MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xung đột Trung - Nhật có những hệ lụy kinh tế như thế nào?

07-10-2012 - 15:00 PM | Tài chính quốc tế

Các cuộc xung đột thiên về yếu tố cảm xúc có thể châm ngòi cho những hành động gây nên hệ lụy tiêu cực cho bất cứ ai.

Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản nở rộ ở Trung Quốc bắt nguồn từ tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điều Ngư đã lắng xuống. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, dường như xung đột đang âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. 

Nếu xung đột xảy ra, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều sẽ gặp phải những điều bất lợi đối với nền kinh tế nếu như xung đột xảy ra. Thêm vào đó, cả 2 nước đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn về mặt chính trị. Trong khi Bắc Kinh đứng trước cuộc chuyển giao quyền lực 10 năm mới diễn ra 1 lần, Tokyo cũng đang bị xáo trộn trước thềm bầu cử. 

Quan hệ thương mại song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần trong suốt thập kỷ vừa qua, lên mức hơn 340 tỷ USD. Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản trong khi lượng vốn FDI mà Nhật đổ vào Trung Quốc cao gấp đôi so với lượng từ Mỹ và Hàn Quốc. Rõ ràng là, cả Trung Quốc và Nhật Bản sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nếu như các tranh chấp dẫn đến tình trạng mối quan hệ bị phá vỡ. Kéo theo đó, hoạt động sản xuất bị gián đoạn và các hành động tẩy chay bùng nổ. 

Lợi ích mà mỗi nước có thể thu về khi giành quyền kiểm soát 1 trong những bán đảo không có gì đáng chú ý không thể bù đắp lại được những thiệt hại mà quan hệ kinh tế bị gián đoạn gây ra. Tuy nhiên, nếu như sự hiếu chiến và tham vọng tranh giành quyền lực bị đẩy lên cao, các phép tính toán về kinh tế sẽ chuyển từ bảo vệ lợi ích chung sang đánh giá xem bên nào phải sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn. 

Sự hiện diện về mặt kinh tế của Nhật Bản ở thị trường Trung Quốc là hùng mạnh hơn so với chiều ngược lại. Các chuỗi cửa hàng Nhật Bản khá phổ biến và các cửa hàng bán lẻ của đất nước mặt trời mọc đang bán mọi thứ, từ xe hơi đến đồ điện tử. 

Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không xem xét chuyển sang sử dụng các sản phẩm có xuất xứ từ châu Âu hoặc các nước châu Á khác. Về khía cạnh này, Nhật Bản là nước dễ bị tổn thương trước các sự kiện thương mại đổ vỡ hay bị tẩy chay. 

Dẫu vậy, Trung Quốc cũng sẽ bị tổn thất – hầu hết những hàng hóa này được sản xuất ở các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc với lao động và nguyên vật liệu địa phương. Do đó, hệ quả tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hệ quả quan trọng nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến đà tăng trưởng kinh tế lại nằm ở vai trò chủ đạo của cả 2 trong mạng lưới sản xuất của toàn châu Á. Trong khi Trung Quốc là bộ mặt của mạng lưới này với vai trò "công xưởng" của thế giới, những hàng hóa tinh xảo nhất lại đến từ Nhật Bản.

Cả 2 nước đều dựa vào lợi thế cạnh tranh để chuyên môn hóa và đạt được mục tiêu qui mô kinh tế lớn. Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với phương Tây - được tạo ra bởi cấu trúc mạng lưới - điều đã gây nên tình trạng căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản mới chính là nước tạo ra phần lớn mức chênh lệch này, xét về khía cạnh giá trị thặng dư. 

Định giá chi phí tương đối mà 2 bên phải gánh chịu nếu như mạng lưới sản xuất trở thành địa điểm nổ ra tranh chấp phức tạp hơn nhiều. Nguyên nhân là do các nước khác cũng đang tham gia vào mạng lưới này và vai trò của họ đang ngày càng mạnh lên. Trung Quốc đang dần dần có được tiềm năng sản xuất ở cả phân khúc công nghệ thấp và công nghệ cao. 

Trong quá khứ, với lực lượng lao động dồi dào và lạc hậu về công nghệ, nước này có lợi thế hơn trong các khu vực thâm dụng lao động. Tuy nhiên, lương tăng nhanh, đồng nhân dân tệ lên giá và lực lượng lao động bị co hẹp khiến Trung Quốc buộc phải cạnh tranh ở những phân khúc cuối của chuỗi giá trị. Bằng cách cải tiến mạnh mẽ công nghệ và gia cố cơ sở hạ tầng, Trung Quốc ngày càng củng cố vị thế trong các lĩnh vực sản xuất đòi hỏi nhiều kỹ năng. 

Chi phí vận chuyển gia tăng cùng với tính chất phức tạp của chuỗi cung ứng cũng là những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp vốn trước đây thường thực hiện thuê ngoài đối với các linh kiện trở nên hòa nhập hơn với Trung Quốc. Khi những công ty Trung Quốc thiên về công nghệ (điển hình như Huawei) lớn mạnh, các mối liên kết nội địa cũng phát triển sâu rộng. 

Trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến quá trình gia công so với tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm khoảng 10 điểm phần trăm. Kết quả là, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản trong mạng lưới sản xuất chứ không còn là đối tác bổ sung như trước. 

Bối cảnh kinh tế và thương mại của khu vực cũng là nhân tố ảnh hưởng. 2 nước đang cạnh tranh quyết liệt để có thể thâm nhập vào nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của châu Á, từ khí hydrocarbon cho đến các kim loại cơ bản. 

Với vị thế là 1 nền kinh tế đã trưởng thành, tăng trưởng của Nhật Bản ít phụ thuộc vào tài nguyên hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nước này sẽ bị ảnh hưởng ít hơn. Trung Quốc gần như độc quyền về đất hiếm - yếu tố không thể thiếu đối với quá trình sản xuất các sản phẩm công nghệ cao của Nhật. 

Tất cả những điều trên nhắc nhở rằng các cuộc xung đột thiên về yếu tố cảm xúc có thể châm ngòi cho những hành động gây nên hệ lụy tiêu cực cho bất cứ ai. 

Minh Anh

huongnt

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên