Tâm lý các nhà phân tích vàng quay ngoắt 180 độ, hồi hộp lo sợ giá phá sàn
Tâm lý của các nhà đầu tư vàng tuần này “trồi sụt” khi giá vàng “mắc kẹt” trong biên độ hẹp. Triển vọng thị trường vàng đã nghiêng về GIẢM khi giá đã nhanh chóng mất hơn 40 USD và phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ quan trọng do dữ liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự kiến.
- 07-08-2021Vàng thế giới lao dốc, vàng trong nước chỉ giảm 250 nghìn đồng mỗi lượng
- 07-08-2021Thị trường ngày 7/8: Giá dầu, đồng, sắt thép và cà phê đồng loạt giảm, vàng thấp nhất hơn 1 tháng
- 30-07-2021Nhu cầu vàng thế giới quý II tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn trước đại dịch
Tâm lý nhà đầu tư bị đảo ngược từ lạc quan sang bi quan về vàng xuất hiện từ giữa tuần này, khi đó giá vàng có vẻ sẽ kết thúc một tuần giảm, và càng bi quan hơn sau khi giá xuống dưới ngưỡng quan trọng 1.790 USD/ounce.
Phiên giao dịch kết thúc tuần này, 6/8, giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế sớm hơn những dự đoán trước đây.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 2,2% xuống 1.763,96 USD/ounce, trong cùng phiên có lúc giá xuống chỉ 1.757,70 USD, thấp nhất kể từ 30/6; vàng kỳ hạn tương lai phiên này cũng giảm 2,5% xuống 1.763,10 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá mất khoảng 3%, hiện thấp hơn khoảng 7% so với hồi đầu năm.
Do tác động của thị trường vàng quốc tế, giá vàng trong nước cũng giảm mạnh. Sáng 7/9, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM giảm mạnh 250 nghìn đồng hai chiều về 56,30-57,00 triệu đồng/lượng; giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội giảm ít hơn, mất 50 nghìn đồng hai chiều còn 56,35-57,80 triệu đồng/lượng; vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vẫn ngừng cập nhật, lần cuối cùng niêm yết giá là 51,51-52,21 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Giá vàng lao dốc do USD tăng mạnh sau dữ liệu việc làm của Mỹ
Mặc dù vàng đã chịu áp lực cả tuần, sau khi không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự ở mức trung bình động 200 ngày - khoảng 1.830 USD, nhưng áp lực bán ra chỉ xuất hiện mạnh mẽ vào thứ Sáu, 6/8, sau khi có số liệu về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm tại Mỹ trong tháng 7 tăng nhanh nhất trong gần một năm trở lại đây, bất chấp lo ngại rằng biến thể Delta của Covid-19 lây lan nhanh và nguồn cung lao động vẫn eo hẹp. Theo đó, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp - bức tranh khái quát thị trường việc làm ở Mỹ - tăng thêm 943.000 trong tháng 7, còn tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5,4%. Đây là mức tăng tốt nhất tại Mỹ kể từ tháng 8/2020, và vượt qua tất cả các dự đoán.
Đáng chú ý, phần lớn việc làm tăng nói trên là từ các lĩnh vực khách sạn và giải trí có mức lương thấp hơn, vốn không lạm phát.
Với thị trường việc làm tốt như vậy, nhiều chuyên gia dự báo Mỹ sẽ thông báo về việc giảm dần quy mô kích thích kinh tế ngay trong cuộc họp tháng 9 tới, và sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 1. Lãi suất tăng lên sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng – vốn không sinh lời bằng hình thức lãi suất.
Đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đều tăng sau dữ liệu việc làm, trong khi chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục, càng làm giảm sức hấp dẫn của vàng vốn không mang lại lợi nhuận.
Nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA, Edward Moya, nhận định, vàng đang ở vùng nguy hiểm sau đợt bán tháo hôm 6/8, đang dò đáy 1.750 USD/ounce. Nếu mức này bị chọc thủng thì giá có thể giảm xuống mức 1.700 USD/ounce.
Kết quả khảo sát tuần này của Kitco News về xu hướng giá vàng tuần tới cho thấy không một nhà phân tích Phố Wall nào dự báo giá vàng sẽ tăng. Như vậy, tâm lý các nhà phân tích đã quay ngoắt 180 độ vì phiên khảo sát liền trước, không có ai dự báo giá sẽ giảm.
Kết quả điều tra của Kitco công bố ngày 6/8
Colin Cieszynski, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường thuộc SIA Wealth Management, nói rằng khó có thể lạc quan đối với vàng khi kim loại quý này phải đối mặt với những sóng gió (yếu tố cơ bản) mạnh mẽ, bao gồm lợi suất trái phiếu tăng và đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Ông nói: "Vàng có vẻ như đã sẵn sàng lao dốc…Nếu không giữ được mốc 1.750 USD thì đích tiếp theo sẽ là khoảng 1.700 đến 1680 USD."
Tuần này, 15 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát về vàng của Kitco News. Trong số đó, 13 người, tương đương 87%, cho rằng giá vàng sẽ giảm vào tuần tới; chỉ có hai nhà phân tích, tương đương 13%, kỳ vọng sẽ thấy giao dịch đi ngang trong thời gian tới.
Trong khi đó, 1.128 phiếu khảo sát đã được phát đi trong các cuộc thăm dò trực tuyến trên Main Street. Trong số này, 603 người được hỏi, tương đương 53%, dự báo vàng sẽ tăng giá vào tuần tới; 305 người khác, tương đương 27%, cho biết giá sẽ giảm; và có 220 người, tương đương 20%, trung lập về giá cả.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Kitco News có chung quan điểm rằng vàng có thể gặp khó khăn trong thời gian tới khi ngân hàng trung ương Mỹ tìm cách thắt chặt các chính sách tiền tệ cực kỳ phù hợp của mình.
Marc Chandler, giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, cho biết: "Tôi dự báo giá vàng sẽ giữ ở mức trên 1.750 USD, cũng tương ứng với mục tiêu đo lường của đỉnh ba lần gần gần đây – từ 1830 đến 1835 USD". Tuy nhiên, nếu phá vỡ ngưỡng 1.750 USD thì giá "sẽ giảm tiếp xuống 1735 USD."
Chuyên gia Mark Leibovit của VR Metals / Resource Letter, thì cho rằng việc giá vàng thất bại không hồi phục được vào đầu tuần qua và áp lực bán mạnh vào cuối tuần làm tăng nguy cơ "giảm đáng kể" trong thời gian tới.
Adrian Day, chủ tịch của Adrian Day Asset Management, cho biết ông trung lập về triển vọng vàng trong thời gian tới, và đợt giảm giá này là một sự điều chỉnh lành mạnh, rất cần thiết. Ông cho biết thêm hiện mình đang theo dõi đà tăng của đồng đô la Mỹ.
Mặc dù tâm lý trên thị trường vàng rõ ràng là đi xuống, song một số nhà phân tích cho rằng các nhà đầu tư đang chú ý quá nhiều đến hiện tượng giá ngắn hạn. Nhiều nhà phân tích lưu ý rằng lãi suất sẽ không tăng cao trong dài hạn, đây vẫn là một môi trường tích cực đối với kim loại quý. Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết: "Chúng ta vẫn sẽ thấy lượng hỗ trợ khổng lồ được bơm vào nền kinh tế toàn cầu và điều đó vẫn sẽ hỗ trợ vàng".
Tham khảo: Kitco, Reuters