Tại sao các tập đoàn như VinGroup, Viettel, CMC… lại mạnh tay rót tiền cho startup công nghệ?
Quỹ đầu tư mạo hiểm công ty (corporate ventures capital) được xem là hình thức được các công ty ứng dụng nhiều khi hợp tác với startup để tạo ra những đột phá.
- 09-06-2019Nhìn về dấu hiệu tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhiều năm sau 5 tháng 2019
- 09-06-2019'Nhiều công ty Việt sẽ bị nhà đầu tư Trung Quốc thôn tính'
- 09-06-2019Trung Quốc làm thế nào để mở "đường thông hè thoáng" cho đầu tư mạo hiểm vào startup?
Cái bắt tay giữa cộng đồng startup với các tập đoàn lớn đã không còn là điều xa lạ ở trên thế giới. Về phía doanh nghiệp khởi nghiệp, họ được hưởng nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của các tập đoàn như vốn, kinh nghiệm quản trị… Ở chiều ngược lại, các tập đoàn sẽ nhận được mô hình kinh doanh tiềm năng, mở rộng khả năng tiếp cận và đáp ứng khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ mới và các startup đang phát triển.
Tại Việt Nam, một số tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, CMC, FPT… cũng đã thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Bà Thái Vân Linh, CEO Vingroup Ventures cho biết quy mô của Quỹ khoảng 100 triệu USD với các khoản đầu tư trung bình từ 5 – 10 triệu USD. Ngoài tài trợ vốn, VinGroup Ventures còn giúo cho các công ty khởi nghiệp được đầu tư tiến lên top đầu bằng cách mở cửa hệ sinh thái của Vingroup với doanh nghiệp, giúp họ thử nghiệm sản phẩm.
Ngoài Vingroup Ventures, Tập đoàn này còn có VinTech Fund (Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech) và VinGroup Innovation Foundation (Quỹ đổi mới sáng tạo VinGroup – VINIF).
Với VinTech Fund, những dự án được lựa chọn với kỳ vọng sẽ tạo ra công nghệ có hàm lượng nghiên cứu, có tính sáng tạo, có khả năng thương mại hoá. Mức tài trợ cho mỗi đề tài nghiên cứu nếu được duyệt sẽ được cấp số tiền lên đến 10 tỷ đồng.
Còn với VINIF, quỹ này được thành lập với chức năng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo ra những thay đổi tích cực bền vững cho Việt Nam. Các dự án được tài trợ sẽ liên quan đến lĩnh vực như khoa học máy tính, AI, robotics…
Với Viettel, trong đoạn phim được chiếu nhân lễ kỷ niệm 30 năm của Tập đoàn này, những người Viettel có nhắc đến một thách thức. Đó là việc quy mô của Viettel quá lớn trong khi thị trường chuyển động đang ngày một nhanh chóng. Bởi vậy, không có một cách nào khác là Viettel phải hợp tác với các công ty nhỏ hơn, sáng tạo nhanh hơn. Việc đẩy mạnh hợp tác này sẽ giúp cho Tập đoàn năng động, thích ứng nhanh hơn với xu thế.
Năm 2016, khi trả lời tờ Dealstreet Asia, ông Lê Đăng Dũng, khi đấy còn là Phó TGĐ Viettel đã nói đến điều này và hé lộ việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên rót vốn cho các startup của nước ngoài. Theo ông, việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp như một thực tế không thể tránh khỏi khi một doanh nghiệp phát triển và cần phải đa dạng hóa để tìm đà tăng trưởng mới.
Nền tảng của sự hợp tác đến từ việc các startup đang sử dụng cơ sở hạ tầng mạng để phát triển các sản phẩm. Ngoài ra Viettel cũng có thể mua lại một số startup nếu những người sáng lập đồng ý.
Năm 2017, Tập đoàn này đã hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thông qua cuộc thi Vietnam IoT Hackathon với các giải thưởng gần 600 triệu đồng.
Gần đây, Tập đoàn này đã công bố khởi động cuộc thi giải pháp sáng tạo đột phá với mùa giải Viettel 2019 (Viettel Advanced Solution Track 2019). Tương tự như ý tưởng thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm trả lời Dealstreet Asia, sân chơi của Viettel không có biên giới khi mở rộng đối tượng dự thi cả trong lẫn ngoài nước nhằm tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp đột phá, kết hợp với sức mạnh viễn thông để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tầm cỡ quốc tế.
Tập đoàn CMC cũng đã thành lập CMC Innovation Fund (Quỹ sáng tạo CMC – CIF) với mục đích tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Quỹ có quy mô 50 tỷ đồng, hàng năm CMC sẽ trích tối thiểu 10% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh Tập đoàn vào quỹ. CIF được hoạt động theo mô hình đầu tư mạo hiểm.
Các dự án được quỹ hướng đến thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ mới như: internet vạn vật, dữ liệu lớn, AI…
Hình thức quỹ đầu tư mạo hiểm công ty (corporate ventures capital – CVC) hiện được các công ty ứng dụng nhiều nhất trong các hình thức hợp tác với startup để tạo ra những đột phá.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa quỹ đầu tư mạo hiểm công ty và các quỹ đầu tư mạo hiểm thông thường đó là những khoản đầu tư mang tính chiến lược, việc hợp tác giữa startup và công ty lớn phải dựa trên tinh thần đôi bên cùng tạo ra giá trị cho nhau và mang tính cộng hưởng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động nghiên cứu sáng tạo của công ty nếu đặt hàng ở bên ngoài dưới dạng hợp tác với startup sẽ có nhiều lợi thế hơn về hoạt động tinh gọn. Còn đối với startup, việc hợp tác với với các doanh nghiệp sẽ giúp họ rút ngắn thời gian chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường. Các công ty lớn này cũng có thể trở thành khách hàng tiềm năng đối với sản phẩm do các startup làm ra.
Unilever Foundry dự đoán đến năm 2020, mối quan hệ với startup sẽ trở thành một phần không thể thiếu đối với các tập đoàn. Theo khảo sát của đơn vị này, 79% doanh nghiệp và 78% startup nói rằng muốn hợp tác với nhau nhiều hơn trong tương lai.