VW là Martin Winterkorn.

Gần 50% thông tin về VW tại thời điểm đó là tiêu cực khi báo chí và các chuyên gia phát hiện ra nhiều vấn đề đáng lo ngại tại hãng xe này. Giới truyền thông thể hiện sự thất vọng của mình bằng cách “phớt lờ và thờ ơ” VW, độ phủ sóng truyền thông của nhãn hàng này đã giảm sút đáng kể.

Giá cổ phiếu của VW cũng tụt dốc không phanh từ đó và đến khi scandal gian lận được hé lộ trong tháng 9 thì nó đã gần chạm đáy, chỉ còn khoảng 100 euro. Hôm 29/9, VW cũng bị loại khỏi danh sách những chỉ số ổn định của Dow Jones.

Nếu có một vụ scandal của một hãng nào đó có thể làm lung lay niềm tin vào sản phẩm “Made in Germany”, thì chỉ có thể là VW – vốn là niềm tự hào của nước Đức và người Đức. Đức là quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba thế giới trong đó ô tô là ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của nước này. Và VW chính là nhà sản xuất hàng đầu của ngành công nghiệp này.

Hơn thế, scandal này chỉ xảy ra vài tháng sau tai nạn kinh hoàng của Germanwings lấy đi mạng sống của 150 hành khách. Nhiều người lúc bấy giờ đã đặt câu hỏi tại sao một công ty của Đức lại có thể để xảy ra “lỗi kỹ thuật” nghiêm trọng như vậy?

Tuy nhiên, VW đang đi những bước đầu tiên để sửa chữa lỗi lầm và giữ lại niềm tin của khách hàng. Dù có khó khăn, nhưng Siemens đã làm được thì VW cũng sẽ làm được. Siemens đã thay đổi 80% nhân sự cấp cao và phương thức hoạt động ngay sau scandal hối lộ bị phát hiện. Siemens học được nhiều từ cú vấp ngã đó.

Người Đức bao năm nay tự hào về những giá trị của sự trung thực trong tài chính và kinh doanh của mình và họ biết mình phải làm gì để giữ niềm tự hào đó.

Có nhiều người đang đặt câu hỏi: liệu những vụ khủng hoảng thế này có làm xói mòn danh tiếng về chất lượng của các thương hiệu Đức khác như BMW, Daimler hay Bosch?

Không! Đó là câu trả lời của các chuyên gia. Niềm tin dành cho sản phẩm của Đức vẫn còn.

Theo P.THANH

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên