MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao ông Tập sẽ không chịu nhượng bộ tại cuộc gặp Hội nghị G-20?

29-11-2018 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Nhà lãnh đạo Trung Quốc rất kiên định với các chính sách của mình và ông sẽ không từ bỏ nó chỉ để xoa dịu một vị tổng thống Mỹ đang bị thương - một cá nhân thiếu nhất quán.

Hy vọng về một bước đột phá đối với diễn biến căng thẳng của cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tới đây đã dần phai nhạt. Thậm chí ông Trump đã "dội gáo nước lạnh" vào những hy vọng này, chỉ vài ngày trước buổi gặp mặt, ông nói "rất khó" để trì hoãn kế hoạch nâng mức thuế quan.

Đối với những người ủng hộ cách thức trừng phạt thẳng tay này của ông Trump, tình thế bí bách hiện tại có thể gây chán nản cho họ. Liệu có chắc rằng nền kinh tế đang trì trệ cùng thị trường chứng khoán trong tình trạng sụt giảm áp lực từ việc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới sẽ khiến Bắc Kinh phải đầu hàng trong cuộc chiến này? Nhưng ở đây, gần 1 năm sau khi ông Trump lần đầu tuyên bố việc áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, thì ông Tập cũng chưa từng chịu khuất phục.

Với tình trạng mức tăng trưởng đang chậm lại, ông Tập có xu hướng muốn kết thúc cuộc chiến thương mại và có thể đưa ra một hoặc hai động thái nhượng bộ để đi đến thoả thuận. Có lẽ hai nhà lãnh đạo sẽ đưa ra một thoả thuận hoặc cam kết ngừng bắn, việc này sẽ củng cố tinh thần cho các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ, ít nhất là một hoặc hai ngày.

Tuy nhiên, họ không nên hy vọng rằng ông Tập sẽ có động thái nhượng bộ trong cuộc chiến này. Ông sẽ không mở rộng cơ hội tiếp cận cho các công ty Mỹ vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ lại liên tục cáo buộc các công ty Trung Quốc ăn cắp công nghệ. Và quan trọng hơn hết là ông Tập sẽ không đi ngược lại với các chính sách công nghiệp của mình.

Ở thời điểm này, những người ủng hộ thuế quan Trump đều có thể nói rằng: hãy cho ông ấy thêm thời gian. Các mức thuế quan hiện tại mới bắt đầu gây ra những tác động. Điều đó là đúng, nhưng lại không quan trọng. Bởi ông Tập sẽ không chịu đầu hàng cho dù mức thuế quan từ phía Washington đưa ra cao đến đâu. Một phần là do thuế quan không thể gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế 12 nghìn tỷ USD của Trung Quốc như Nhà Trắng nghĩ. Hơn thế nữa, ông Tập rất chắc chắn rằng hướng đi ông đã lựa chọn là đúng đắn và phù hợp với tương lai của quốc gia.

Với các loại chi phí gia tăng và trở ngại "đổ ập" đến, ông Tập biết rằng nền kinh tế phụ thuộc vào nợ của Trung Quốc cần nâng cấp từ hoạt động xuất khẩu hàng tiêu dùng cơ bản và các sản phẩm công nghiệp thành các lĩnh vực công nghệ cao, nhằm mở ra thị trường mới và thu nhập cao hơn cho người dân. Nếu không thì Trung Quốc có thể rơi vào "cái bẫy thu nhập trung bình", nói cách khác là rơi vào tình trạng như nhiều nền kinh tế mới nổi khác.

Cách thức được ông Tập lựa chọn nằm ngay giữa trung tâm của cuộc chiến thương mại với ông Trump - chủ nghĩa bảo hộ, ăn cắp công nghệ và các chính sách trợ cấp ngành công nghiệp nặng cũng khiến Washington chán nản. Liệu rằng chương trình của ông Tập có hiệu quả hay không? Từ quan điểm của ông, thì số tiền bỏ vào đó đã quá lớn để từ bỏ chương trình nghị sự của mình.

Nếu có bất kì điều gì xảy ra, tranh chấp thương mại có thể tiếp tục cho ông Tập thấy rằng chương trình của ông là cần thiết và khẩn cấp. Vụ bê bối của ZTE đã cho thấy sự thống trị công nghệ của Mỹ có ảnh hưởng lớn thế nào đối với việc "vùi dập" các công ty lớn của Trung Quốc. Và dù vụ việc được giải quyết, thì ông Trump sau đó cũng ra lệnh trừng phạt một công ty công nghệ Trung Quốc khác, đó là nhà sản xuất chip Fujian Jinhua, với cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Sau vụ việc này, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã thắt chặt kiểm tra đối với đầu tư nước ngoài, mục đích rõ ràng là ngăn chặn sự thâm nhập của Trung Quốc. Và ông Tập chỉ có thể kết luận rằng việc dựa vào phương Tây là quá nguy hiểm, quốc gia của ông phải phát triển và kiểm soát công nghệ của riêng mình.

Còn về mặt chính trị, ông Tập tự đặt mình ở vị trí "nhà vô địch" đến từ Trung Quốc trên "sân chơi" quốc tế, để không bị thấy như mình đang chật vật dưới áp lực của Mỹ. Giờ đây, khi đã có thể nắm giữ vị trí Chủ tịch nước tới hết đời, ông Tập đang suy tính những nước đi từ 10 đến 15 năm, về tương lai của Trung Quốc và di sản của chính mình.

Ông Trump thì lại không có được sự ưu ái đến vậy. Ngoài thất bại trong việc giành lại Hạ viện tại cuộc bầu cử giữa kỳ, ông cũng phải đang đối mặt với tình trạng thê thảm của thị trường chứng khoán do những lo ngại về nền kinh tế Mỹ - một phần là vì chính sách thương mại của chính ông. Điều đó cũng khiến ông không thể có tâm thế thoải mái khi thực hiện đàm phán từ vị trí của một người nắm trong tay sức mạnh. Câu hỏi đang được đặt ra là không phải ông Tập có thể nắm giữ vị trí ấy bao lâu, mà chính là ông Trump.

Có thể có nhiều ý kiến cho rằng chính sách của ông Tập không phù hợp với Trung Quốc và ông nên bắt tay với Mỹ để các công ty đại lục có thể thâm nhập thị trường này. Nhưng chiến tranh thương mại đang trở thành một con quái thú ngày một nguy hiểm - đó là một cuộc đụng độ về lợi ích quốc gia. Ông Tập sẽ không bỏ đi những gì ông tin đó là nhiệm vụ quan trọng cho tương lai của đất nước chỉ để xoa dịu một vị tổng thống Mỹ đang bị thương - một cá nhân không nhất quán và không được nhiều người ủng hộ. Chỉ khi ông Trump nhận ra thực tế đó thì chiến tranh thương mại mới có thể đi đến kết thúc.

Hương Giang

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên