Tài xế Grab, Uber có được Luật Lao động bảo vệ không?
Thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ, và pháp luật, thể chế lao động cũng cần phải được cập nhật.
- 31-03-2018Uber ‘bán mình’ cho Grab: Khó cho ngành Thuế?
- 30-03-2018Bộ Giao thông: Uber-Grab sáp nhập là quyền tự do doanh nghiệp
- 28-03-2018Luật sư Trương Thanh Đức: Không có cơ sở kết luận thương vụ M&A giữa Uber và Grab vi phạm luật cạnh tranh
Ông Chang- Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã chia sẻ những nhận định về quá trình sửa đổi Luật Lao động cũng như những vấn đề về lao động được nêu trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được 11 nước, trong đó có Việt Nam, ký kết mới đây.
Ông Chang - Hee Lee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam. (Ảnh: KT)
PV: Thưa ông, việc CPTPP được ký kết, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng như thế nào tới thị trường lao động Việt Nam?
Ông Chang- Hee Lee: Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các FTA sẽ kết hợp cùng nhau đẩy nhanh sự thay đổi trong nền kinh tế và thị trường lao động. Nhìn chung, chúng ta có thể mong đợi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các FTA sẽ đem lại tiềm năng tích cực để tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và đồng thời nâng cao năng suất và năng lực của các ngành công nghiệp của Việt Nam.
Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA, một khi được phê chuẩn, sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, thông qua việc tăng tính cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trên những thị trường chính và đẩy mạnh FDI, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra hàng triệu việc làm trong cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, thay đổi công nghệ - đặc điểm đặc trưng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 – sẽ tái cấu trúc sâu sắc bản chất của việc làm, về cả số lượng và chất lượng, trong các ngành sản xuất và dịch vụ.
Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng những thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất. Ví dụ, ILO ước tính rằng 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may – da giày của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ cao bị tự động hoá trong tương lai. Cách mạng 4.0 sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới.
Đây là một thách thức phức tạp đối với cá nhân người lao động, những người không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với sự thay đổi đó. Cá nhân người lao động không thể đoán trước được những công việc nào sẽ biến mất và những kỹ năng mới nào sẽ cần trong tương lai. Khi người lao động mất việc do thay đổi cấu trúc và công nghệ, họ không nên bị bỏ mặc và tự tìm công việc mới.
PV: Vậy theo ông Việt Nam cần chuẩn bị như thế nào trước những thay đổi mà CPTPP và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại?
Ông Chang- Hee Lee: Chính phủ cần nâng cao năng lực hoạch định và thực hiện các chính sách thị trường lao động tích cực, dự báo thay đổi trong thị trường việc làm, đưa đào tạo nghề phù hợp với những yêu cầu mới, cải thiện hệ thống giáo dục, và cung cấp bảo trợ xã hội trong quá trình chuyển từ công việc này sang công việc khác. Điều này nên được thực hiện thông qua mô hình đối tác công-tư, với sự tham gia thực chất của các ngành và doanh nghiệp, những bên đòi hỏi người lao động có trình độ và kỹ năng mới.
Đồng thời, cần thiết phải phát triển khung khổ điều tiết hợp lý để bảo vệ người lao động trong những hình thức việc làm mới.
Tôi lấy ví dụ về tài xế uber hoặc grab. Ngày nay, họ là một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Họ là sản phẩm của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Câu hỏi đặt ra là: Họ có phải là người lao động không? Họ có phải là người làm thuê không? Họ có nằm trong diện bảo vệ của Bộ Luật Lao động không? Đó là những câu hỏi cần phải được giải đáp trong quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động.
Khi Bộ Luật Lao động được sửa đổi lần trước vào năm 2012, thời đó chưa có các tài xế uber hoặc grab. Thị trường lao động đang thanh đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ, và pháp luật, thể chế lao động cũng cần phải được cập nhật.
Lần sửa đổi Bộ Luật Lao động tới đây trong bối cảnh CPTPP cần giải quyết những thách thức về mặt điều tiết này, có cân nhắc đầy đủ tới những tác động của Cách mạng 4.0.
PV: Theo ông, trong lần sửa đổi Luật Lao động sắp tới của Việt Nam, cần đặc biệt chú ý tới những vấn đề nào để đáp ứng yêu cầu chương lao động trong hiệp định CPTPP, thưa ông?
Ông Chang –Hee Lee: Tôi hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang thực hiện việc sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng những yêu cầu đặt ra trong Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA, với mục tiêu sẽ trình Quốc hội bản Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi vào tháng 05/2019.
Các chương về quan hệ lao động có vai trò mấu chốt đối với không chỉ Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA, mà còn là mục tiêu tổng quát hiện đại hoá cách thức lao động được quy định tại Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, điều kiện cho người lao động, bao gồm tiền lương, được quyết định thông qua đối thoại xã hội và thương lượng tập thể giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động, được trao quyền và điều chỉnh bởi các luật và quy định liên quan đến quan hệ lao động. Đây là điểm yếu trong Bộ luật Lao động hiện hành, cần phải cải thiện để phù hợp với Tuyên bố năm 1998 của ILO.
Trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, cần cân nhắc đến việc phê chuẩn các Công ước số 98 và 87, vì các công ước này đưa ra những nguyên tắc phổ quát dựa trên quan hệ lao động hiện đại được xây dựng ở hầu hết các nước thành viên của ILO.
Tuy nhắc tới những khía cạnh đó, chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người lao động và xã hội, bao gồm hợp đồng lao động, phân biệt đối xử, tuổi nghỉ hưu, tiền lương và thời giờ làm việc.
Một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng, căn bản là về phạm vi áp dụng của Bộ Luật Lao động – liệu Bộ luật chỉ áp dụng cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực kinh tế chính thức, hay chỉ ở những người lao động có hợp đồng lao động? Những tài xế Grab và Ubers thì sao? Việt Nam hiện có một lực lượng lao động hơn 53 triệu người, trong đó 22 triệu người làm các công việc tự làm hoặc là lao động gia đình không được trả lương, phần lớn thuộc nền kinh tế phi chính thức, và 23 triệu người là lao động làm công ăn lương. Vậy bao nhiêu trong số họ sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động? Đây có lẽ là câu hỏi đầu tiên cần được trả lời.
Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia đầy đủ của công đoàn, đại diện doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong suốt quá trình sửa đổi Bộ Luật Lao động. Việc đổi mới pháp luật lao động có thành công hay không phụ thuộc vào cách thức tiếp thu một cách cân bằng giữa nhu cầu được bảo vệ tốt hơn của người lao động và nhu cầu về tính linh hoạt của doanh nghiệp. Cân bằng những nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động là khả thi chỉ khi đại diện của họ tham gia vào quá trình này./.
VOV