MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tạm giữ hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội

11-07-2020 - 11:20 AM | Thị trường

Hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu đã bị lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thu giữ.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong các ngày 7/7 và 9/7/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường cơ động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Đội Quản lý thị trường số 1 và Đội Quản lý thị trường số 17) tiến hành kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh in, phát hành xuất bản phẩm, sách giáo khoa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tạm giữ hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội  - Ảnh 1.

Kết quả, các Đoàn kiểm tra đã phát hiện một số doanh nghiệp tại khu vực số 418 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội có nhiều vi phạm trong lĩnh vực, hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm: không thông báo địa điểm kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; không lập sổ ghi chép quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in theo quy định; in, sử dụng mã số, mã vạch của nước ngoài; tàng trữu xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số hàng hóa gồm 15.000 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; 108 kg bao bì sản phẩm có in dòng chữ nước ngoài và "Made in Korea" và 325 kg bao bì sản phẩm có dòng chữ nước ngoài và "Made in USA".

Ngày 09/7/2020, Đội Quản lý thị trường số 17 kiểm tra cơ sở kinh doanh thuộc công ty TNHH Phú Hưng Phát, địa chỉ số 87 ngõ 1141 Giải Phóng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ số xuất bản phẩm gồm 27.200 cuốn sách giáo khoa các loại chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu in lậu. Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Tạm giữ hơn 27.000 cuốn sách giáo khoa không rõ nguồn gốc tại Hà Nội  - Ảnh 2.

Tổng cục QLTT cho biết từ nay đến hết năm sẽ chủ động tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh in ấn, phát hành xuất bản phẩm có sai phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần chuẩn bị, phục vụ tốt năm học 2020-2021.

Quỳnh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên