MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao máy bay Nhật Bản không phát nổ dù bốc cháy dữ dội sau va chạm?

04-01-2024 - 06:22 AM | Tài chính quốc tế

Sau khi tất cả 379 người thoát khỏi chiếc máy bay Japan Airlines đang bốc cháy sau vụ va chạm tại sân bay Haneda (Nhật Bản), các chuyên gia đã tìm hiểu xem những người này đã thoát ra ngoài như thế nào mà hầu như không hề hấn gì. Họ cho rằng mức nhiên liệu thấp có thể đã ngăn máy bay phát nổ.

Tại sao máy bay Nhật Bản không phát nổ dù bốc cháy dữ dội sau va chạm? - Ảnh 1.

Máy bay chở khách của Hãng hàng không Japan Airlines sau vụ va chạm tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 3/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo tờ The Guardian, vào khoảng 5 giờ 45 chiều tối 2/1, chuyến bay 516 của Japan Airlines đã va chạm với một máy bay tuần duyên khi hạ cánh xuống sân bay Haneda ở Tokyo.

Chiếc máy bay Airbus A350-900 này đã bị lửa nhấn chìm nhưng điều quan trọng là đã không phát nổ khi va chạm. Lửa nhanh chóng lan rộng khắp máy bay và phải đến 8 giờ 30 phút tối, tức gần ba giờ sau cú va chạm ban đầu, cơ quan chức năng mới dập tắt được lửa trên máy bay.

Chiếc máy bay này được làm từ vật liệu tổng hợp sợi carbon dễ cháy, nhưng các chuyên gia không chú trọng vào vật liệu này mà để ý tới quá trình chiếc A350 này cháy, coi đây là một hiện tượng tương đối mới trong ngành hàng không.

Theo Tiến sĩ Sonya Brown, giảng viên cao cấp về thiết kế hàng không vũ trụ tại khoa kỹ thuật cơ khí và sản xuất của Đại học New South Wales, mặc dù thế hệ máy bay chở khách đầu tiên trong thế kỷ 20 được chế tạo chủ yếu từ kim loại, nhưng dần dần, các kỹ sư hàng không ngày càng tăng tỷ lệ vật liệu tổng hợp sợi carbon để giảm trọng lượng và tăng hiệu quả.

Tại sao máy bay Nhật Bản không phát nổ dù bốc cháy dữ dội sau va chạm? - Ảnh 2.

Máy bay thương mại của hãng hàng không Japan Airlines bốc cháy dữ dội sau vụ va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, tại sân bay Haneda ở Tokyo, tối 2/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Khoảng 50% máy bay A350 được làm từ polyme gia cố bằng sợi carbon mà bà Brown cho rằng đây là một trong những tỷ lệ cao nhất từng được áp dụng để sản xuất máy bay. Cánh và thân máy bay là một số cấu trúc lớn nhất trên máy bay được làm từ vật liệu tổng hợp. Nhôm, thép và titan vẫn được sử dụng nhưng ở mức độ thấp hơn.

Bà Brown nói: “Rõ ràng các vật liệu này ảnh hưởng đến vụ cháy và mặc dù chúng tôi không biết chi tiết cụ thể của các loại nhựa được sử dụng trên máy bay trong sự cố này, nhưng chúng sẽ mất kết cấu, giảm độ dày ở nhiệt độ thấp hơn nhôm”.

Bà Brown cho biết đoạn video cho thấy ngọn lửa ban đầu nằm ở cánh trái của máy bay và đám cháy nghiêm trọng đến mức một chiếc máy bay có thân bằng kim loại cũng có thể bốc cháy.

Bà nói: “Vật liệu tổng hợp sợi carbon có thể bắt đầu giảm độ cứng ở khoảng 200 độ C, trong khi nhôm sẽ nóng chảy ở khoảng 700 độ C, nhưng ngọn lửa mà chúng tôi thấy trên thân máy bay lúc đó phải lên tới nhiệt độ trên 1.000 độ C”. Theo bà Brown, dù làm bằng vật liệu gì thì cũng không thay đổi kết quả của vụ cháy.

Bà Brown lưu ý rằng ngọn lửa đã dừng lại đủ lâu ở cánh trái để mọi người có thể sơ tán hết. Điều này có thể nhờ tường lửa làm bằng vật liệu mà nó chỉ cháy ở nhiệt độ cao hơn nhiều, nhờ đó ngăn ngọn lửa lan sang các khu vực như động cơ và thùng nhiên liệu.

Tại sao máy bay Nhật Bản không phát nổ dù bốc cháy dữ dội sau va chạm? - Ảnh 3.

Máy bay chở khách của Hãng hàng không Japan Airlines sau vụ va chạm tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 3/1/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Mặc dù phi hành đoàn phải được huấn luyện để sơ tán tất cả hành khách trong 90 giây, nhưng việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn do không thể sử dụng các cửa phía trên cánh.

Khi những người trên máy bay đã sơ tán hết, cường độ của ngọn lửa phần lớn phụ thuộc vào những gì máy bay chở.

Bà Brown phân tích: “Tôi nghĩ chúng ta thấy điều này với rất nhiều đám cháy, phải mất một thời gian rất dài để kiểm soát. Không chỉ vật liệu của máy bay, còn có pin, hệ thống điện, hành lý và hàng hóa khác có thể chứa bất cứ thứ gì trong đó cũng có thể bị cháy”.

Bà Brown cho biết lượng nhiên liệu tương đối thấp mà máy bay còn lại khi hạ cánh có thể đã giảm thiểu cường độ của đám cháy và ngăn ngừa một vụ nổ xảy ra.

Ông Neil Hansford, nhà tư vấn ngành tại công ty Giải pháp Hàng không Chiến lược, cho biết máy bay thương mại có xu hướng hoạt động chỉ với lượng nhiên liệu cần thiết cho một chuyến đi, cộng thêm 10% làm dự phòng, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

Ông Hansford nói: “Quy tắc của ngành là luôn mang theo đủ nhiên liệu cho chuyến đi, cộng thêm 10%, đủ để đưa máy bay đến sân bay khác theo kế hoạch chuyến bay. Sân bay dự phòng có thể là Narita (Tokyo) trong trường hợp này”.

Theo ông Hansford, vỏ máy bay dù làm bằng vật liệu gì thì cũng sẽ dần cháy hết khi gặp hỏa hoạn như máy bay ở sân bay Haneda, nhưng bên trong máy bay được thiết kế để ngăn ngọn lửa lan rộng càng lâu càng tốt để cho phép sơ tán an toàn.

Trong khi đó, ngày 3/1, nhà chức trách Nhật Bản đã bắt đầu điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ va chạm máy bay nói trên. Ủy ban an toàn giao thông Nhật Bản (JTSB) đang tiến hành kiểm tra mảnh vỡ máy bay.

Xem video khoảnh khắc xảy ra vụ va chạm khiến máy bay của Japan Airlines bốc cháy trên đường băng ngày 2/1 (Nguồn: AP)

Trước đó, hãng sản xuất máy bay Airbus cho biết đã cử một nhóm chuyên gia đến Nhật Bản để hỗ trợ công tác điều tra. Trong thông cáo báo chí, Airbus cho biết sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Cục Điều tra và phân tích an toàn hàng không dân dụng (BEA) của Pháp và Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản (JTSB) phụ trách điều tra. Airbus cho biết chiếc máy bay JAL được bàn giao vào tháng 11/2021.

Theo cảnh sát Nhật Bản, vụ va chạm giữa 2 máy bay trên xảy ra vào chiều 2/1. Toàn bộ 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay Airbus mang số hiệu A350 của JAL đã được sơ tán an toàn, không ai bị thương nguy hiểm đến tính mạng sau khi chiếc máy bay này bốc cháy. Tuy nhiên, 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã thiệt mạng. Cơ trưởng đã thoát khỏi máy bay và bị thương nặng.

Theo người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển, ông Yoshinori Yanagishima, khi xảy ra vụ va chạm, máy bay của lực lượng này đang di chuyển trên đường băng để vận chuyển hàng cứu trợ cho các khu vực bị động đất mạnh ở tỉnh Niigata. Vụ việc đã khiến cả hai máy bay bốc cháy.

Ngay sau vụ va chạm, sân bay Haneda đã đóng cửa toàn bộ 4 đường băng khiến nhiều hãng hàng không phải hủy chuyến. Đến tối cùng ngày, 3 đường băng đã được mở trở lại, trừ đường băng xảy ra vụ va chạm. JAL đã hủy hơn 40 chuyến bay nội địa đến và đi từ sân bay Haneda trong ngày 3/1. Hãng hàng không All Nippon Airways cũng hủy hơn 50 chuyến bay nội địa và một số chuyến bay quốc tế bị ảnh hưởng.

Theo Thùy Dương

Báo Tin Tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên