Tại sao TP.HCM không ban bố tình trạng khẩn cấp?
"Lúc đó nhìn lại lực lượng của TP.HCM không đủ để kiểm soát dịch nên lãnh đạo thành phố đề nghị lãnh đạo áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp", Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
- 13-10-2021WB lý giải nguyên nhân tháng 9 ghi nhận bội chi lớn, nhưng cân đối ngân sách 9 tháng vẫn bội thu
- 13-10-2021Bloomberg: Các 'ông lớn' Samsung, Intel dự kiến khôi phục sản xuất hoàn toàn vào tháng tới?
- 12-10-2021Các nhóm ngành dự báo sẽ tạo ra cơ hội đầu tư trong quý cuối năm
"Vũ khí" chiến đấu không phù hợp?
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về công tác phòng chống dịch, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có những chia sẻ liên quan đến những ngày TP.HCM trải qua giai đoạn đỉnh dịch Covid-19.
"TP.HCM đã trải qua những ngày tháng hết sức khốc liệt chưa từng có do đại dịch Covid-19. Dù tình hình đang dần tốt lên, nhưng nỗi lo lắng, ám ảnh vẫn còn nặng trĩu", Bí thư Thành uỷ chia sẻ.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, đại dịch đã để lại cho thành phố nhiều đau thương cũng như bài học xương máu. Từ đó, thành phố sẽ kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm cho thời gian tới để sẵn sàng ứng biến với tình hình.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM chia sẻ, quay lại thời điểm tháng 5/2021, khi thành phố phát hiện 2 trường hợp dương tính Covid-19 đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Ban thường vụ Thành uỷ TP.HCM đã phải ngưng hết nội dung cuộc họp lúc đó để tập trung bàn việc chống dịch.
"Ban lãnh đạo thành phố đã quyết định áp dụng Chỉ thị 15 để kìm lại một số hoạt động, và Chỉ thị 16 ở một số địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Việc chia vùng thực hiện chỉ thị là để tránh việc TP.HCM bị tác động nhiều mặt", Bí thư Thành uỷ TP.HCM giải thích.
Khi chuỗi dịch bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mạnh và lây lan, thành phố đã tiến hành xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phương pháp xét nghiệm mà TP.HCM áp dụng lại là phương pháp PCR. Theo vị Bí thư Thành uỷ TP.HCM, thành phố đã sử dụng "vũ khí chậm" khiến thời gian xét nghiệm, truy vết có phần chậm hơn với tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Ông nói thêm, đầu tiên thành phố lấy 40.000 mẫu xét nghiệm nhưng năng lực trả kết quả chỉ 10.000 nên phải chờ đợi. Tuy nhiên, thời gian chờ lên đến 24 giờ, 48 giờ, có lúc kẹt máy thì 7 ngày mới trả kết quả, khi đó kết quả không còn giá trị.
"Vũ khí chiến đấu không phù hợp dù làm rất tích cực, mà cũng chưa biết chủng Delta lây kiểu gì do không có cảnh báo nào rõ ràng hết", ông Nên thẳng thắn nhìn nhận.
TP.HCM đã có lúc đặt chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu/ngày, huy động hết lực lượng nhưng trả kết quả cũng chỉ vài chục nghìn. Đặc biệt khi đó, ông Nêu cho biết, TP.HCM chưa có thuốc điều trị nên thành phố chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến.
"Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì", ông Nguyễn Văn Nên kể lại.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi giám sát. Nguồn: SGGP
Tại sao TP.HCM không ban bố tình trạng khẩn cấp?
Đến khi vaccine cũng như kit xét nghiệm nhanh được phân bổ cho thành phố thì những khó khăn trước đó mới được giải toả phần nào. Nhưng ngay sau đó, Chính phủ ra Nghị quyết 86, giao TP.HCM phấn đấu trước 15/9 phải kiểm soát được dịch.
"Nhìn lại lực lượng, vũ khí, năng lực, TP.HCM thấy không thể nên đề nghị Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép áp dụng biện pháp cao nhất là tình trạng khẩn cấp", ông Nên kể lại.
"Thế nhưng, sau cùng quyết định sử dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng không tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Nghĩa là, lực lượng quân đội, công an sẽ được tăng cường vào TP.HCM để 'đánh' trận cuối chống dịch", ông nói thêm.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp, khi được hỏi tại sao TP.HCM không thành công như Bắc Giang, Đà Nẵng và một số nơi trong việc xét nghiệm, truy vết được toàn bộ ca nhiễm, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho biết, do đặc điểm của TP.HCM khác với các địa phương khác nên mới dẫn đến sự khác nhau giữa các tỉnh, thành.
Ông đưa ví dụ ở Bắc Giang, khi địa phương chuẩn bị áp dụng giãn cách chỉ cần phải giải tỏa, di chuyển 40.000 dân nên các lực lượng quân đội có thể dễ dàng nhường lại doanh trại cho dân. Thế như ở TP.HCM lại khác, ông Nêu cho biết, có giai đoạn Bình Tân báo tình hình rất căng, không thể giãn cách được.
"Riêng quận Bình Tân lúc đó khảo sát cần di chuyển 100.000 người, không nơi nào đủ sức chứa. Nhiều nơi khác như Bình Chánh, quận 4, quận 8 tình trạng tương tự. Thành phố lúc đó nằm trong trận đồ chiến đấu. Hàng trăm nghìn dân cần di dời nhưng không biết đưa đi đâu bởi Cần Giờ hay Củ Chi cũng không đủ sức", Bí thư Thành uỷ TP.HCM chia sẻ.
Dù vậy, nhờ các lực lượng trung ương tăng cường và có kit test nhanh, cùng với việc Bộ Y tế tăng cường 4 đơn vị Bệnh viện Bạch Mai, Trung ương Huế, Việt Đức, Chợ Rẫy lo điều trị tầng 3, tầng 4, một mặt lực lượng quân y xuống tận từng pháo đài lo điều trị F0 dưới cơ sở, TP.HCM đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh.