Tại sao Bộ Tài chính không đề xuất miễn thuế cho doanh nghiệp vừa mà chỉ đề cập đến doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?
Việc chọn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để giảm thuế nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính.
- 14-05-2019“Việt Nam sẽ hưởng lợi nhất từ chuyển hướng đầu tư do chiến tranh thương mại”
- 13-05-2019Khiến "người tiêu dùng thiệt hơn lợi", Hiệp hội Xăng dầu đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
- 12-05-2019Quyết tâm chống rác thải nhựa, tỉnh này quyết định nói không với nước uống đóng chai, túi ni lông, khăn lau... sử dụng một lần nơi công sở
Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4/2019 đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về việc xây dựng đề án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Chia sẻ trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế đã làm rõ một số nội dung.
Thứ nhất, đề án hướng đến 4 mục tiêu, gồm:
-Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu hướng phát triển.
-Đảm bảo các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng để đạt được mục tiêu về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của ngân sách nhà nước (NSNN);
-Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan;
-Đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế.
Nguyễn Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế
Thứ hai, ông Hưng giải đáp lý do tại sao đối tượng được nhắc đến trong Nghị quyết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thay vì bao gồm luôn cả doanh nghiệp vừa.
"Việc này nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải", ông nói.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệ.
Do đó, ông Hưng cho biết nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả nhóm doanh nghiệp vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển.
Đồng thời, theo ông, có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong khi nhóm doanh nghiệp vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay.
Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu NSNN hơn 19.500 tỷ mỗi năm.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng doanh nghiệp để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi tràn lan, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi tập trung dành cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ ba là về mức thuế TNDN. Đề án sẽ áp dụng mức thuế suất ưu đãi tương ứng là 17% và 15% cho các đối tượng gồm:
- Áp dụng thuế suất 15% đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
- Áp dụng thuế suất 17% đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 02 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Ngoài ra, nhằm vừa đơn giản trong quản lý và hạn chế tối đa vướng mắc phát sinh, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ theo nguyên tắc doanh nghiệp siêu nhỏ phải thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập.
Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động sản xuất, kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ.
Với quy định này, doanh nghiệp siêu nhỏ (đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập mới từ hộ kinh doanh) vẫn có thể áp dụng phương pháp tính thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu (hiện hành cũng đang được áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu) nếu không thể xác định được thu nhập. Trường hợp xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập thì phải thực hiện tính thuế TNDN theo phương pháp xác định thu nhập.