MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao IMF khuyến nghị Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP?

Tại sao IMF khuyến nghị Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP?

IMF từng hỗ trợ Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, kết quả sau đánh giá lại, GDP tăng bình quân 25,4% mỗi năm so với trước đó.

Gần nhất, IMF ước tính, quy mô GDP 2020 của Việt Nam đạt 340,8 tỷ USD (theo báo cáo tháng 4/2021).

Trong lần sang hỗ trợ vào năm 2019, ông Robert Dippelsman, Phó Trưởng phòng thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho hay, IMF muốn Việt Nam có thể nắm bắt được tất cả các số liệu thống kê liên quan đến các doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài, mà trước đây có thể trong quá trình thống kê về GDP chưa tính được hết và chưa cập nhật được đầy đủ những số liệu này, để đảm bảo bao phủ 100% toàn bộ những hoạt động kinh tế ở Việt Nam.

Ông Robert cũng cho rằng, hiện nay việc rà soát, cập nhật số liệu thống kê về GDP là một việc làm bình thường. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển và có tốc độ thay đổi nhanh như Việt Nam thì việc thống kê và rà soát lại GDP là rất cần thiết.

Tại sao IMF ba lần khuyến nghị Việt Nam tính lại GDP? - Ảnh 1.

Đối với Việt Nam vấn đề lớn nhất chính là sự thay đổi rất nhanh về cơ cấu kinh tế, với nền kinh tế mới và đang phát triển, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Ngoài ra, kinh tế hộ gia đình cũng rất khó để có thể nắm bắt được số liệu thống kê một cách kịp thời và đầy đủ.

Trong khuyến nghị được đưa ra vào quý I/2021, IMF đã chỉ rõ, việc loại trừ một số hoạt động sẽ dẫn đến ước tính thiếu quy mô của nền kinh tế, có thể làm sai chệch tốc độ tăng trưởng GDP, và gây trở ngại cho so sánh quốc tế. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành dịch vụ và thành tố phi chính thức của ngành này khiến Tổng cục Thống kê gặp nhiều thách thức trong công tác đo lường. Vì vậy, IMF sẽ hỗ trợ Việt Nam thống kê tài khoản quốc gia toàn diện thêm một lần nữa.

Tới đây, các kết quả từ cuộc tổng điều tra kinh tế, dự kiến tiến hành trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8/2021, sẽ bao trùm các hoạt động phi chính thức. Các kết quả tổng điều tra sẽ là đầu vào quan trọng để cải thiện độ bao phủ đối với các hoạt động kinh tế.

Theo Báo cáo Đoàn công tác Thống kê tài khoản Quốc gia, trong quý I/2021, IMF đã khuyến nghị Tổng cục Thống kê Việt Nam các vấn đề đáng chú ý sau:

Báo cáo Đoàn công tác Thống kê tài khoản Quốc gia là ý kiến cố vấn kỹ thuật do cán bộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp cho các cơ quan chức năng Việt Nam.

(1) Thay đổi năm gốc cố định (giá so sánh 2010) sang năm gốc liên hoàn

Về việc thay đổi năm gốc cố định, theo IMF, năm gốc hiện tại 2010 cần được cập nhật để phản ánh những thay đổi cơ cấu gần đây. Năm 2020 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,91% về khối lượng so với năm 2019, nhưng tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 sẽ gây ra hình thái bất thường trong tài khoản quốc gia.

IMF nêu rõ: "Năm 2020 sẽ không mang tính đại diện và khuyến nghị chung là không nên sử dụng một năm có nhiều đặc điểm bất thường để làm gốc so sánh vì các quyền số của năm đó sẽ không mang tính đại diện".

Tại sao IMF ba lần khuyến nghị Việt Nam tính lại GDP? - Ảnh 3.

Do các chương trình thu thập dữ liệu và kế hoạch dài hạn đã được triển khai hoặc đang diễn ra rồi nên việc hoãn chuyển đổi năm gốc so sánh sẽ là điều không mong muốn. Việc sử dụng các chỉ tiêu khối lượng dựa trên gốc liên hoàn sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra những méo mó đối với các chỉ tiêu khối lượng trong tương lai vì, nhờ vào cấu trúc thiết kế, các chỉ tiêu khối lượng dựa trên gốc liên hoàn sẽ cập nhật cơ cấu kinh tế hàng năm – khác với phương pháp luận hiện nay dựa trên gốc cố định. 

Đặc điểm này sẽ khắc phục những hàm ý tiêu cực của việc sử dụng 2020 làm năm gốc so sánh mới. Tuy nhiên, việc áp dụng gốc liên hoàn cũng đem lại những thách thức biên soạn đáng kể và nhiều thay đổi quan trọng đối với người dùng số liệu. Do đó, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nên được lập kế hoạch phù hợp. Dự kiến việc chuyển đổi năm gốc so sánh sẽ hoàn tất vào năm 2023.

(2) Cải thiện mức độ bao phủ đối với các hoạt động kinh tế không quan sát được

Theo IMF, trong khi một số hoạt động như nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ vận tải, dịch vụ thương mại thường có cấu phần không quan sát được khá lớn, những hoạt động kinh tế mới nổi lên liên quan đến việc sử dụng các nền tảng số—như các ứng dụng gọi xe, hoặc lưu trú như Airbnb - cũng sẽ cần phải lưu tâm.

Tại sao IMF ba lần khuyến nghị Việt Nam tính lại GDP? - Ảnh 4.

Đặc biệt, IMF cho rằng cần chú ý đến các hoạt động kinh tế đang tăng trưởng nhờ những nền tảng số. Việc biên soạn các bảng nguồn và sử dụng, bảng cân đối liên ngành sẽ hỗ trợ đáng kể trong cải thiện chất lượng chung của gốc so sánh mới 2020 và đặc biệt trong nhận diện, khắc phục những khoảng trống dữ liệu liên quan đến các hoạt động không quan sát được.

(3) Cải thiện việc phổ biến dữ liệu và siêu dữ liệu

Ví dụ, phần siêu dữ liệu sẵn có bằng tiếng Anh chỉ cung cấp khái quát chung về hệ thống tài khoản quốc gia. Các chỉ tiêu thống kê kinh tế có tính thường kỳ và kịp thời nên được xây dựng. IMF tiếp tục theo dõi việc xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng tháng – hoạt động được khởi xướng hồi tháng 3/2019.

(4) Xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng tháng

IMF cho biết sẽ nghiên cứu các phương án lựa chọn để hỗ trợ kỹ thuật tiếp theo sau hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã cung cấp năm 2019. 

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia thường có các cập nhật báo cáo dữ liệu sớm nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có các báo cáo kinh tế xã hội hàng tháng, báo cáo tăng trưởng kinh tế hàng quý, mà chưa có báo cáo tăng trưởng kinh tế hàng tháng. 

IMF khuyến nghị TCTK Việt Nam cần xây dựng thêm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế hàng tháng để cung cấp đa dạng thông tin hơn. IMF sẽ nghiên cứu các phương án lựa chọn để giúp TCTK Việt Nam xây dựng chỉ tiêu này, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ cho việc cải thiện các chỉ tiêu kinh tế hàng quý hiện có.

Thái Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên