MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao có nghịch lý: Lương tăng nhưng người lao động phập phồng bất an?

"Lương tăng kéo theo tiền đóng BHXH, phí công đoàn leo thang, chưa kể giá có ăn uống, tiền nhà cũng tăng theo", công nhân Nguyễn Thj Nhuệ nói và bộc bạch về chuyện tăng lương.

Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 từ 150.000-240.000 đồng/tháng tùy theo từng vùng, tương đương với 5,5% so với năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng lên. Thế nhưng người lao động vẫn không mặn mà đón nhận tin này.

Nỗi lo từ tiền lương tăng 

"Lương tăng kéo theo tiền đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cũng sẽ leo thang. Chưa kể, giá cả ăn uống, tiền nhà cũng sẽ tăng theo. Giống như nước lên thì thuyền lên vậy. Tăng thêm được mấy trăm nghìn đồng một tháng nhưng tính ra chúng tôi không nhận được bao nhiêu, vẫn phải tăng ca may ra mới dư được chút ít phòng khi đau ốm", công nhân Nguyễn Thị Nhuệ, 28 tuổi, làm việc tại KCN Bình Tân nói. 

Ở 2 lần tăng lương trước, Nhuệ nói nằng kinh tế gia đình không hề bớt khó khăn. Nếu không làm đủ 10 tiếng/ngày, thu nhập của cặp vợ chồng này chưa đến 9 triệu đồng/tháng. Nhuệ nói rằng phải rất tằn tiện mới có tiền gửi về quê cho 2 đứa nhỏ đang nhờ ông bà trông giúp. 

"Những tháng ốm đau hoặc hàng ít, không được tăng ca, vợ chồng phải đi vay mượn mới có tiền gửi cho con", Nhuệ tâm sự. 

Tâm lý của Nhuệ không phải trường hợp cá biệt. Nhiều công nhân ở khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) cũng tương tự. Họ phản ánh rằng thu nhập cuối cùng của người lao động không hề tăng, dù mang tiếng được tăng lương. Thậm chí, một số người còn lo lắng vì lương tăng sẽ khiến cho công ty tìm cách cắt giảm các khoản phụ cấp, yêu cầu người lao động tăng năng suất hoặc hạ giá tiền công trên mỗi sản phẩm.

"Chuyện này đã từng xảy ra vào năm 2018, khi đó tôi làm công nhân ở một công ty may ở Bình Dương, ăn lương theo sản phẩm. Nghe lương tối thiểu tăng vài trăm ngàn đồng chưa kịp mừng thì công ty đã hạ tiền công xuống",  Diễm Quỳnh, 23 tuổi, công nhân một nhà máy linh kiện điện tử ở Bắc Ninh kể.

Nhiều công nhân khi được hỏi cũng cho hay, họ không kỳ vọng nhiều vào mức tăng lương tối thiểu vào năm tới. Thực tế, dù lương tối thiểu liên tiếp tăng trong những năm qua nhưng công nhân vẫn phải rất dè sẻn mới đủ trang trải các nhu cầu sinh hoạt cơ bản như ăn ở. Để có tiền tích luỹ và chăm sóc bố mẹ, con cái, hầu hết đều phải làm thêm ngoài giờ, bất chấp sức khoẻ giảm sút.

Kết quả nghiên cứu của Oxfam năm 2018 cho biết có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng.  Đặc biệt, có 23% công nhân đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa. 

Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cho biết các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập. Đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc.

Cần khái niệm mới về lương đủ sống 

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động nhận định dù lương tối thiểu tăng nhưng vẫn phải chạy theo mức sống tối thiểu. Tình trạng tiền lương thấp đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng đói nghèo. Mức lương không đủ sống cũng khiến người lao động bị bần cùng hóa, buộc họ phải làm thêm giờ dẫn đến những tổn hại về sức khỏe và các mối quan hệ gia đình.

Bà Chi cho rằng, thay vì hoạch định chính sách tiền lương bằng lương tối thiểu như nhiều năm nay, Việt Nam cần tiếp cận bằng một khái niệm khác là "lương đủ sống". Lương đủ sống được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khuyến nghị là khoản lương người lao động nhận được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (với Việt Nam tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải các mức sống cơ bản cho họ và gia đình họ. Cấu phần của lương đủ sống cũng được tính dựa trên mức sống này. Mức lương ấy không chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản về lương thực thực phẩm, nơi ở mà còn phải tính đến các nhu cầu khác như: giáo dục, y tế, giải trí, tích luỹ…

"Phải trả bằng mức lương đủ sống, người lao động mới thoát được vòng đói nghèo, chất lượng công việc và năng suất mới có thể tăng lên", bà Chi giải thích.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định Hội đồng tiền lương quốc gia cần phải xem lại những hệ quả sau khi tăng lương tối thiểu trong những năm qua: người lao động thực sự được hưởng bao nhiêu, doanh nghiệp phải chi bao nhiêu, năng suất lao động như thế nào…, từ đó có cơ sở điều chỉnh lương một cách hợp lý.

Cũng theo bà Lan, tăng lương tối thiểu không những không giải quyết được bài toán thoát nghèo cho công nhân mà còn khiến cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thêm khó khăn. Bà Lan cho rằng, cơ chế tiền lương nên được dựa trên thoả thuận riêng giữa doanh nghiệp và người lao động thông qua các đại diện, chứ không phải dựa trên cơ sở lương tối thiểu như hiện nay.

Thu Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên