"Tái sinh rác" để đổi lại rau xanh mướt, cây trĩu quả, bà chủ penthouse biến ngôi nhà thành không gian sống vô cùng ý nghĩa giữa mùa dịch
Từ góc sân trồng hoa ban đầu, chị Huệ - nữ chủ nhân penthouse 320m2, đã tận dụng ngay các loại rác thải hữu cơ trong gia đình để thực hiện "tái sinh rác", giúp chị nâng cao chất lượng góc vườn rau xanh um, tươi tốt giữa thành phố.
- 11-09-2021Lỗ Vĩ Đỉnh - Đời F2 LẠ LÙNG của nhà giàu Trung Quốc: Vừa hưởng thừa kế đã quyên góp toàn bộ tài sản hàng nghìn tỷ của cha mình, gia tộc giữ quan hệ thân thiết với Jack Ma
- 10-09-2021Hai vợ chồng tự thiết kế nhà phố, không gian tinh tế ấm cúng khiến ai cũng tấm tắc khen: Không cầu kỳ nhưng đem lại cảm giác an yên, hạnh phúc
- 10-09-2021Nữ chủ nhân xây "vườn quê" giữa penthouse 320m2: Yêu rác đến nỗi tái sinh rồi thổi hồn vào từng góc nhà, chọn mua 4 căn hộ ở 1 khu đô thị chỉ vì lý do ai nghe xong cũng đồng tình
Chị Nguyễn Thị Huệ (56 tuổi) là một cư dân ở "thành phố xanh" Ecopark. Đến với khu đô thị từ một lần tình cờ nhưng chị được truyền cảm hứng về những giá trị yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại đây.
Để góp phần trân trọng không gian xanh xung quanh mình, chị Huệ đã tự tay "tái sinh" rác thải trong nhà theo một cách rất độc đáo. Chỉ cần tận dụng các loại chai, lọ rỗng có sẵn trong nhà, chị Huệ đã biến rác trở thành chất dinh dưỡng cho chính khu vườn của mình.
"Tái sinh" rác thành rau: Đơn giản nhưng đầy ý nghĩa
Chia sẻ về nguyên nhân ban đầu đến với ý tưởng "tái sinh rác", chị Huệ chia sẻ: "Chị làm việc trong ngành du lịch và có ý thức bảo vệ môi trường từ khi tham gia vào câu lạc bộ du lịch có trách nhiệm. Hạn chế xả rác thải ra môi trường cũng là 1 trong những tiêu chí của câu lạc bộ. Ngoài ra khi sống ở Ecopark thì chị thấy có khẩu hiệu ‘Vì 1 Ecopark không rác thải’ nên cũng muốn thực hành, biến khẩu hiệu thành hành động.
Một nguyên nhân nữa truyền cảm hứng cho chị là đến từ con gái. Bạn ấy cũng là một người yêu thiên nhiên nên đã tìm tòi và áp dụng các biện pháp tái chế, xử lý rác thải từ rất sớm. Con chị chỉ ở trong một căn chung cư tại Lê Thánh Tông thôi, không có quá nhiều diện tích nhưng bạn ấy vẫn áp dụng được. Sau khi bạn ấy chia sẻ, chị mới bắt đầu học theo và nhận được rất nhiều lợi ích từ đó."
Góc sân vườn được chị tận dụng để trồng cây, tăng thêm không gian xanh cho gia đình.
Các công đoạn, quá trình xử lý để "tái sinh rác"
Quá trình xử lý rác của chị Huệ không có gì cầu kỳ mà rất đơn giản, dễ làm. Như vậy, ai cũng có thể áp dụng được ở nhà mình. Mọi người chỉ cần chuẩn bị những cái lọ rỗng, chai rỗng có dung tích vừa phải, sau đó thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đục lỗ hộp (từ 2/3 chiều cao xuống đáy).
Bước 2: Chôn hộp xuống đất, ít nhất phải lấp kín các lỗ.
Bước 3: Cho các loại rác hữu cơ vào (cuống rau, vỏ củ quả, bã quả ép, thức ăn thừa,…), tưới một ít nước để làm rác ướt, nếu có bột nấm đối kháng thì rắc lên trên để không có mùi và giòi bọ.
Bước 4: Làm tương tự với nhiều lọ khác, khi có thêm rác thì mở nắp lọ để bổ sung, sau đó đậy kín như ban đầu.
Như vậy, rác phân hủy sẽ trở thành phân bón nuôi dưỡng đất đai, được tận dụng để trồng cây, trồng rau củ rất tiện lợi. Gia đình vừa hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, vừa có rau sạch để ăn và cây đẹp để ngắm.
Chị Huệ cho biết: "Nếu vừa bắt đầu làm thì mỗi lọ mình có thể để trong khoảng một tuần. Sau đó, khi rác đã bắt đầu tự phân hủy và tụt dần xuống, mình có thể bổ sung thêm rác mới mỗi ngày và thực hiện theo phương pháp xoay vòng. Ví dụ, nhà chị có 7 lọ tái sinh rác hữu cơ thì mỗi ngày, chị sẽ cho rác vào một lọ khác nhau.
Về số lượng lọ, mỗi nhà có thể làm linh hoạt dựa theo khối lượng rác sinh hoạt thải ra trong ngày. Nhà chị có ít người nên mỗi ngày, chị chỉ cần cho rác vào một lọ thôi là vừa. Nếu nhà nào đông người, thải ra nhiều rác hơn thì phải 2-3 lọ mới đủ."
Nếu như có gì đấy khó khăn đối với chị thì chính là khâu đục lỗ. Vì trong nhà không có bếp ga, mỗi lần muốn đục, chị Huệ dùng dao, kéo, trầy trật một lúc mới làm xong hết. Nếu nhà ai có bếp ga, chỉ cần hơ nóng những cái dùi hoặc que bằng sắt, sau đó đục lỗ chai, lọ rất đơn giản, gọn gàng.
Chị cũng cho biết thêm một cách mà chúng ta không cần đục lỗ: Đó là sử dụng những cái chai nước ngọt to khoảng 1,5 lít (hoặc chai nước giặt, can nhựa...). Chỉ cần cắt rời đáy chai, bỏ rác vào rồi dùng chính đáy chai vừa cắt để đậy lại thật kín. Cổ chai thì cắm ngược vào trong đất, nước rác sẽ tự thoát ra. Cách này giúp mọi người tiết kiệm thời gian và công sức hơn.
Nếu nhà nào lo lắng về vấn đề thẩm mỹ thì nên chôn lọ sâu xuống đất, chỉ để lại một khoảng phía trên để tiện bổ sung thêm rác thải.
Bắt đầu học cách "yêu rác" từ việc phân loại rác
Nữ chủ nhân của căn penthouse cho biết: "Chị làm việc này rất đơn giản vì ngay từ đầu, nhà chị đã có thói quen phân loại rác. Trong nhà luôn có nhiều sọt đựng rác khác nhau. Có những cái chuyên đựng túi nilon, đồ nhựa, vỏ lon, vỏ chai... Những món có thể bán đồng nát thì chị cho riêng vào đó, sau đó đưa cô lao công để cô ấy đem bán. Còn những loại giấy, báo cũ, bao bì… thì chị phân loại ra một cái thùng riêng. Sau này nếu có lúc nào cần đốt, ví dụ như lúc nướng BBQ, thì mình lấy ra sử dụng.
Những loại rác vứt đi của nhà chị sẽ còn rất ít, đa số là các loại vỏ bánh, vỏ kẹo, túi nilon bẩn không thể tái sử dụng… Như vậy, mình đã giảm đáng kể lượng rác vứt ra môi trường và công đoạn lọc rác hữu cơ, cho vào một cái rổ riêng cũng trở nên dễ dàng hơn.
Nhờ phân loại ngay từ trong quá trình sử dụng nên khi nào đi xử lý rác, mình chỉ cần bê cái rổ đấy là xong. Mỗi tối, trước khi cho vào lọ tái sinh rác, chị dùng kéo cắt vài cái cho nhỏ, gọn hơn để phân hủy dễ hơn."
Một góc thành quả "xinh yêu" sau thời gian chăm sóc cẩn thận.
Phân loại rác trở thành một thói quen giúp cho việc tái chế, tái sử dụng mọi thứ một cách dễ dàng. Chị tâm đắc rằng: "Thay đổi ngay trong sinh hoạt hằng ngày là mình đã xây dựng được một thói quen bảo vệ môi trường."
Chị cũng tận dụng để trang trí cho ngôi nhà thêm phần độc đáo.
*Ảnh: NVCC