Tại sao hơn 10.000 kiện hàng, container tại sân bay, cảng bị "bỏ quên" hơn 3 tháng chưa ai nhận?
Số lượng kiện hàng và container vô chủ không hề nhỏ, gây ảnh hưởng đáng kể đến việc giải phóng mặt bằng để phục vụ hoạt động kinh doanh.
- 28-11-2019Việt Nam dự kiến đạt 104 triệu dân năm 2030
- 28-11-2019Nikkei: Việt Nam đuổi sát nút Singapore trong cuộc đua không tiền mặt, VNPay dẫn đầu về khả năng huy động vốn
- 27-11-2019Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau “rừng trọc, biển cạn”, nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi?
Cục Hải quan TP.HCM thống kê: đến ngày 15/11/2019, hàng tồn đọng tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay, bưu điện thành phố này có hơn 11.000 lô hàng, bao gồm hơn 2.900 container và gần 9.000 kiện hàng hóa nhập khẩu về các cửa khẩu cảng biển, sân bay và bưu điện nhưng chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục nhận hàng.
Nhiều nhất là tại cảng Cát Lái với 2.778 container và trên 300 kiện hàng rời không chủ hàng nào đến nhận. Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, số hàng hóa trên nhập khẩu về cảng Cát Lái hơn 3 tháng nhưng chủ hàng chưa xuất hiện làm thủ tục nhận hàng.
Tại các kho hàng thuộc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất còn tồn gần 2.300 kiện hàng nhập khẩu gửi qua đường hàng không. Số lượng kiện hàng và container vô chủ không hề nhỏ, gây ảnh hưởng đáng kể đến việc giải phóng mặt bằng để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Cục Hải quan TPHCM chỉ ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn đọng hàng tại cảng, bao gồm: hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; hàng tạm nhập tái xuất hoặc bị cơ quan điều tra yêu cầu giữ lại; doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu nhưng chưa xin được giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường để nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Theo The Guardian, từ tháng 1 đến tháng 11/2018, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 443.600 tấn phế liệu nhựa, đứng 3 trên thế giới. Đối với rác phế liệu, Bộ Tài nguyên Môi trường đã được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất giải pháp xuất trả phế liệu nhựa nhập khẩu theo hướng như Malaysia, Philippines thực hiện.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 xác định, nhiều container tồn đọng tại các cảng là rác phế liệu. Dù vậy để xử lý cũng không hề dễ dàng. Các cơ quan hải quan đã buộc các hãng tàu chở khỏi lãnh thổ Việt Nam nhưng các hãng tàu cho biết: không ai cho chở "rác" vào quốc gia của họ.
"Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông Vận tải rà soát các quy định pháp luật và công ước quốc tế có liên quan để đề xuất phương án tái xuất toàn bộ lô hàng phế liệu không đáp ứng yêu cầu", Bộ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan về việc giải quyết những bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu.
Hiện Cục Hải quan TP.HCM đã chỉ đạo các chi cục hải quan phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kho, cảng thống kê, phân loại hàng tồn đọng, xử lý theo quy định, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, cảng đang hoạt động cao điểm mùa cuối năm.
Ví dụ như, Cục sẽ đăng thông tin tìm kiếm chủ doanh nghiệp đến nhận hàng (quá 60 ngày kể từ ngày thông báo thì Hội đồng xử lý hàng tồn đọng thuộc Cục Hải quan TPHCM sẽ xử lý theo quy định của Bộ Tài chính).
Cục cũng có thể chấp thuận cho doanh nghiệp hoặc hãng tàu được tái xuất lô hàng trong thời gian ngắn và thanh toán các chi phí liên quan (kiểm kê hàng hóa, vận chuyển…). Trong trường hợp doanh nghiệp hay hãng tàu muốn tiêu hủy lô hàng cũng sẽ được chấp thuận, với điều kiện tự chịu mọi chi phí tiêu hủy và phải ký hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện tiêu hủy, tránh gây ô nhiễm môi trường dưới sự giám sát của Hội đồng tiêu hủy.