Tại sao 2G ở Việt Nam nhất định phải "chết"?
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết từ nay đến năm 2022, Việt Nam sẽ tắt sóng 2G. Với sự bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh và các dịch vụ kinh tế số, mạng 2G sẽ không được sử dụng nhiều. Trong khi đó, sóng 2G lại chiếm dụng, tiêu tốn tài nguyên về phổ tần quốc gia.
- 03-10-2019Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phương án sớm tắt sóng 2G đã được Bộ TTTT nghiên cứu
- 16-09-2018Quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu tư ra nước ngoài phải có tâm thế như nàng dâu về nhà chồng
- 13-09-2018Góc nhìn khác biệt về cách mạng 4.0 của Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng
- 20-11-2013Bộ trưởng Bộ TTTT: Tăng giá cước 3G là việc bình thường
Mạng viễn thông Việt Nam hiện đang tồn tại 3 công nghệ di động mặt đất gồm GSM – tức mạng 2G được triển khai từ năm 1990, IMT 2000 – 3G triển khai từ năm 2009 và LTE – A – tức 4G triển khai từ năm 2016. Mạng 5G, công nghệ mới nhất đang trong quá trình triển khai thử nghiệm.
Do vậy, Bộ Thông tin truyền thông cho rằng việc loại bỏ công nghệ cũ là cần thiết. Nếu quyết định này trở thành hiện thực, những chiếc điện thoại 2G – thường được gọi hài hước là điện thoại "cục gạch", sẽ không sử dụng được nữa.
Việc tắt 2G để phân bổ tần số vô tuyến điện, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng dữ liệu cao là việc đã được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Cách đây hơn 2 năm, Singapore, một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới đã quyết định tắt 2G để phân bổ lại nguồn lực hạ tầng, tương tự như quyết định của Nhật Bản, Hàn Quốc… trước đó.
Thời điểm công bố đưa ra thông tin về việc dừng phát sóng 2G ở Singapore, tờ South China Morning Post cho biết người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi có thể là người dân lao động nhập cư ở thành phố, những người dựa vào điện thoại 2G giá rẻ để liên lạc với gia đình ở quê nhà.
Đại diện của Transient Workers Count Too, nhóm hoạt động vì phúc lợi lao động cho người nhập cư đã yêu cầu các công dân, tổ chức tặng điện thoại 3G cũ để giúp đỡ những người lao động bị ảnh hưởng.
Không chỉ với những người thu nhập thấp, người già ở Singapore thời điểm đó cũng lo lắng về việc 2G bị ngắt sóng. Tan Ah Phong – 80 tuổi cho biết nhu cầu của ông đối với điện thoại chỉ là nghe nói. Những chiếc smartphone sỡ hữu hàng loạt chức năng khiến ông cảm thấy quá rắc rối.
Tuy nhiên, những điều này không thể ngăn cản được làn sóng thay đổi. 2G buộc phải "chết".
Tài nguyên băng tần có hạn. Ví dụ với việc xây cất một ngôi nhà, đất là tài nguyên không thể thiếu, vậy trong viễn thông, việc triển khai một nhà mạng bất kỳ đều cần phải được cấp phát một lượng tài nguyên băng tần nhất định.
Mặt khác, càng là những công nghệ mới thì hiệu quả sử dụng tài nguyên lại càng lớn hơn so với cái cũ. Tuy nhiên, mức cải thiện hiệu quả là hữu hạn, trong khi nhu cầu người dùng lại là vô hạn. Chính vì vậy bên cạnh việc triển khai mạng 4G, nhà mạng vẫn luôn tìm cách để có thêm băng tần để dung lượng hệ thống có thể đáp ứng nhu cầu người dùng ở mức tốt nhất.
Trong khi không còn tài nguyên tần số hoặc các công nghệ mới chưa hoạt động được ở những tần số còn "rỗi" thì cách đơn giản nhất để có thêm băng tần chính là ngắt sóng các mạng di động thế hệ trước nếu như hiệu quả khai thác các mạng này không còn cao.
Bên cạnh đó, các băng tần được cấp phát cho mạng 2G, 3G trước đó đã được chứng minh là những băng tần "lý tưởng" với lĩnh vực di động. Nhiều nghiên cứu và thử nghiệm thực tế cho thấy nó đem lại lợi ích cao hơn nhiều so với những băng tần khác (về chi phí, về độ rộng vùng phủ...) khi được sử dụng để triển khai 4G. Hầu hết các thiết bị đầu cuối cầm tay của người dùng hiện nay đều hỗ trợ băng tần này nên không phát sinh các vấn đề liên quan tới tương thích giữa mạng và thiết bị.
Như vậy, sóng 2G ở Việt Nam sẽ rất khó chống lại xu thế này. Dù vậy, ở nhiều nơi trên thế giới, 2G vẫn sống ổn. Theo dự báo, đến năm 2021, 2G vẫn sẽ chiếm khoảng 11% tổng số thuê bao di động trên toàn thế giới - chủ yếu ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh nhờ vào giá cả phải chăng, độ bền và thời lượng pin của điện thoại 2G.