Tại sao Thái Lan có ý định dời đô?
Tương tự thủ đô Jakarta của Indonesia, Bangkok cũng đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông, dân cư đông đúc. Ý định dời đô từng được một số chình quyền Thái Lan tiền nhiệm nêu ra nhưng chưa có nghiên cứu sâu.
- 27-08-2019Rời khỏi thành phố đang chìm nhanh nhất thế giới, thủ đô mới của Indonesia có gì?
- 24-05-2019Những thành phố có tốc độ co hẹp mạnh nhất Trung Quốc: 'Trụ cột' kinh tế lần lượt vỡ nợ, người trẻ rời bỏ quê hương để lại khung cảnh đô thị hoang tàn
- 28-11-2018Chính phủ Nhật dự định trả 600 triệu đồng cho bất cứ ai rời Tokyo đi nơi khác sống vì thủ đô đông quá
- 01-04-2016Tâm sự của cựu trader rời bỏ phố Wall và mức lương triệu đô: "Tôi đang hạnh phúc hơn bao giờ hết"
Ý tưởng chuyển thủ đô Thái Lan từ Bangkok về một tỉnh khác được Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, dường như vô tình, nhắc đến khi ông phát biểu tại Hội nghị Kết nối Thái Lan với Thế giới hôm 18/9.
“Thứ nhất là tìm một thành phố không quá xa và chi phí triển khai không quá tốn kém. Thứ hai là chuyển chính phủ ra ngoại ô Bangkok để giảm đông đúc”, ông Prayut nói.
Kế hoạch này dường như lấy cảm hứng từ việc Indonesia gần đây thông báo chuyển thủ đô từ Jakarta, đảo Java, về tỉnh Đông Kalimantan, đảo Borneo. Myanmar, quốc gia láng giềng của Thái Lan, năm 2005 dời đô từ Yangon về Naypyidaw.
Jakarta và Bangkok gặp những rắc rối tương tự nhau, đặc biệt là mật độ dân số cao, giao thông đông đúc, tắc nghẽn, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và mực nước biển dâng cao đe dọa nhiều khu vực tại hai thủ đô trong tương lai bị ngập.
Một số lãnh đạo Thái Lan tiền nhiệm cũng từng nghĩ đến kịch bản dời đô. Chính quyền cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra nghiên cứu khả năng chuyển thủ đô về tỉnh Nakhon Nayok, cách Bangkok 100 km về phía đông bắc. Ngoài ra, Thái Lan cũng tính chuyển văn phòng cơ quan chính phủ tới tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok 80 km về phía đông.
Tuy nhiên, những kế hoạch trên không được hiện thực hóa, khiến nhiều người hoài nghi mỗi khi nhắc đến ý định dời đô.
Tình trạng ô nhiễm tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.
'Chỉ là một ý nghĩ'
Thosaporn Sirisamphand, tổng thư ký Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Phát triển Xã hội Thái Lan (NESDC), nói thủ tướng chưa đề nghị cơ quan này nghiên cứu nghiêm túc về dời đô.'Chỉ là một ý nghĩ'
“Dời đô là vấn đề lớn, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều cơ quan”, ông nói. “Tôi nghĩ ông Prayut mới chỉ công khai nêu ý tưởng về cách đối phó tình trạng giao thông đông đúc ở Bangkok”.
Thủ tướng Prayut cũng nhấn mạnh dời đô vào thời điểm này mới chỉ là ý tưởng, cần nhiều nghiên cứu để xác định tính khả thi cùng ảnh hưởng tiềm ẩn đến kinh tế và xã hội.
Theo ông Thosaporn, nghiên cứu cách giảm mật độ giao thông ở Bangkok có vẻ khả thi hơn. Phát triển khu vực là giải pháp then chốt cho tình trạng quá tải ở Bangkok, giúp tạo thu nhập cho vùng lân cận.
Kế hoạch phát triển xã hội và kinh tế quốc gia lần thứ 12 giai đoạn 2017 – 2021 của Thái Lan tập trung vào phát triển khu vực và phi tập trung hóa các khu đô thị, ông Thosaporn tiết lộ. Kế hoạch phát triển hạ tầng hiện tại của Thái Lan, như mạng lưới đường sắt song song, hệ thống đường sắt cao tốc, thiết lập những khu kinh tế mới trong khu vực.
Chiến lược Hành lang Kinh tế miền Đông (EEC) sẽ trở thành khu vực kinh tế mới trong 5 năm. Hành lang Kinh tế miền Nam (SEC) là bước tiếp theo trong kế hoạch, với các dự án hạ tầng quan trọng về đường bộ và đường sắt song song dọc Vịnh Thái Lan. Thái Lan cũng ưu đãi cho đầu tư tư nhân vào các dự án du lịch.
Anek Memongkol, phó tổng thư ký NESDC, nói Bangkok có thể cần thiết lập một loạt biện pháp mới để giảm lưu lượng giao thông trong các thành phố lớn. Phát triển hơn nữa các tỉnh cấp 2 là quan trọng để giảm lưu lượng giao thông.
“Vấn đề trong các thành phố lớn phức tạp hơn, bao gồm các thảm hoa tự nhiên, Trái đất ấm lên và dân số Thái Lan đang già đi. Hoạch định thành phố có vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề đó”.
Bangkok vẫn là trung tâm kinh tế của Thái Lan nhưng vị trí này sẽ chuyển sang khu vực ven biển phía đông khi quá trình phát triển EEC hoàn tất. Khu vực phía nam chú trọng vào du lịch nhưng những nơi công nghiệp hóa hơn sẽ được đưa vào SEC.
Vùng đông bắc là một dự án dài hạn, trở thành cửa ngõ kinh tế khi Thái Lan xây dựng xong đường sắt cao tốc Nong Khai – Bangkok.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Ảnh: Reuters. |
Đơn trung tâm, đa trung tâm
Chính phủ Thái Lan đang được kêu gọi hỗ trợ phát triển các tỉnh lớn trên cả nước thay vì dời đô, theo Issara Boonyoung, chủ tịch danh dự Hiệp hội Kinh doanh Nhà ở. Việc dời đô khỏi Bangkok, đã trở thành trung tâm của quá nhiều thứ, gần như là không thể.
“Họ nói ‘Bangkok là Thái Lan: Thái Lan là Bangkok’ không hề sai bởi Thái Lan đơn trung tâm. Bangkok là nơi có hoàng cung, cơ quan trung ương, bệnh viện đẳng cấp thế giới và nhiều đại học tốt nhất”.
Dịch chuyển những thứ đó rất khó, cho dù xây tân đô tại một thành phố phù hợp là điều dễ dàng.
“Thái Lan nên đa trung tâm, hỗ trợ tăng trưởng các tỉnh chủ chốt, bổ sung cho Bangkok. EEC là một ví dụ, giúp chuyển hoạt động kinh doanh khỏi Bangkok”.
Các tỉnh sắp được phát triển gồm Phuket, Songkhla, Nakhon Si Thammarat, Surat Thani, Nakhon Ratchasima, Udon Thani, Khon Kaen, Chiang Mai, Chiang Rai… Chính phủ Thái Lan cần tích hợp những địa điểm này vào mạng lưới vận tải, như hành lang đông - tây, hành lang nam - bắc.
Chukwan Nilsiri, giám đốc phòng hoạch định thành phố tại cơ quan quản lý đô thị Bangkok, chung quan điểm với Issara.
“Bangkok đã đầu tư hàng tỷ baht để phát triển mạng lưới vận tải và khó có thể tái đầu tư tương đương để xây một mạng lưới tương tự ở tân đô”.