Tai họa đến từ cuộc sống hiện đại mang tên: Dị ứng thực phẩm
Tổ tiên loài người không hề bị sốt mùa hè, cũng không phải khốn đốn bởi dị ứng thực phẩm. Ngày nay, con người lãnh đủ!
Theo lịch sử từ vựng tiếng Anh, khái niệm "dị ứng" (allergy) chỉ mới xuất hiện từ năm 1906. Và kể từ đó, số người mắc dị ứng thực phẩm tăng phi mã.
Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standards Agency) của Anh, hiện có khoảng 5-8% trẻ em và 1-2% người lớn bị dị ứng thực phẩm. Dành cho những ai chưa biết, con số đó tương đương với gần 1 triệu trẻ.
Hiếm trong quá khứ, nhưng ngày càng nhiều hơn
Mãi đến thế kỷ XIX, Anh mới biết đến cái gọi là sốt mùa hè (tên tiếng Anh là "hay fever"). Theo báo cáo của bác sĩ John Bostock, có quét cả vương quốc thời đó cũng chỉ ra được đúng 28 trường hợp mắc bệnh này.
Trước thập niên 1990, dị ứng đậu phộng ít đến nỗi gần như không hề có ghi chép nào đề cập đến. Trong bài viết năm 2015, Paul Turner cho rằng dù dị ứng có xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng chẳng hề có trường hợp nào tử vong.
Có điều, số lượng các ca dị ứng từ năm 1992 - 2012 đã tăng tới 615%. Và giờ thì cả việc bị dị ứng lẫn sốt mùa hè đều nhan nhản khắp các ngả, mà thậm chí còn được xét là một trong những mối nguy chết người.
Khi bác sĩ người Anh Katie Allen tiến hành theo dõi dị ứng thực phẩm ở 5300 trẻ em Australia, bà cứ nghĩ chỉ có khoảng 1/20 em bé dưới 1 tuổi bị mắc triệu chứng này là cùng. Nào ngờ con số lại nhiều gấp đôi, những 1/10 bé.
Sốt mùa hè thì khỏi nói. Ngay cả người lớn cũng còn đổ bệnh khi thời tiết chuyển sang nóng bức chứ đừng nói gì đến trẻ em.
Không liên quan đến nguyên nhân di truyền
Kết quả nghiên cứu DNA khẳng định, cả hai chứng bệnh bệnh sốt mùa hè và dị ứng đều không phải do di truyền. Điều này cũng có nghĩa là tổ tiên của chúng ta chẳng hề có lỗi gì trong việc con cháu của họ ngày nay có thể bị sốc phản vệ dẫn đến mất mạng vì dị ứng thực phẩm.
Theo các chuyên gia, sự gia tăng của dị ứng thực phẩm là do 3 nguyên nhân.
1. Chậm tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Hầu hết các bậc phụ huynh bây giờ đều quá cẩn trọng, dè dặt trong việc thay đổi thức ăn cho bé.
Tất nhiên, họ cũng chỉ lo nghĩ cho sức khỏe của con em mình thôi. Nhưng cẩn thận quá đôi khi lại phản tác dụng. Việc tập ăn thức ăn rắn muộn chỉ khiến các bé thêm khó làm quen, dễ trở nên kén ăn, để rồi có khả năng hình thành dị ứng.
Kết quả thử nghiệm của Giáo sư Gideon Lack từ ĐH King College London cho thấy: 17% trẻ em 5 tuổi không ăn đậu phộng đã bị dị ứng khi ăn thử. Còn với các bé cùng độ tuổi sớm nhấm nháp snack đậu phộng từ trước thì chỉ có 3% là bị dị ứng mà thôi.
2. Thiếu tiếp xúc với tự nhiên
Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, cơ thể con người đã buộc phải tiếp xúc với vố số vi khuẩn trong cùng môi trường sống. Tuy nhiên, nhờ được gần gũi với các động thực vật mà sinh thể non nớt này cũng sớm biết làm quen, sau đó hấp thụ vào đường ruột cả một đội quân lợi khuẩn.
Trải qua quá trình tiến hóa và chọn lọc (trong suốt hàng nghìn năm hòa mình giữa thiên nhiên), cơ thể con người cuối cùng cũng hình thành được một hệ miễn dịch hoàn hảo để sinh tồn.
Quá bao bọc trẻ là nguyên nhân dẫn đến dị ứng ngày càng tăng
Ấy thế nhưng chúng ta lại đột ngột ném cái thân thể vốn chỉ thích nghi với thiên nhiên trong lành ấy vào thành thị đầy rẫy bụi bẩn, ô nhiễm và chật chội. Bị "đổi chỗ" bất thình lình, hệ miễn dịch trở nên lúng túng. Nó có thể phân loại sai, nhầm tưởng các vi khuẩn vô hại trong đường ruột là có hại và ra tay hạ sát, dẫn đến trạng thái mất cân bằng.
Một khi đường ruột có vấn đề, dị ứng thực phẩm cũng rất dễ "viếng thăm".
3. Thiếu vitamin D do ít tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời
Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành tại Australia khẳng định: Trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với ánh nắng sẽ có khả năng bị dị ứng với trứng nhiều hơn trẻ hấp thụ đủ vitamin D tự nhiên gấp 3 lần, và với dị ứng đậu phộng là hẳn 11 lần.
Cái nắng gay gắt giữa lòng thành phố chỉ khiến chúng ta muốn chui ngay vào trong nhà. Hiện tượng thiếu hụt vitamin D vì thế trở nên rất phổ biến. Riêng với các em bé, sự thiếu hụt này càng đặc biệt lớn, vì mấy ai mà đủ gan để đem con ra phơi nắng ngoài trời.
Theo The Guardian
Helino