Tại sao Trung Quốc mua hầm vàng lớn nhất nhì thế giới?
Trung Quốc không phải là trung tâm giao dịch vàng của thế giới. Vị trí này thuộc về London. Nói cách khác, nếu ICBC muốn nâng cao vai trò của mình trên thị trường, bước chân vào London là cách tốt nhất.
- 26-05-2016Cạn tiền, Venezuela bán vàng trả nợ
- 20-05-2016Tại sao tỷ phú George Soros đặt niềm tin vào vàng?
- 20-04-2016Trung Quốc tiến dần đến vị trí thống trị giá vàng toàn cầu
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) vừa có một canh bạc lớn đặt cược vào vàng. Mặc dù các chi tiết vẫn được giấu kín, ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện đang sở hữu một trong 7 hầm vàng bí mật ở London. Dưới đây là một số điều cần làm rõ về sự kiện này.
Là một phần trong kế hoạch soán ngôi của Trung Quốc
Hiện nay ICBC là ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo tổng tài sản. Theo BBC, Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu vàng của toàn thế giới. Bởi vậy, rõ ràng là ICBC cần phải bước chân vào thị trường giao dịch vàng.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là trung tâm giao dịch vàng của thế giới. Vị trí này thuộc về London. Nói cách khác, nếu ICBC muốn nâng cao vai trò của mình trên thị trường, bước chân vào London là cách tốt nhất.
Hầm vàng mà ICBC vừa mua được Barclays mở ra năm 2012 và có thể chứa được tối đa 2.000 tấn kim loại quý (gồm vàng, bạc và bạch kim). Đây là một trong những hầm lớn nhất trên thị trường London.
Thực sự thì ICBC được gì?
Mới đây tỷ phú George Soros đã mua cổ phần của Barrick Gold – tập đoàn khai thác vàng lớn nhất thế giới. Ông cho rằng vàng sẽ tăng giá và do đó cổ phiếu của Barrick cũng sẽ tăng theo.
John Paulson – người từ xưa đến nay vẫn kiên trì với vàng - mới đây đã giảm 17% lượng cổ phần mà ông đang nắm giữ ở quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. Tuy nhiên vì ông vẫn còn giữ một lượng cổ phần rất lớn ở đây, động thái này được cho là để chốt lời thay vì Paulson đã có cái nhìn khác về vàng.
Tuy nhiên, có một điểm chung giữa 2 tỷ phú nổi tiếng: họ đều trực tiếp đặt cược vào giá vàng.
Trong khi đó, quyết định của ICBC không thực sự là đặt cược vào giá vàng mà là vào hoạt động giao dịch vàng. ICBC sẽ đóng vai trò là trung gian giữa người sở hữu vàng, người mua và người bán. Sơ đồ dưới đây sẽ làm rõ điều này. Đó mới là điểm quan trọng nhất.
Mặc dù vàng được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp và làm nhiều đồ trang sức, một trong những công dụng lớn nhất của vàng là làm nơi cất giữ giá trị. Có nghĩa là người dân bình thường cũng như các công ty và định chế tài chính mua vàng đơn giản là để sở hữu nó. Nhưng bạn không thể giữ vàng bên cạnh mình nếu khối lượng quá lớn, đó cũng chính là lý do các nhà đầu tư lớn phải mua các két sắt an toàn. Và, người ta cũng phải trả tiền để thuê nơi cất giữ cũng như phí trông coi.
ICBC muốn thu các khoản phí này khi sở hữu một trong những hầm vàng lớn nhất thế giới. Đồng thời, bằng cách có một hầm vàng ở London, ngân hàng này sẽ có thể làm việc với các khách hàng không muốn để vàng ở Trung Quốc.
Vị thế của ICBC trên thị trường vàng cũng tăng lên. Vài tuần trước, ngân hàng này gia nhập hệ thống giao dịch bù trừ kim loại quý London (hệ thống này đã không kết nạp thành viên mới trong hơn 1 thập kỷ qua). ICBC cũng bắt đầu báo giá cho Hiệp hội thị trường vàng London, cơ quan xây dựng chỉ số chuẩn cho giá vàng.